Vào ngày 26/12/2012, ĐHCNHN và Dự án JICA-HaUI đã tổ chức hội thảo về “Chia sẻ các kết quả và kinh nghiệm thực hiện dự án với các cơ sở giáo dục và đào tạo”. Tham gia sự kiện có 52 cán bộ giáo viên và nhân viên đến từ 33 cơ sở giáo dục và đào tạo. Về phía các ban ngành, doanh nghiệp có đại diện đến từ Bộ Công Thương, Tổng cục dạy nghề, Bộ GD&ĐT, Văn phòng JICA Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản, Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Phòng Thương mại Úc, Công ty PENTAX Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Toyota Việt Nam, Canon Việt Nam và CNC Việt Nam cũng tới tham dự sự kiện.
Tại lễ khai mạc, Tiến sĩ Trần Đức Quý, Hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu” Thông qua dự án, trường ĐHCNHN đã cải tiến được hệ thống quản lý của mình và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động xây dựng hệ thống đánh giá kỹ năng và hệ thống hỗ trợ việc làm cho sinh viên. Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đa dạng đã được xây dựng trong dự án và sẽ cố gắng để hoàn thiện hơn nữa các hoạt động này”. Ông Daiken Murakami, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) nói: "Chúng tôi đánh giá cao những kết quả đã đạt được của dự án. Những kết quả này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu đối với nguồn nhân lực có tay nghề cao, một trong những thách thức lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng sắp tới sẽ có thêm nhiều các tổ chức giáo dục và đào tạo làm được những gì dự án HaUI-JICA đã thực hiện. Ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam cho biết: "Sau hai dự án với sự hỗ trợ kỹ thuật của JICA, chúng tôi tự hào rằng trường ĐHCNHN được công nhận là cơ sở dạy nghề có thể cung cấp các chương trình đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn Nhật Bản và nhận được đánh giá cao từ các cơ quan chính phủ, các đơn vị đào tạo nghề khác và các doanh nghiệp.
Tại phiên thảo luận chung, ông Hà Xuân Quang, Phó Hiệu trưởng ĐHCNHN đã trình bày tổng quan về các kết quả và hoạt động chính của Dự án. Ông Inagawa, chuyên gia JICA, đã giải thích về hệ thống quản lý chu trình đào tạo – hoạt động then chốt của Dự án.
Sau phiên thảo luận chung, các thành viên tiếp tục tham gia 6 phiên thảo luận song song: (i) tổ chức khảo sát nhu cầu doanh nghiệp; (ii) xây dựng khóa học ngắn hạn: kinh nghiệm triển khai khóa bảo dưỡng máy móc; (iii) tổ chức chương trình thực tập đôi bên cùng có lợi; (iv) xây dựng hệ thống hỗ trợ việc làm; (v) triển khai 5S tại trường; và (vi) tổ chức đánh giá kỹ năng nghề thí điểm. Các thành viên nhóm công tác Dự án đã trình bày những kết quả chính của dự án, trình bày những báo cáo, các loại tài liệu hướng dẫn, quy trình và các xuất bản phẩm khác của Dự án.
Tại phiên tổng kết, những báo cáo và người chủ trì đã báo cáo tóm tắt nội dung trao đổi của phiên mình. Ông Quang điều phối phần thảo luận về một số vấn đề được lựa chọn như cách tổ chức khảo sát nhu cầu doanh nghiệp một cách bền vững, cách xây dựng chương trình đào tạo cho các khóa học ngắn hạn, cách theo dấu tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội