Tập huấn về sử dụng bộ chỉ số đo lường hiệu quả công việc KPIs, Dự án BUILD-IT
Sáng ngày 08/9, nằm trong khuôn khổ Dự án BUILD-IT mở rộng, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại học Bang Arizona (ASU) tổ chức tập huấn về sử dụng bộ chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPIs).
Tại buổi tập huấn, ông Trần Văn Thái - Quản lý chương trình kiểm định và đảm bảo chất lượng Trường Đại học Bang Arizona (ASU) tại Việt Nam giới thiệu và hướng dẫn về quản lý chiến lược và KPI, xây dựng mô hình hiệu quả, xây dựng, lập bản đồ mục tiêu chiến lược và lựa chọn chỉ số hiệu suất.
Toàn cảnh buổi tập huấn
KPI (Key Performance Indicators) là chỉ số đo lường hiệu suất trọng yếu, được coi là một “công cụ” mà rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới, cũng như tại Việt Nam áp dụng để đo lường hiệu quả làm việc của các bộ phận chức năng và các cá nhân trong tổ chức. Các cơ sở giáo dục đại học với mục tiêu trở thành một địa chỉ được xã hội tín nhiệm cao về chất lượng đào tạo cần xây dựng và áp dụng bộ chỉ số KPI trong giao việc và đánh giá hiệu quả công việc của giảng viên, chuyên viên, từ đó thúc đẩy động lực làm việc và tự điều chỉnh để hướng tới các mục tiêu và chiến lược chung.
Các thành viên tham gia (gồm lãnh đạo nhà trường, đại diện một số phòng, khoa, trung tâm) được chia làm 4 nhóm tương ứng với 4 mục tiêu SMART sẽ sử dụng mô hình logic và mô hình ma trận kết quả để xác định chỉ số đánh giá KPI tiềm năng cho mỗi mục tiêu chiến lược. Sơ đồ ma trận kết quả phản ánh mục tiêu/tầm nhìn chiến lược, tới Mục tiêu SMART, tác động/thay đổi và can thiệp/hành động.
Ông Trần Văn Thái - Chuyên gia từ ASU hướng dẫn tại buổi tập huấn
Đến nay, 04 nhóm tham gia đã xác định được 09 tác động/thay đổi trong sơ đồ ma trận kết quả gồm: Mô hình đại học được thiết lập và vận hành; Chuyển đổi số được triển khai ở tất cả các đơn vị quản lý; Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá SV đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Các nguồn lực phục vụ hoạt động đào tạo đáp ứng yêu cầu kiểm định quốc tế; Cơ chế tài chính/ngân sách cho đề tài NCUD & CGCN được thiết lập và thực hiện; Các nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành; Sản phẩm CGKH được doanh nghiệp lựa chọn đưa vào ứng dụng; Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế được đẩy mạnh; Hoạt động phục vụ cộng đồng được đa dạng hóa. Từ 09 tác động/thay đổi trên, mỗi nhóm thiết lập các hành động tương ứng và xây dựng các KPI phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển nhà trường và ứng dụng thực tiễn trong thời gian tới.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội