Nhằm mục đích nâng cao kiến thức, bản lĩnh và ý thức chính trị cho đội ngũ cán bộ Đảng viên trong chi bộ về các địa danh, di tích lịch sử cách mạng, tìm hiểu các giá trị lịch sử.
Được sự nhất trí của Đảng bộ nhà trường Chi bộ đã tổ chức cho 100 % đảng viên trong chi bộ đi tham quan học tập vào Chủ nhật ngày 26/02/2017 tại khu di tích K9.
Khu Di tích K9 và những sự kiện lịch sử
Nơi đây, từ năm 1957, Bác đã chọn để xây dựng căn cứ của Trung ương. Từ năm 1960 - 1969, Người cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng trong giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người đã tiếp những người bạn, người đồng chí từ Trung Quốc và Liên Xô đến thăm Việt Nam.
Sau khi Người qua đời, nơi đây được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn làm nơi chủ yếu để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt (1969-1975).
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cũng là thời điểm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị được khánh thành. Ngày 18/7/1975, đón Bác về yên nghỉ trong ngôi nhà vĩnh hằng của Người tại Ba Đình lịch sử. Khu Di tích K9 trở thành Khu căn cứ dự phòng và là nơi đón tiếp các đoàn đại biểu trong nước đến tham quan, giáo dục truyền thống.
Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ năm 1938 - 1942), nơi đây là đồn điền Satupô do một Kỹ sư canh nông người Pháp cai quản để trồng thông và khai thác quặng. Ngày nay, khu vực này còn giữ được nhiều đồi thông có độ tuổi gần 100 năm, xen kẽ với những cây gỗ cao, tán rộng như: Long não, Sau sau, Trám… tạo thành những vạt rừng rậm rạp.
K9 là căn cứ của Trung ương.
Những năm 1946 - 1954 nơi đây là khu căn cứ kháng chiến “Ba Vì” của tỉnh Sơn Tây (cũ). Cuối năm 1956, đầu năm 1957, Ty Công an Sơn Tây được Tỉnh uỷ Sơn Tây giao nhiệm vụ giúp Trung ương tìm chọn một địa điểm có rừng, có núi, gần sông, tiện đường giao thông để làm khu căn cứ. Địa danh Đá Chông đã hội tụ đủ các yếu tố đó nên được Tỉnh uỷ Sơn Tây lựa chọn để báo cáo với Trung ương, với Bác Hồ.
Tháng 5 năm 1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật "Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị", Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương.
Sáng ngày 23 tháng 2 năm 1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông và quyết định chọn nơi đây để xây dựng làm căn cứ của Trung ương. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Ủy viên Trung ương Đảng và một số đồng chí của Chủ tịch phủ và lãnh đạo tỉnh Sơn Tây.
Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn trong khu vực Đá Chông.
Bước sang năm 1959, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được lệnh tiếp tục lên xây dựng Khu căn cứ của Trung ương (Công trường 5, ký hiệu KV), bộ đội Công binh xây dựng một hệ thống công sự kiên cố. Công trình được chuẩn bị từ tháng 6 năm 1959, đến tháng 9 năm 1959 tiến hành khởi công xây dựng. Theo gợi ý của Bác, khu căn cứ của Trung ương chia làm 3 khu vực: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí Trung ương nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.
Quá trình thi công, Bác Hồ đã lên thăm và kiểm tra nhiều lần:
- Ngày 20 tháng 6 năm 1959, nhân dịp đi thăm và nói chuyện với hơn 2000 đồng bào huyện Quốc Oai đang làm việc trên công trường đê Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Bác Hồ đã lên xem xét tình hình thi công, xây dựng Công trường 5.
- Sáng ngày 28 tháng 01 năm 1960 (tức ngày mồng Một Tết năm Canh Tý), Bác Hồ lên Đá Chông thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và công nhân trên Công trường. Biết một số anh em công nhân là người miền Nam rất nhớ nhà, Bác căn dặn: Các cô, các chú nhớ miền Nam thì phải làm việc bằng hai để góp phần xây dựng miền Bắc tiến lên CNXH, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
- Ngày 15 tháng 3 năm 1960 ngôi nhà 2 tầng hoàn thành, Bác Hồ đã đi bằng máy bay trực thăng lên dự buổi khánh thành.
Sau khi xây dựng xong, toàn bộ khu vực được giao cho Văn phòng Chủ tịch phủ quản lý và lực lượng bảo vệ là cán bộ, chiến sĩ Đoàn Tân Trào (Công an nhân dân vũ trang). Công trường 5 được đổi tên là K9.
- Đầu tháng 3 năm 1961, Bác Hồ cùng đồng chí Hà Vỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam lên thăm Đá Chông, chuẩn bị đón đoàn đại biểu phụ nữ Trung Quốc sang thăm và dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ III.
- Ngày 13 tháng 3 năm 1961, Bác Hồ đón tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu, Phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai dẫn đầu và đồng chí Hà Vỹ. Tại đây, bà Đặng Dĩnh Siêu đã trồng 2 cây ngọc lan, 1 cây quýt và chụp ảnh lưu niệm. Buổi trưa hôm đó, Bác Hồ mời đoàn dùng cơm và nghỉ tại phòng khách ngôi nhà 2 tầng.
- Ngày 24 tháng 01 năm 1962 Bác Hồ cùng Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô, do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu đi bằng máy bay trực thăng lên thăm khu vực Đá Chông. Bác và Anh hùng G.M Ti-tốp trồng 2 cây vàng anh. Buổi trưa, Bác Hồ mời Đoàn dùng cơm và nghỉ tại nhà khách ở Đá Chông.
Sự kiện Bác Hồ tiếp hai vị khách quốc tế tại K9 có ý nghĩa rất lớn, đây là một cử chỉ rất thân tình của Bác đối với nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc anh em. Hiện nay 2 cây vàng anh do Bác và Anh hùng G.M Ti-tốp trồng vẫn bốn mùa xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí thuỷ chung của nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.
- Ngày 19 tháng 5 năm 1963, Bác Hồ lên Đá Chông làm việc và nghỉ. Anh em trong tổ bảo vệ và phục vụ tại đây chuẩn bị chúc mừng lần thứ 73, Ngày sinh của Bác thì sáng sớm đã thấy Bác xuống thăm nơi ở của anh em. Trong khi Bác đang nghỉ tại ngôi nhà 2 tầng, các đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ lên thăm. Bác cùng đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Văn Đồng ăn cơm trưa, trao đổi công việc.
- Ngày 20 tháng 9 năm 1964, Bác Hồ lên Đá Chông. Cùng đi có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị. Tại ngôi nhà 2 tầng, Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị trao đổi về tình hình quốc tế và trong nước từ sau “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” ngày 5 tháng 8 năm 1964; bàn luận và quyết định một số vấn đề về công tác phòng không nhân dân.
Trong những lần lên làm việc tại Đá Chông, Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã đi thăm một số nơi trong khu vực: Bác đã tới xóm Đồi thăm gia đình cụ Cẩm; đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Văn Đồng đến thăm xóm Sung và thăm xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ; Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm xóm Đồi, xã Thuần Mỹ.
Một số hình ảnh đoàn tham quan
Trước nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước khi khu nhà làm việc của Trung Ương
Rất nhiều Đoàn tham quan từ các cháu thiếu niên và các tổ chức
Đoàn chụp bức ảnh lưu niệm khi kết thúc chuyến tham quan học tập.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội