Sơ đồ tư duy là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc và hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng trong đó tư duy con người được thể hiện dưới dạng sơ đồ. Ý tưởng hay hình ảnh trung tâm này sẽ được phát triển bằng các nhánh tượng trưng cho các ý chính và đều được nối với trung tâm.
Sơ đồ tư duy được đưa ra như là một phương tiện mạnh để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp, hay để phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Khác với máy tính, ngoài khả năng ghi nhớ kiểu tuyến tính thì não bộ còn có khả năng liên lạc, liên hệ các dữ kiện với nhau.
Sự ra đời của Sơ đồ tư duy sẽ đem lại cho chúng ta những lợi ích cơ bản là: 1. Lên kế hoạch; 2. Giải quyết vấn đề; 3. Tiết kiệm thời gian; 4. Sáng tạo hơn; 5. Sáng tỏ một tình huống; 6. Có cái nhìn tổng thể cho một tình huống; 8. Nhớ lâu; 9. Tổ chức tốt; 10. Được giải phóng về mặt trí tuệ và tính sáng tạo trong cách làm việc; 11. Giao tiếp tốt; 12. Tận hưởng công việc hơn; 12. Nhận thấy bản thân mình là một “chiếc máy ý tưởng”….
Với những ích lợi như vậy, Sơ đồ tư duy - một công cụ tổ chức tư duy được tác giả Tony Buzan nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến rộng khắp thế giới. Phương pháp này được phát triển vào cuối thập niên 60 của thế kỉ XX và được xem như là một cách để giúp học sinh “ghi lại bài giảng” mà chỉ dùng các từ then chốt và các hình ảnh. Cách ghi chép này sẽ nhanh hơn, dễ nhớ và dễ ôn tập hơn. Đến giữa thập niên 70, Sơ đồ tư duy đã được ứng dụng cho nhiều cơ quan quốc tế cũng như các học viện giáo dục.
Sơ đồ tư duy không giới hạn về đối tượng, lĩnh vực, độ tuổi, ngành nghề… sử dụng. Nó có thể áp dụng được cho những em bé ở độ tuổi mầm non trong quá trình nhận biết thế giới xung quanh, hình thành và phát triển nhân cách, kỹ năng sống, tích lũy tri thức…; có thể áp dụng được cho học sinh, sinh viên, cho những người đã trưởng thành hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề như: nghiên cứu khoa học, làm việc, quản lý, kinh doanh, diễn thuyết,…Sơ đồ tư duy càng có thể và cần thiết áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả cho hoạt động dạy của người thầy cũng như phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong quá trình học tập, chiếm lĩnh tri thức của người học.
Đề tài NCKH cấp cơ sở năm học 2014- 2015 do TS Phùng Danh Cường - Trưởng Bộ môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin làm chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc ứng dụng Sơ đồ tư duy trong dạy học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; xác được định quy trình, điều kiện thực hiện và thiết kế hệ thống Sơ đồ tư duy theo chương trình môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đó, đề xuất các giải pháp ứng dụng Sơ đồ tư duy trong dạy học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Đề tài góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin ở trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Trên cơ sở đó góp phần thực hiện mục tiêu của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành một trong những trung tâm đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu của Việt Nam, đáp ứng sự nghiệp dông nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ Năm, 11:07 06/08/2015
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội