Hội thảo Đại học định hướng đổi mới sáng tạo - Mô hình và tiêu chí đối sánh
Ngày 02/06, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức hội thảo với chuyên đề "Đại học định hướng đổi mới sáng tạo - Mô hình và tiêu chí đối sánh" thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, giảng viên Nhà trường.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo, có: PGS.TS.Lê Hồng Quân, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; TS.Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS.Phạm Văn Đông, Phó Hiệu trưởng; trưởng/phócác đơn vị, cán bộ, giảng viên trong nhà trường.
Đại biểu tham dự hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS.Phạm Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế của đất nước phụ thuộc lớn vào chỉ số đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những chỉ số quyết định sự thành công, phát triển của xã hội và đất nước. Trong đó, đổi mới sáng tạo trong khoa học học công nghệ, các hoạt động đào tạo đặc biệt là hướng đến đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa của mỗi cơ sở giáo dục đại học đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và GDP Việt Nam.
PGS.TS.Phạm Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp phát biểu khai mạc hội thảo
PGS.TS.Phạm Văn Đông hy vọng, hội thảo sẽ là cơ hội để đội ngũ cán bộ, giảng viên trao đổi tri thức, kinh nghiệm về xu thế phát triển và quản trị đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo, từ đó có thêm cơ sở để định vị Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trên bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, phát huy điểm mạnh, khắc phục tồn tại, xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn để phát triển, thích ứng với bối cảnh hội nhập giáo dục đại học thế giới trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Diễn giả báo cáo tại Hội thảo, GS.TS.Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), một trong những chuyên gia hàng đầu, tiên phong và thúc đẩy văn hóa nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp và xếp hạng đại học ở Việt Nam.
GS.TS.Nguyễn Hữu Đức trình bày chuyên đề “Đại học định hướng đổi mới sáng tạo – Mô hình và tiêu chí đối sánh”
Báo cáo tại Hội thảo, GS.TS.Nguyễn Hữu Đức đã giới thiệu, phân tích những vấn đề tổng quan về thách thức của giáo dục đại học Việt Nam và xu thế phát triển của một số đại học tiên tiến trên thế giới. Diễn giả cho rằng: các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam cần đổi mới sáng tạo, đối với văn hoá làm việc, đẩy mạnh tri thức khai phóng, ứng dụng vào thực tiễn,… từ đó, nền kinh tế và GDP Việt Nam mới có thể tăng thứ hạng trong khu vực và thế giới.
Diễn giả cũng dành thời gian chia sẻ về xu thế phát triển đại học trên thế giới với mô hình Đại học đổi mới sáng tạo. Trong đó, các trường đại học được chia làm 3 mô hình: đại học định hướng ứng dụng, đại học định hướng nghiên cứu và đại học định hướng đổi mới sáng tạo. Ở mô hìnhthứ 3, các trường đại học ra đời với sứ mệnh mới về đổi mới sáng tạo, tập trung cả sáng tạo tri thức và khai phá tri thức, đóng góp tích cực vào việc tạo ra giá trị cho xã hội thông qua hỗ trợ các nhà khởi nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Nguồn nhân lực tri thức của các trường đại học đào tạo không chỉ có nhà khoa học và nhà công nghệ, mà còn cả nhà khởi nghiệp, làm chủ tri thức, biết cách ứng dụng, khởi nghiệp từ tri thức, từ đó tạo ra được nhiều vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều này có nghĩa là các trường đại học không chỉ quan tâm bao nhiêu % sinh viên tốt nghiệp mà là bao nhiêu % khởi nghiệp, từ đó giảm áp lực thất nghiệp lên nền kinh tế.
GS.TS.Nguyễn Hữu Đức đã đưa ra mô hình đổi mới sáng tạo 03 yêu cầu và 05 tiếp cận. Đối với yêu cầu thích ứng, thầy cho rằng các trường đại học cần đổi mới căn bản tư duy, đổi mới sáng tạo toàn diện và phát triển bền vững hệ sinh thái. Cụ thể: tập thể cán bộ, giảng viên, người học cần đồng bộ, đổi mới căn bản tư duy. Trong chương trình đạo tạo cần đổi từ kiến thức đến kĩ năng, thúc đẩy tư duy khởi nghiệp sáng tạo, tư duy và kỹ năng số. Đổi mới sáng tạo phải được thực hiện một cách toàn diện phải bao gồm cả về lãnh đạo và quản trị; hệ sinh thái; con người và động lực; hoạt động dạy và học; nghiên cứu khoa học, khai phá tri thức… Ngoài ra, cần phải quan tâm đến hệ sinh thái và các chuẩn mực xã hội. Trường đại học phải có vai trò áp dụng triết lý và các chuẩn mực của hệ sinh thái để dẫn dắt, củng cố và nâng cao các mối quan hệ trong xã hội. Đối với tiếp cận hành động, các trường đại học cần nâng cao tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo cá thể hoá, giá trị hệ sinh thái và đạo đức.
Diễn giả đã giới thiệu về hệ thống đối sánh UPM (University Performance Metrics)
Ngoài ra, GS.TS.Nguyễn Hữu Đức đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm xếp hạng (Ranking) và xếp hạng đối sánh (Rating), theo đó hệ thống UPM (University Performance Metrics) tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao, theo đó, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1 - 5 sao. Trên cơ sở lõi xếp hạng truyền thống, UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0.
Theo hệ thống này, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được đánh giá dựa trên 08 nhóm tiêu chuẩn, 52 tiêu chí (định hướng chiến lược, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái đại học, chuyển đổi số, quốc tế hóa và phục vụ cộng đồng); các chương trình đào tạo đánh giá dựa trên 07 nhóm tiêu chuẩn, 44 tiêu chí (tương thích chiến lược, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, sự nổi trội của chương trình đào tạo).
Mục tiêu của UPM hướng đến khuyến khích các trường đại học nêu cao tinh thần khởi nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số; đào tạo cá thể hoá và bảo vệ các giá trị đạo đức trong giai đoạn cách mạng 4.0.
Cán bộ, giảng viên trao đổi tại hội thảo
Tại hội thảo, các cán bộ, giảng viên nhà trường đã tích cực trao đổi về chương trình đào tạo, chuẩn đẩu ra, nghiên cứu khoa học,….tiến tới kế hoạch đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong thời gian tới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội