Ứng dụng mô hình Teambuilding vào hoạt động CLB Tiếng Anh nhằm nâng cao hiệu quả học tập
Đó là nội dung của đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng mô hình Teambuilding của Spencer Kagan vào các hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ Tiếng Anh tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả học tập” do nhóm sinh viên khóa 12 khoa Ngoại ngữ nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu gồm 05 sinh viên: Đàm Thị Thùy Linh, Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Thị Thúy Nga, Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Thị Quỳnh; Giảng viên hướng dẫn: TS.Nguyễn Thị Hương - khoa Ngoại ngữ.
Nhóm nghiên cứu xây dựng đề tài dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Hương
Mô hình xây dựng nhóm - Teambuilding của Spencer Kagan
Theo Spencer Kagan thì mô hình “Teambuilding” (xây dựng nhóm) là một trong 7 chìa khóa dẫn đến thành công của phương pháp Học hợp tác (HHT). Việc xây dựng nhóm được tác giả định nghĩa cụ thể là “quá trình chuyển hóa nhóm các thành viên không thuần nhất thành nhóm tập thể các thành viên đồng nhất có tương tác, gắn kết với nhau”. Theo ông, mô hình học tập xây dựng nhóm được coi như chất xúc tác, thúc đẩy quá trình tương tác giúp chúng ta khám phá ra điểm chung, mục tiêu chung và góp phần làm mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm thêm bền chặt hơn.
Trong mô hình xây dựng đội nhóm, Spencer Kagan đã nêu ra 5 mục tiêu cụ thể giúp mô hình học tập đạt đến thành công: Làm quen (Getting Acquainted); Xác định, nhận diện nhóm (Team Identity); Hỗ trợ lẫn nhau (Mutual Support); Tôn trọng sự khác biệt (Valuing Differences) và mục tiêu 5: Đẩy mạnh, phát triển sự hợp tác (Develop Synergy).
Tại khoa Ngoại ngữ, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh E4U được thành lập vào năm 2015. Đây là mô hình sinh hoạt dành cho tất cả sinh viên của trường để học hỏi giao lưu tiếng Anh, cũng như trau dồi kiến thức xã hội, phát triển kỹ năng giao tiếp; đặc biệt là giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhóm đã lên phương án nghiên cứu và ứng dụng mô hình Teambuilding vào hoạt động của CLB Tiếng Anh E4U.
Nhóm thu thập dữ liệu thông qua các buổi sinh hoạt của CLB E4U
Quy trình nghiên cứu
Để thu thập được dữ liệu đánh quá hiệu quả về mô hình Teambuilding của Spencer Kagan, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu qua bảng câu hỏi điều tra. Bộ bảng câu hỏi điều tra - thăm dò ý kiến được thiết kế trên tiện ích Google Forms chia theo 5 mục tiêu chính:(1) Làm quen; (2) Xác định nhận diện nhóm; (3) Hỗ trợ lẫn nhau; (4) Tôn trọng sự khác biệt; (5) Đẩy mạnh, phát triển sự hợp tác.
Bộ phiếu câu hỏi điều tra gồm 5 phiếu câu hỏi nhỏ, trong đó 4 phiếu câu hỏi điều tra - thăm dò ý kiến đầu tiên được thiết kế phục vụ cho mục tiêu 1,2,3,4, riêng phiếu câu hỏi điều tra - thăm dò ý kiến số 5 là phiếu khảo sát tổng hợp dành cho cả 5 mục tiêu.
Nhóm đã tiến hành quan sát trực tiếp các hoạt động Teambuilding diễn ra trong 10 buổi sinh hoạt (tương đương 5 tuần, mỗi tuần 2 buổi), sau đó tiến hành đánh giá dựa trên các tiêu chí: Số lượng thành viên tham gia; tinh thần tham gia các hoạt động của sinh viên; thái độ, sự tương tác của các sinh viên trong quá trình tham gia trải nghiệm các hoạt động.
Để làm sáng tỏ nguồn thông tin thu được từ bảng câu hỏi điều tra - thăm dò ý kiến và quan sát, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn ngẫu nhiên trực tiếp một số sinh viên sau khi buổi sinh hoạt kết thúc. Các câu hỏi phỏng vấn được thiết kế, phát triển theo loại phỏng vấn bán cấu trúc dựa theo danh mục các câu hỏi đã được đề cập đến trong bảng câu hỏi khảo sát theo từng mục tiêu.
Dữ liệu thu về từ công cụ bảng câu hỏi điều tra - thăm dò ý kiến được nhóm nghiên cứu sủ dụng phần mềm trang tính Excel để xử lý thành dạng số liệu theo tỷ lệ phần trăm, giá trị trung bình. Số liệu được trình bày theo hình thức biểu đồ hoặc bảng thống kê nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm ra kết quả, trả lời cho câu hỏi nghiên cứu.
Kết quả đánh giá của sinh viên về tầm quan trọng của tinh thần hợp tác - làm việc nhóm Teambuilding
Kết quả nghiên cứu
Kết quả đánh giá kết luận chung về hiệu quả của 5 mục tiêu được tổng hợp thông qua nguồn dữ liệu của bảng câu hỏi điều tra - thăm dò ý kiến cho thấy: Sinh viên tham gia trả lời khảo sát đều đã nhận thức được tầm quan trọng của tinh thần hợp tác, tinh thần làm việc nhóm Teambuilding sau khi tham gia các buổi sinh hoạt. Cụ thể, 79.3 % sinh viên cho rằng tinh thần hợp tác, tinh thần làm việc nhóm là quan trọng hoặc rất quan trọng.
Dữ liệu từ các câu hỏi mở, phỏng vấn sâu và quan sát của nhóm nghiên cứu về từng buổi sinh hoạt đã phần nữa khẳng định kết quả - hiệu quả tích cực của 5 buổi sinh hoạt theo từng mục tiêu. Cụ thể:
- Hơn 70% sinh viên đã có thể làm quen được 3 người bạn mới qua các buổi sinh hoạt. Kết quả này cho thấy các hoạt động triển khai trong buổi sinh hoạt chủ đề: “Getting to know each other” đã đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu 1.
- Hầu hết các sinh viên đều có thể ghi nhớ và nêu được chính xác số lượng thành viên trong nhóm sinh hoạt của mình, tên nhóm, tên khẩu hiệu. Điều này cho thấy các hoạt động triển khai trong buổi sinh hoạt chủ đề môi trường đã đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu 2.
- Phần lớn các câu trả lời là khả quan, tích cực cho rằng việc hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên khác trong nhóm: hữu ích, cần thiết, giúp việc hoạt động nhóm hiệu quả hơn, và các thành viên trong nhóm có thể gắn kết, thân thiết với nhau hơn. Kết quả này cho thấy các hoạt động triển khai trong buổi sinh hoạt chủ đề Internet đã đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu 3.
Kết quả đánh giá của sinh viên về hiệu quả các hoạt động mục tiêu 4
- Khi trả lời câu hỏi tình huống: “trong trường hợp nhóm của bạn đang cùng nhau bàn bạc, thảo luận về một vấn đề, có nhiều quan điểm trái chiều đã xảy ra, nếu là trưởng nhóm bạn sẽ làm như thế nào để giải quyết được mâu thuẫn trong nhóm?” phần lớn sinh viên đều cho rằng người trưởng nhóm cần phải học cách lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau, tôn trọng ý kiến riêng của các cá nhân, phân tích lý giải tìm ra điểm chung giữa các ý kiến để tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề đi hoàn thành mục tiêu chung mà nhóm đang hướng đến. Kết quả này cho thấy các hoạt động triển khai trong buổi sinh hoạt chủ đề Y tế - Health đã đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu 4.
- Đa số các ý kiến phản hồi, đóng góp, nêu quan điểm về việc thúc đẩy tinh thần hợp tác, xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong 1 nhóm đều cho rằng: các thành viên trong nhóm cần lắng nghe, tôn trọng các ý kiến của nhau; cần trao đổi, chia sẻ quan điểm với nhau nhiều hơn; cần có ý thức tinh thần trách nhiệm với nhóm và tập thể. Kết quả này đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu 5: giúp sinh viên nhận thức được vai trò của sự tương tác, chia sẻ trong nhóm giữa các thành viên để nhằm tạo ra một sản phẩm mang dấu ấn cá nhân của nhóm.
Về hiệu quả của mô hình Teambuilding
Đối với CLB Tiếng Anh E4U: mô hình Teambuilding của Kagan đã góp phần quan trọng trong phần định hình cấu trúc nội dung các buổi sinh hoạt theo một quy chuẩn khoa học có mục tiêu chủ đích; thời gian buổi sinh hoạt được phân bổ hợp lý với đa dạng các hoạt động; và khuấy động không khí các buổi sinh hoạt học thuật bằng những hoạt động sôi nổi, thú vị, làm giảm bớt đi sự nhàm chán đơn điệu.
Còn đối với mỗi thành viên thì mô hình đã giúp các bạn SV tham gia CLB học được không chỉ các kiến thức, nội dung bài học tiếng Anh theo một cấu trúc khoa học với nhiều hoạt động tương tác mà còn là các kỹ năng mềm ví dụ như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, và các kỹ năng xã hội khác.
Tại Hội nghị tổng kết và trao giải sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2021, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng mô hình Teambuilding của Spencer Kagan vào các hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ Tiếng Anh tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả học tập” của nhóm đã được trao giải Nhất. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực của cả thầy và trò trong suốt quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội