Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 1-2022
Nhiều sách mới về lương hưu, BHXH có hiệu lực từ 1-1-2022 người lao động cần nắm rõ để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Ngày 7-12-2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Theo đó, kể từ ngày 1-1-2022:
- Điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12-2021 cho các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
- Điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
+ Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống;
+ Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định này là căn cứ để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Nghị định số 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20-1-2022.
Tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu
Từ ngày 1-1-2022, sẽ tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu do có sự điểu chỉnh về mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.Hiện nay, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Công thức tính như sau:Mdt = 22% x Mtnt
Trong đó:- Mdt: Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng.
- Mtnt: mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)
Trong đó:
- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).
- m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Từ ngày 1-1-2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 có sự điều chỉnh.Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất kể từ ngày 01/01/2022 là 330.000 đồng/tháng (22% x 1.500.000 đồng); Mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cụ thể:
Năm 2022, chưa thực hiện cải cách tiền lương nên lương cơ sở 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Vì vậy mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29.800.000 đồng/tháng.
Lưu ý: Khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2022 có người lao động sẽ tăng lên so với năm 2021
Tuổi nghỉ hưu năm 2022 của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường
Tuổi nghỉ hưu năm 2022 đối với lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ và đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam. So với tuổi nghỉ hưu năm 2021 thì tuổi nghỉ hưu năm 2022 đã được điều chỉnh tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ.
Lưu ý, thời điểm hưởng lương hưu ở bảng được xác định như sau:
- Thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- Thời điểm người lao động được nhận lương hưu là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.
Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường
Theo quy định, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của NLĐ làm việc ở điều kiện bình thường, cụ thể:
a. Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
b. Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
c. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
d. Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại điểm a và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm b khoản này từ đủ 15 năm trở lên. Đối với trường hợp này, tuổi nghỉ hưu thấp nhất của người lao động năm 2022 là 55 tuổi 6 tháng đối với nam và 50 tuổi 8 tháng đối với nữ.
Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với so với tuổi nghỉ hưu của NLĐ làm việc ở điều kiện bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, cụ thể:
Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu.
Nguồn: Báo Người lao động
Copyright © 2018 Đại học Công nghiệp Hà Nội