Điện Biên, Sơn La - vùng Tây Bắc anh hùng!
Thời gian là dòng chảy đẩy lùi mọi mất mát đau thương, nhưng những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam vẫn còn mãi như một nhân chứng sống về sự tàn khốc của chiến tranh và cũng là minh chứng cho sự kiên cường bất khuất của cả một dân tộc. Những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử, cả nước hướng về địa chỉ đỏ, ngày 6-8/5/2022 sẽ đi vào ký ức với cảm xúc rất đặc biệt của đoàn cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở lại Điện Biên Phủ và di tích lịch sử tại Sơn La, một lần nữa được tự hào, được sống trong hào khí dân tộc, nhớ về cội nguồn, và là thời điểm ý nghĩa để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những vị anh hùng đã hy sinh cho dân tộc, cho tổ quốc.
Gần 5 giờ vượt đèo dốc, thành phố Sơn La hiện ra trước mắt làm cả đoàn choáng ngợp khi chứng kiến sự đổi thay của một đô thị giữa rừng núi Tây Bắc. Giữa lòng thành phố đang phát triển đó có ngọn đồi mang tên Khau Cả nằm soi mình bên dòng suối Nậm La, nơi đây còn lưu giữ chứng tích lịch sử Nhà tù Sơn La - minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị đầy ải bởi thực dân Pháp giam cầm. Đoàn cán bộ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thăm Nhà tù Sơn La, nơi thử lửa cách mạng một thời oanh liệt.
PGS.TS. Lê Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng trường và TS. Nguyễn Văn Thiện - Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng Đoàn cán bộ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nhà tù Sơn La
Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Nơi đây đã giam giữ tổng cộng 1.007 lượt tù nhân cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Trung ương ủy viên như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thủy, Song Hào... Giặc Pháp muốn biến nhà tù thành nơi đè bẹp ý chí đấu tranh cách mạng của những chiến sỹ trung kiên, mượn nơi rừng thiêng, nước độc này để thủ tiêu những người cộng sản.
Đoàn tham quan di tích lịch sử Nhà tù Sơn La
Thế nhưng, sự hà khắc, tàn ác của thực dân Pháp không làm nhụt chí những chiến sỹ cộng sản. Cuối năm 1935, với quyết tâm biến chốn tù đày thành nơi rèn luyện ý chí của người cộng sản, tổ chức Hội đồng thống nhất do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch được bí mật thành lập. Bốn năm sau, chi bộ lâm thời Nhà tù Sơn La được hình thành, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư chi bộ. Tổ chức Đảng được bí mật thành lập đã lãnh đạo các tù nhân ở Nhà tù Sơn La khôn khéo đấu tranh để không ra gốc ôi - có nghĩa là đấu tranh để sống trong hàng ngũ, để sống với Đảng, với cách mạng, không phải gửi nắm xương tàn nơi nghĩa địa gốc ôi.
Nhà tù Sơn La đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho mỗi thế hệ người Việt Nam
Chi bộ Nhà tù Sơn La bắt liên lạc với bên ngoài thông qua hộp thư cây đa bản Hẹo. Nhiều quần chúng tốt được giác ngộ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Tiêu biểu là Lò Văn Giá, một thanh niên người dân tộc Thái đã mưu trí dũng cảm dẫn đường cho đoàn tù vượt ngục thành công. Hoạt động của Chi bộ Nhà tù Sơn La gắn liền với tên tuổi của nhiều đảng viên cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại di tích lịch sử Nhà tù Sơn La
Cảm phục ý chí kiên cường của những người tù cộng sản bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng, chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng. Mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn” (Trích bảng ghi tại Phòng trưng bày hiện vật lịch sử tại Nhà tù Sơn La).
Đoàn cán bộ trường ĐHCNHN tiếp tục hành trình về với Điện Biên đúng vào ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, hừng hực hào khí khi cả nước hướng về vùng đất Điện Biên thiêng liêng, hào kiệt.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại di tích Đèo Pha Đin
Nhắc đến Điện Biên là nhắc đến một trong những chiến trường ác liệt gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Chiến thắng điện Biên Phủ là đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống pháp và can thiệp Mỹ. Đây là thắng lợi Quân sự quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
1. Thăm sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng
Khu di tích lịch sử Mường Phăng thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện biên, cách thành phố Điện Biên 38 km về phía Đông bắc Nơi đây chính là cơ quan đầu não quan trọng nhất của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm xưa, là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ chỉ huy Chiến dịch. Đây là vùng núi có địa hình hiểm trở, dễ ẩn náu đảm bảo an toàn và tuyệt đối bí mật cho các hoạt động của chiến dịch.
Đoàn tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ
Nổi bật tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là đường hầm xuyên sơn thông giữa hai lán làm việc của đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.
Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày mùng 07/5/1954 làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ.
2. Thăm di tích Đồi A1
Đồi A1 nằm cạnh Quốc lộ 279 thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Nơi đây cách Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp khoảng 500 m về phía Tây theo đường chim bay. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi.
Đoàn tham quan Đồi A1
A1 thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm, là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trận thắng A1 có một ý nghĩa rất quan trọng, đã mở ra cho toàn mặt trận nhanh chóng chuyển sang tổng công kích và đã toàn thắng chỉ sau đó 13 giờ đồng hồ. Ngày 07/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đoàn nghe thuyết minh về di tích hố bộc phá nghìn cân trên đồi A1
Ngày nay đến với khu di tích đồi A1, ngoài những chứng tích lịch sử còn xót lại của chiến tranh như: đường hầm, xe tăng, hố bộc phá… còn một di tích quan trọng để lại ấn tượng khó quên với những du khách khi thăm quan nơi đây là cái hố hình phễu to bằng cái “ao đình” cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc.
3. Hầm castori
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm chỉ huy được xây dựng hết sức kiên cố với vòm sắt, ván gỗ, bao cát… Hầm Đờ Cát dài 20m, rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc. Cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Bên trong hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường 55 ngày đêm mới có thể hạ được hầm này. Vào lúc 17h30 ngày 07/5/1954, Tòan bộ ban tham mưu gồm tướng Castrise và các quan chức cấp dưới đã bị bắt sống trong hầm chỉ huy. Lá cờ quyết chiến, quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên và Việt Nam.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Trước khi được trao trả về Pháp, Castries đã dành nhiều lời lẽ bày tỏ sự thán phục tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông ấy. Chúng tôi biết Đại Tướng là một trí thức và là một giáo sư đã từng dạy học ở Hà Nội. Nhưng không phải nguồn kiến thức nào cũng biến thành tri thức quân sự, không phải người trí thức nào cũng biến được thành vị tướng giỏi”.
4. Thăm bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ
Để hiểu sâu hơn về chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đoàn cán bộ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thăm bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ. Nơi đây đã lưu giữ nhiều tư liệu, thông tin, kỷ vật của một thời hào hùng, oanh liệt,… về cội nguồn dân tộc mình, ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, truyền thống anh hùng cách mạng của cha ông để phấn đấu lao động và rèn luyện giúp ích cho Tổ Quốc.
Đoàn tham quan bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ
5. Viếng nghĩa trang liệt sỹ A1
Đoàn tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ A1
Nghĩa trang liệt sỹ A1 - nơi ghi dấu chiến tích hào hùng của dân tộc. Nghĩa trang nằm dưới chân đồi A1 được xây dựng năm 1958, là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó hầu hết là liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi.
Đoàn thắp hương tưởng niệm phần mộ các liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ A1
Tại nghĩa trang có 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 người anh hùng: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can. Nghĩa trang liệt sĩ A1 nằm bên con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đứng trước khuôn viên nghĩa trang rộng 32.472m2, Đoàn công tác đã thành kính dâng những vòng hoa, thắp những nén hương lên đài tưởng niệm, lên từng ngôi mộ liệt sỹ, bày tỏ sự tri ân những Anh hùng liệt sỹ đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ.
6. Thăm di tích Đồi D và Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Thay mặt Đoàn công tác, TS.Nguyễn Văn Thiện - Phó Hiệu trưởng nhà trường dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại di tích Đồi D
Đồi D là một trong những di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt của các chiến sỹ Trung đoàn 209 Đại đoàn 312 trong đợt tấn công thứ 2 của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Các di tích lịch sử đã trở thành địa danh trường tồn cùng đất nước. Những di tích lịch sử cách mạng này mãi mãi là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển bền vững của mảnh đất Điện Biên anh hùng.
Trước đó, trong các ngày từ 22/4 đến 24/4/2022, đoàn cán bộ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức tham quan, dâng hương tại các “địa chỉ đỏ” - địa danh lịch sử cách mạng tại dải đất miền Trung. Đây thực sự là một đợt học tập rất ý nghĩa cho cán bộ lãnh đạo nhà trường.
Một số hình ảnh của chuyến hành trình về thăm Điện Biên, Sơn La - vùng Tây Bắc anh hùng:
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội