Công đoàn khối trường ngành Công Thương: Phát huy sáng kiến, sáng tạo
Không chỉ giúp kết nối giữa khối trường đào tạo với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng giáo dục, tăng hiệu quả tuyển sinh… các cấp công đoàn khối trường ngành Công Thương còn có vai trò quan trọng trong việc phát huy sáng kiến sáng tạo.
Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - ông Vũ Trường Sơn - cho biết, hưởng ứng các đợt thi đua của Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam, công đoàn các trường trong ngành đều tổ chức xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá thi đua; cụ thể hóa và từng bước đưa nội dung thi đua trở thành nhiệm vụ thường xuyên của trường, trong đó quan tâm đến việc duy trì và phát huy kết quả phong trào thi đua; thực hiện nghiêm túc quy định, quy chế chuyên môn; thực hiện dân chủ hóa trong trường học, hạn chế các hiện tượng tiêu cực; thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, công tác sáng kiến, sáng chế, nghiên cứu khoa học đã được công đoàn cơ sở các trường kết hợp chặt chẽ với chính quyền và chuyên môn đồng cấp tổ chức phát động sâu rộng và đạt hiệu quả cao.
Nhiều tập thể, cá nhận được khen thưởng
Báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam cho thấy, tính riêng trong năm học 2018 - 2019, khối các trường trong ngành đã có 1.442 sáng kiến được công nhận cấp ngành và cấp cơ sở, đem lại giá trị làm lợi trên 3,5 tỷ đồng; tổng số tiền khen thưởng cho tập thể, cá nhân gần 506 triệu đồng. Bên cạnh đó, có 174 công trình, sản phẩm thi đua được công nhận, mang giá trị sản phẩm đạt gần 4,8 tỷ đồng.
Điển hình như Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trong năm 2018 nhà trường đã có 371 sáng kiến, cải tiến; năm 2019 số lượng sáng kiến, cải tiến của nhà trường tăng lên 567. Hay như Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế - nhà trường không những tham gia các dự án trong nước mà còn đấu thầu, liên kết với đối tác bên ngoài để xây dựng các dự án nâng cao năng lực như: Dự án đào tạo nghề Kosen (Nhật Bản), Dự án đổi mới sáng tạo IPP, BIPP (Phần Lan)… Qua đó, uy tín của các trường được nâng tầm, năng lực của cán bộ, giảng viên được nâng cao rõ rệt.
Để các phong trào thi đua phát huy năng lực hiệu quả, công đoàn các trường đã tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và cuộc vận động; phát hiện, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; rút bài học kinh nghiệm để tổ chức chỉ đạo, thực hiện ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, hạn chế tính hình thức, chung chung. Bên cạnh đó, công đoàn còn phối hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu, Phòng công tác học sinh, sinh viên, Đoàn thanh niên và địa phương tổ chức nhiều hoạt động phong trào trong nhà trường. Các hoạt động này đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của học sinh, sinh viên và đạt được nhiều thành tích nổi bật, tạo môi trường lành mạnh, tích cực học tập, rèn luyện cho học sinh, sinh viên.
Từ các phong trào trên, năm học 2019 - 2020, công đoàn khối các trường ngành Công Thương tiếp tục thực hiện phong trào thi đua như: phong trào "Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; phát huy sáng kiến, cải tiến, sáng tạo trong công tác tuyển sinh và giảng dạy.
Nguồn: Báo Công Thương
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội