Ngày 5/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo - Triển lãm quốc tế về Phát triển Công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017) với chủ đề “Định hình và Phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Tham dự sự kiện có: Ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Trương Minh Tuấn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ KHCN; ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tham dự còn có nhiều đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Thế giới hôm nay đang chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển bùng nổ của các cuộc cách mạng chuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo, đồng thời tạo ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp thông minh, thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và cuộc Cách mạng 4.0 hiện đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trên mọi phương diện. Các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày,.. sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng như robot hóa, tự động hóa và sẽ gây ảnh hưởng đến việc làm của hàng nghìn lao động. Trong khi đó, nhiều cơ chế chính sách hiện hành chưa tác động hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của chuyển đổi thông minh; Trình độ của nền kinh tế với xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn lạc hậu; Doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp thu công nghệ mới, còn bị động trước các xu thế công nghệ mới.
Thủ tướng khẳng định, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thủ tướng chỉ đạo, Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cơ hội thực hiện khát vọng của dân tộc. Chúng ta không thể bỏ lỡ mà cần chủ động nắm bắt, hành động quyết liệt, phát huy mọi lợi thế, tận dụng mọi cơ hội phát triển. Theo đó, cần tập trung đánh giá xem Việt Nam đang ở đâu, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cũng như những lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế số, nhất là về nguồn nhân lực, sự năng động sáng tạo của nền kinh tế tư nhân. Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh. Các đề xuất cần cụ thể về chiến lược, định hướng phát triển trong thời gian tới trong đó doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khai mạc khu Triển lãm.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đại Dương đã có bài tham luận quan trọng với chủ đề “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Đồng thời, đại diện từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam và nước ngoài cũng có những bài tham luận tập trung vào các vấn đề như: “Xu hướng số hoá và chuyển đổi sang nền kinh tế số trên toàn cầu”, “Thúc đẩy phát triển kinh tế với các giải pháp IoT”, “Vai trò của dữ liệu lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” của ABB, VNPT, Dell EMC....
Buổi chiều, ba hội thảo chuyên đề diễn ra song song với các chủ đề: “Đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá: Xu hướng và giải pháp”, “Thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong kỷ nguyên số” và “Chiến lược xây dựng đô thị thông minh”.
Song song với Hội thảo, Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh bao gồm 2 khu vực: Khu vực 1 giới thiệu các giải pháp công nghệ thông minh trong lĩnh vực Viễn thông, Năng lượng, Tự động hoá, Nhà thông minh, In ấn 3D với các giải pháp công nghệ robot - tự động hoá từ ABB, Siemens, công nghệ năng lượng mới từ Schneider Electrics; ứng dụng in 3D trong sản xuất với AIE; mạng và thiết bị di động gắn với cá nhân từ FPT, Huawei, Samsung; Khu vực 2 tập trung các đơn vị IT, Ngân hàng, Y tế, Nông nghiệp, Giao thông, các Hiệp hội và tổ chức giáo dục với các công nghệ robot phẫu thuật và công nghệ y tế; mô hình sản xuất ô tô từ Vinfast; nông nghiệp thông minh từ TH, Hachi; mô hình IoT và hệ sinh thái đô thị thông minh từ VNPT, Mobifone...
Theo www.mic.gov.vn
Copy right © 2018 Hanoi University of Industry.