Nguyễn Uyển
Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Cán bộ nào, phong trào ấy”. Khổng Tử cũng cho rằng: “Người cầm quyền, bậc quân vương phải chính. Lấy chính dẫn dắt người, ai dám không chính”? V.I. Lênin - lãnh tụ, người thầy của cách mạng vô sản thế giới - nhấn mạnh: “Tìm ra những cán bộ có bản lĩnh… đó là then chốt nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”! Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 - Ảnh TTXVN
Ngày 12-5-2018, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”. Những lời chí cốt ấy, đủ thấy quyền lực nhà nước và uy quyền của người lãnh đạo ở bất kỳ thời nào, giai đoạn nào cũng vô cùng quan trọng, không gì có thể thay thế được.
Quyền lực và uy quyền
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực của Nhà nước được thể hiện bằng pháp luật để giữ vững trật tự xã hội. Nhà nước mạnh hay yếu, phồn thịnh hay suy thoái đều do bộ máy lãnh đạo nắm quyền điều khiển theo Hiến pháp và pháp luật. Hiểu đúng nghĩa thì, quyền lực là cái mà người khác phải phục tùng. Quyền lực tạo nên từ hai phía: hệ thống chính quyền các cấp và người nắm quyền lãnh đạo.
Uy quyền là cái uy của người lãnh đạo nắm giữ quyền lực. Uy quyền là biểu hiện của nhân cách, phong cách; sự sắc sảo, minh tuệ của tư duy; lòng trung thành với mục tiêu cách mạng; tài cảm hóa mọi người. Đó là tố chất của người lãnh đạo.
Mọi quyền lực của Nhà nước đều được thể hiện ở Hiến pháp và pháp luật. Quyền lực còn thể hiện ở năng lực của bộ máy điều hành toàn bộ hoạt động của đất nước theo pháp luật. Cho nên, quyền lực mạnh hay yếu là ở pháp luật căn chỉnh theo Hiến pháp hay không, thực sự là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân hay không. Khi đã có pháp luật thực sự của dân, do dân, thực sự đại diện và bảo vệ lợi ích của nhân dân, điều quan trọng nhất là sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ, khăng khít như là một của quyền lực (pháp luật) với uy quyền (người lãnh đạo) trong mối quan hệ tổng thể của quyền lực. Cốt lõi của vấn đề là công tác cán bộ. Bởi cán bộ lãnh đạo là đầu tàu vạn năng, là móc xích quan trọng nhất để đưa đất nước tiến lên trong mọi chặng đường cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đất nước ta đang ra sức phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Quyền lực và phẩm chất quyền lực
Thời xa xưa, quyền lực là bạo lực, nhưng không có sức mạnh vô song. Sau đó, quyền lực được thay thế bằng của cải, nhưng của cải cũng không phải vô cùng. Thời nay, nhân loại đã và đang lấy tri thức làm động lực phát triển xã hội. Tri thức đang thực sự là năng lượng của quyền lực và uy quyền của hệ thống chính trị ở bất kỳ một quốc gia nào. Bởi tri thức là vô hạn, có sức mạnh vô song. Đây là điều mà Alvin Toffler - tác giả cuốn sách “Thăng trầm quyền lực” - đã đề cập. Ở đó, phẩm chất, năng lực và uy tín của người lãnh đạo, đặc biệt người lãnh đạo ở tầng chiến lược có vai trò “trụ cột” đối với sự thăng trầm của mỗi quốc gia, dân tộc. Bởi thế, mới có những câu, như: “Vua sáng thì dân vinh”; “Quan đần - dân khổ”, “Quan tham - dân khốn”…
Đất nước mãi tôn vinh tên tuổi những vị anh hùng, những nhà lãnh đạo có công làm sáng danh quốc thể. Nhân dân cũng mãi nguyền rủa những người nắm giữ quyền lực nhưng u tối, làm trái hoặc đi ngược lại quyền lợi của đất nước, của dân tộc. Chưa khi nào như lúc này, nhân dân ta lại đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ nắm giữ quyền lực. Đó là dấu hiệu tốt đẹp của một xã hội luôn muốn đi lên. Cũng bởi, lâu nay sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng, gây hại cho dân, cho nước. Họ nắm giữ quyền lực, nhưng không nêu gương, không “lấy chính để dắt dẫn người” và họ đã bị nhân dân và luật pháp vạch mặt, nghiêm khắc “trừng phạt”. Cho nên, “chỉnh đốn Đảng”, “xây dựng đội ngũ cán bộ”, nhất là cán bộ cấp chiến lược, do Đảng định ra được nhân dân hết sức quan tâm, đồng tình ủng hộ, năng nổ góp sức thực hiện.
Nhân dân luôn đòi hỏi cán bộ lãnh đạo từ Trung ương tới cơ sở phải thực sự là tấm gương ngời sáng về phẩm chất, năng lực và uy tín. Nhân dân cũng mong bộ máy lãnh đạo cần phải được tinh gọn. Đường hướng xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược đã được Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đề ra. Thiển nghĩ, việc triển khai thực hiện phải thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy của cán bộ, đặc biệt những người đứng đầu các cấp, các ngành, tỉnh, thành phố,... trong cả nước.
Phẩm chất của cán bộ lãnh đạo không chỉ thể hiện ở diện mạo, sắc thái uy nghiêm mà hàm chứa ở nội lực. Lãnh đạo phải là người thông minh, có nhận thức chính trị sâu sắc, có bản lĩnh, hết lòng dốc sức cho công việc, phụng sự nhân dân và tổ chức. Đó là khả năng làm chủ công việc, trung thành, nhiệt huyết với mục tiêu cách mạng, biết cách truyền cảm hứng nhận thức và hành động tới mọi người. Đó phải là người luôn thực sự hiểu biết về bản thân mình, về những việc mình làm. Tự tin, biết đồng cảm, sẻ chia với người khác; không để những mối quan hệ dòng họ, tiền tệ, phe nhóm lôi kéo. Không độc quyền, lạm quyền, không vô hiệu hóa cán bộ có tài năng. Không chạy chức, chạy quyền. Không háo danh, háo lộc, tham ô, tham nhũng.
Nói về năng lực của người lãnh đạo, tức là nói đến tài năng làm việc của họ với người khác. Thông qua làm việc với người khác để đạt được mục tiêu công việc của mình. Họ biết cách làm việc, biết lắng nghe, biết tiếp thu ý kiến phản biện, biết tổng quát và mở hướng đi lên. Đây là biểu hiện của tri thức, trí tuệ, tư duy, tài năng dắt dẫn, cảm hóa thuộc cấp của người cán bộ một cách đàng hoàng, đĩnh đạc, minh bạch; không cậy thế cậy quyền, không lên mặt, không thủ đoạn. Năng lực của người lãnh đạo còn thể hiện rõ trong tiến trình thực hiện công việc, biết chọn ra những việc quan trọng, biết quyết định đúng chỗ; biết dự liệu được những việc làm do mình lãnh đạo, chỉ đạo.
Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người lãnh đạo ở cấp độ nào cũng phải có kiến thức để tạo lập môi trường làm việc; có kỹ năng thực hiện công việc; có thái độ khéo léo xử lý mọi tình huống có thể xảy ra. Với người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo ở cấp độ chiến lược thì năng lực là điều tối quan trọng. Nếu cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức, lại có năng lực sẽ được nhân dân yêu mến, kính trọng; đồng cấp mến mộ, tổ chức chọn lựa trao giữ quyền điều hành công việc quan trọng.
Uy tín của người lãnh đạo là một tiêu chí có tính tích hợp các tiêu chí phẩm chất đạo đức, năng lực để tạo nên uy tín. Cho nên, uy tín là một tiêu chí, tiêu chuẩn vô cùng quan trọng phải có của người lãnh đạo các cấp, nhất là cấp Trung ương. Thiếu uy tín, mất uy tín cũng có nghĩa là thiếu lòng tin, mất lòng tin với mọi người, có nghĩa là uy danh, uy quyền không còn thì không thể lãnh đạo được ai. Cho nên, uy tín của người lãnh đạo phải là uy tín đích thực, là sự ảnh hưởng lớn lao từ quyền uy với công việc, được tín nhiệm, được tin yêu của những người bị lãnh đạo. Nghĩa là người lãnh đạo phải thực sự có đức, có tài, giàu bản lĩnh, giàu năng lực chuyên môn. Nói đi đôi với làm. Biết trọng lời hứa. Gần dân, sát dân, hiểu dân. Ngay thẳng, trung thực, thật thà, lịch thiệp. Luôn chăm lo đời sống cho nhân dân... Uy tín để lãnh đạo là đương nhiên, nhưng uy tín có được là sự tích tụ của quá trình đào tạo, làm việc, học tập, rèn giũa, gìn giữ về phẩm chất, đạo đức, về năng lực, tâm lý chia sẻ, thu phục lòng người./.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội