Các nhà khoa học Việt Nam vừa chế tạo thành công thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm mức độ bức xạ môi trường.
Nhờ thiết bị này, những diễn biến bất thường về bức xạ sẽ được nhanh chóng phát hiện và truyền ngay về trung tâm điều hành để kịp thời ứng phó sự cố bức xạ.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm gia tốc và điện tử, Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân (Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam) vừa nghiên cứu và chế tạo thành công loại thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm mức độ bức xạ môi trường, đạt hiệu quả cao mà giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Từng bước làm chủ công nghệ cảnh báo bức xạ
“Thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm bức xạ hoạt động như một trạm quan trắc cảnh báo bức xạ nhưng có độ nhạy cao bằng việc sử dụng detector nhấp nháy và có khả năng truyền tải thông tin một cách nhanh chóng về trung tâm quản lý, điều hành”. Th.S Trần Ngọc Toàn, thành viên nhóm nghiên cứu nói.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu thiết bị điện tử cho
thiết bị quan trắc và ảnh báo sớm bức xạ (Minh Cường)
Theo các nhà khoa học, thời gian qua một số cơ sở hạt nhân trong nước đã đạt được một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị như hệ phân tích, hệ điều khiển ứng dụng trong công nghiệp, y tế, địa chất, môi trường, đo liều và cảnh báo phóng xạ nhưng thực tế còn rất hạn chế về số lượng và chất lượng như độ nhạy, độ ổn định chưa cao, kết cấu cơ khí chưa gọn, kiểu dáng chưa đẹp. Phần lớn thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài với giá thành khá cao, dễ bị hỏng do điều kiện thời tiết nóng ẩm. Tuy nhiên, mỗi lần hỏng phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, việc bảo hành sửa chữa vì thế rất mất thời gian và tốn kém.
Trước tình hình trên, các nhà khoa học thuộc Trung tâm máy gia tốc và điện tử, Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị quan trắc cảnh báo sớm bức xạ.
So với các thiết bị đo liều và cảnh báo trước đây do các cơ sở trong nước chế tạo, thiết bị này có nhiều ưu điểm nổi trội như độ nhậy cao với dải liều hoạt động được mở rộng nhờ sử dụng nhiều đầu dò khác nhau cho mỗi vùng liều. Kết quả theo dõi được lưu trữ trong RAM của thiết bị. Thiết bị còn có chức năng nhận diện được một số đồng vị đơn giản và ghép mạng internet. Việc ghép mạng của thiết bị có thể tạo thành mạng lưới quan trắc cảnh báo trong một khu vực rộng lớn (trong một quốc gia).
TS. Đặng Quang Thiệu, giám đốc Trung tâm gia tốc và điện tử, chủ nhiệm đề tài, cho biết thành công này mở ra khả năng làm chủ công nghệ, giải quyết vấn đề nội địa hóa thiết bị quan trắc, cảnh báo phóng xạ, thuận lợi cho công tác quản lý, sử dụng, bảo dưỡng và bảo trì thiết bị.
Sơ đồ lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc, cảnh báo sớm bức xạ tại
một nhà máy điện hạt nhân (Ảnh TT máy gia tốc và điện tử)
Hiệu quả nhưng có thể thương mại hóa?
Thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm bức xạ được dùng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước có lò phản ứng hạt nhân. Việt Nam hiện có trên 20 cơ sở y học hạt nhân, hàng trăm cơ sở sử dụng X quang và nhiều cơ sở sử dụng nguồn bức xạ và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân khác. Tất cả những cơ sở bức xạ này đều cần đến máy đo liều và cảnh báo phóng xạ.
Thử nghiệm thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm bức xạ tại Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân cho kết quả khá phù hợp, sai số lớn nhất tại vị trí gần phông môi trường đạt dưới 7%. Chỉ tiêu chất lượng này gần bằng với thiết bị đối chứng cùng loại FUJI có tiếng trên thế giới.
Thiết bị có thể nằm trong mạng lưới quan trắc quốc gia hoặc các trạm cảnh báo an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng, cơ sở xử lý nhiên liệu hạt nhân; đánh giá liều lượng bức xạ trong nhà cũng như ngoài trời hay đặt trên các xe chuyên dụng phục vụ công việc thanh sát ứng cứu sự cố.
Hiệu quả đã có, nhưng theo nhóm nghiên cứu đây là loại thiết bị đặc thù phục vục cho công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân chứ không phải thiết bị điện tử thông thường phục vụ đại trà cho người dân. Vì thế, “Nếu nhà nước không đặt hàng sản xuất thì thiết bị sẽ rất khó để trở thành một sản phẩm thương mại”- TS Thiệu nói.
Theo Đất Việt
Copy right © 2018 Hanoi University of Industry.