Hội thảo phân luồng đào tạo, tăng cường năng lực giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực |
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với văn phòng dự án HaUI-JICA Nhật Bản, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế kỹ thuật Bắc Ninh và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo Phân luồng đào tạo, tăng cường năng lực giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tham dự Hội thảo có Đại diện lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các KCN, các cơ sở đạo tạo nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm, một số trường THPT, doanh nghiệp trong các KCN tỉnh. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tóm tắt về hoạt động dạy nghề cùng tình hình cung ứng lao động cho các KCN trên địa bản tỉnh. Theo đó, năm 2014, toàn tỉnh đào tạo được trên 33.000 lao động, trong đó cao đẳng nghề 550 người, Trung cấp nghề 2.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 31.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2014 đạt 57%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 42%. Trên địa bàn tỉnh, các cơ sở đào tạo nghề đã tăng cả về số lượng và chất lượng, công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 50 cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên trình độ, kỹ năng dạy nghề của giáo viên còn hạn chế, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THPT còn gặp nhiều bế tắc. Công tác tuyển sinh tại các trường nghề còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân về học nghề còn hạn chế… Vì vậy, số lao động có chuyên môn kỹ thuật thiếu, nguồn lao động chưa đều, ý thức lao động chưa cao, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận đã đưa ra các giải pháp, các chương trình bồi dưỡng tăng cường năng lực giáo viên để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như: kinh nghiệm đào tạo đội ngũ kỹ thuật dạy nghề tại Nhật Bản do ông Yorio Kanemaru chuyên gia JICA, cố vấn Trưởng Dự án HaUI-JICA chia sẻ; kinh nghiệm đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu của ngành công nghiệp của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; đặc biệt mô hình giáo dục 24/7 nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh sinh viên trong Trường Cao đẳng nghề Kinh tế kỹ thuật Bắc Ninh…đã giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, các học viên nắm được kiến thức, kỹ năng khi ra trường đáp ứng, nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, đưa Bắc Ninh thành tỉnh công nghiệp giàu mạnh. |
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội