Ngành công nghệ vẫn có sức hút giữa 'bão' sa thải
Cơ hội việc làm, mức lương hấp dẫn với sinh viên mới ra trường là những lý do khiến ngành công nghệ vẫn có sức hút dù các hãng công nghệ đang ồ ạt sa thải.
Cùng bố tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp 2023, Thái Hoàng còn nhiều băn khoăn trước dự định đăng ký xét tuyển ngành công nghệ. Ảnh: Ngọc Bích.
Thái Hoàng (học sinh lớp 12, Gia Lâm, Hà Nội) đang có dự định đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ Thông tin của các trường đại học như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Tuy nhiên, trước thông tin về làn sóng sa thải nhân sự ngành công nghệ, Hoàng khá băn khoăn, lo lắng về cơ hội nghề nghiệp của ngành này tại Việt Nam.
"Hiện tại, Việt Nam có thể chưa bị ảnh hưởng nhưng em sợ 4-5 năm nữa, khi em ra trường, liệu ngành này có còn hot hay dễ bị đào thải như các nước phát triển hiện nay", Hoàng chia sẻ.
Thí sinh băn khoăn
Theo Layoffs.fyi, trang web theo dõi tình trạng sa thải trong ngành công nghệ, chỉ trong năm 2022, hơn 1.000 công ty đã sa thải ít nhất 160.000 nhân viên.
Bão sa thải cũng lan sang năm 2023. 502 công ty đã cắt giảm gần 140.000 việc làm kể từ đầu năm nay. Trong tháng 1, mỗi ngày, trung bình hơn 3.400 nhân viên trong ngành công nghệ bị sa thải trên toàn cầu.
Các công ty công nghệ lớn từ Amazon, Salesforce, Spotify đến Meta đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên trong những tuần qua. Google đã cắt giảm 12.000 việc làm, tương đương 6% lực lượng lao động, còn Microsoft sa thải 10.000 nhân viên, tương đương 5% nhân sự. Việc cắt giảm dự kiến còn tiếp tục kéo dài, với hơn 100.000 người mất việc làm.
Trước những thông tin như vậy, không chỉ Hoàng, nhiều thí sinh khác cũng có lo ngại tương tự.
Nguyễn Anh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cũng dự định đăng ký ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin của Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh lo ngại cơ hội việc làm trong 4-5 năm tới, em cũng thắc mắc sinh viên học ngành này cần chuẩn bị những gì để nắm bắt cơ hội khi ra trường, liệu ngành học này có khó như lời đồn.
Ngoài ra, với tính cách hướng nội, Nguyễn Anh phân vân liệu học các ngành công nghệ, em có ít giao tiếp, ngày càng trầm tính hơn không.
"Em nghe nói sinh viên ngành công nghệ thường ít nói, khả năng giao tiếp kém. Không biết nếu theo học, em có như vậy không", Nguyễn Anh cho biết.
Nhiều chuyên gia đánh giá thời gian tới, ngành công nghệ vẫn có sức hút bởi nhu cầu nhân lực nước vẫn rất lớn. Ảnh: Sixth Tone.
Ngành công nghệ vẫn chưa "nguội" ở Việt Nam
TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết các ngành khối công nghệ - kỹ thuật của trường vẫn luôn có sức hút lớn với thí sinh.
Theo ông Sơn, lý do nhóm ngành này luôn nhận được sự quan tâm của thí sinh bởi nhu cầu xã hội lớn, đào tạo theo vị trí việc làm, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 6-12 tháng thường rất cao, đạt trên 95%. Ngoài ra, thu nhập trong ngành cũng là yếu tố thu hút thí sinh khi mức lương tăng theo thời gian.
Ông Sơn đánh giá thời gian tới, ngành công nghệ vẫn có sức hút bởi nhu cầu nhân lực trong nước vẫn rất lớn. Đây cũng là điểm đến của các hãng công nghệ trên thế giới bởi các quốc gia phát triển thường có chi phí lao động cao. Để giảm chi phí này, các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến các khu vực có chi phí nhân công thấp hơn như Việt Nam.
Trong khi đó, bà Đỗ Hải Yến, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Bưu chính Viễn thông, đánh giá chính con người làm thay đổi công nghệ. Trước làn sóng sa thải nhân sự ngành công nghệ, Việt Nam vẫn có ảnh hưởng, nhưng không nhiều.
Chính vì vậy, thí sinh không nên quá lo ngại làn sóng sa thải sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngành này ở Việt Nam khi nhu cầu ở nước đang phát triển vẫn rất lớn. Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, tỷ lệ sinh viên ngành công nghệ có việc làm sau khi ra trường khá cao (trên 90%), thậm chí nhiều sinh viên năm 3 đã có việc làm.
Không chỉ riêng các công ty công nghệ, ngành này cũng đang mở rộng ở nhiều vị trí khác trong doanh nghiệp.
"Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có định hướng đào tạo liên ngành, ứng dụng công nghệ vào các ngành nhằm tăng cơ hội việc làm cho sinh viên, ví dụ ngành Công nghệ Đa phương tiện, Công nghệ Tài chính, Báo chí số...", bà Yến nói.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Dịch vụ kỹ thuật khách hàng, Công ty Optimizely Việt Nam, đánh giá công nghệ thông tin đang là ngành nghề nhiều tiềm năng tại Việt Nam, thị trường tăng trưởng nóng qua từng năm (trên 25%).
Tuy nhiên, hiện tại, nhu cầu nhân sự công nghệ thông tin lại đang thiếu hụt. Dự báo từ năm 2022-2024, Việt Nam vẫn thiếu 150.000-195.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm. Khoảng cách này dự kiến còn cao cho đến năm 2024 khi nhu cầu lên tới 800.000 lập trình viên, theo Vietnam Report.
Chú trọng đào tạo kỹ năng mềm
Ông Hoàng Anh Tuấn lưu ý các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin coi trọng kỹ năng mềm không kém năng lực kỹ thuật. Đây được đánh giá là yếu tố quyết định mức độ phù hợp của ứng viên với công việc, vị trí tuyển.
Đa số nhà tuyển dụng cho rằng kỹ năng giao tiếp là quan trọng nhất (63,5%), tiếp đến là kỹ năng làm việc nhóm (59,2%), tư duy phát triển (52,3%), giải quyết vấn đề (52,1%)...
36% nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên công nghệ thông tin có ngoại ngữ. Trong đó, 58,4% nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên biết tiếng Anh cơ bản, ngoài ra còn có các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn.
Chính vì vậy, ngay từ khi còn trên giảng đường, sinh viên cần tích lũy thêm kỹ năng mềm nói trên.
Bà Yến cũng nhận định nhiều sinh viên ngành công nghệ có xu hướng trầm tính, ít giao tiếp, thiếu kỹ năng mềm.
Nhằm giúp sinh viên phát triển toàn diện, các trường đại học đều xây dựng thêm các chương trình, khóa học ngắn hạn về kỹ năng mềm, tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu để sinh viên tham gia. Bên cạnh đó, trường cũng có nhiều câu lạc bộ để thúc đẩy sinh viên cởi mở hơn.
"Đó là cách nhà trường hỗ trợ sinh viên, tuy nhiên, vẫn phải phụ thuộc vào sự chủ động của các bạn", bà Yến nhận định.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội