HỌC THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ
Sau hơn 26 năm dạy đại học ở Mỹ và trao đổi với nhiều giáo sư, chúng tôi có chung một nhận định rằng sinh viên Việt nam thông minh, cần cù nhưng lại rất nhút nhát và sợ tranh luận. Điều này làm giới hạn rất nhiều cơ hội của sinh viên. Vì vậy, các bạn sinh viên cần thay đổi cách học.
Sau một thời gian quan sát thấy sinh viên của mình thường học khá thụ động. Nhìn chung, Các bạn đến lớp nghe thầy cô giảng và ghi chép bài; về nhà đọc sách, học bài, làm bài tập, rồi lo ôn thi. Qui trình này rất thụ động. Vậy làm thế nào thay đổi cách học đó để trở nên tích cực hơn?
Trong ngôn ngữ tiếng Việt có từ HỌC – HỎI. Muốn học thì phải hỏi. Khi vào lớp học, thầy cô đưa ra vấn đề ABCD, thì bạn có thể nêu lên hàng ngàn câu hỏi. Trong tương lai, trả lời câu hỏi là nhiệm vụ của robot. Nhiệm vụ của con người là đặt vấn đề. Như vậy, chúng ta phải học cách đặt vấn đề, đặt câu hỏi. Tại sao phải có A rồi mới tới B, rồi tới C, rồi cuối cùng tới D? Nếu như không có A thì liệu có B, C và D hay hay không? Hoặc tại sao B phải đi trước C? Nếu C đi trước B thì D có hay không? Hoặc là không có B không có C thì có D không? Có cả ngàn câu hỏi mà bạn có thể đặt ra để hiểu được kiến thức theo quy trình ABCD. Khi nào bạn bắt bí được thầy cô của mình thì lúc đó khả năng hỏi của bạn tốt hơn nhiều.
Cũng trong ngôn ngữ của mình, chúng ta thường nói học đi đôi với hành, HỌC - HÀNH. Điều đó có nghĩa là không chỉ tập trung vào lý thuyết, mà cần phải đi đôi việc ứng dụng lý thuyết đó vào thực tế như thế nào. Khi bạn học một kiến thức nào đó, cần cố gắng tìm hiểu thêm về sự ứng dụng của kiến thức đó. Trong thời gian học đại học, sinh viên nên tìm cách để thực tập, thực hành, nhằm ứng dụng kiến thức mình học được vào thực tiễn.
Hai vấn đề này quan trọng với sinh viên Việt nam, đó là học cần phải hỏi và học cần phải hành. Ngày nào bạn bắt bí được thầy cô, ngày đó, bạn giỏi hơn trong cách đặt vấn đề. Đây là kỹ năng rất quan trọng trong tương lai của bạn. Khi bạn học một lý thuyết nào đó, nên đặt vấn đề để suy nghĩ rằng lý thuyết này ứng dụng ở đâu và ứng dụng như thế nào? ứng dụng ra sao và kết quả của lý thuyết này khi ứng dụng có bị giới hạn gì hay không? Nên cố gắng tìm cơ hội thực hành, thực tập để sau này khi ra trường, bạn có kinh nghiệp trong việc áp dụng kiến thức, lý thuyết đã được học trong trường.
Nguyễn Thị Lệ
(Phỏng theo giáo sư Trương Nguyện Thành)
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội