Cảnh báo các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao
Trước tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao có nhiều diễn biến phức tạp, Công an quận Bắc Từ Liêm gửi thông tin cảnh báo giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên các cơ sở giáo dục nắm bắt được những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay và nâng cao cảnh giác, xây dựng phòng tuyến bảo mật trước các chiêu trò tinh vi.
1. Giả danh cơ quan nhà nước: Các đối tượng tự xưng, giả mạo là cán đến các vụ bộ các cơ quan tố tụng (Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án...), lúc này các đối tượng tiếp tục thông báo cho người bị hại rằng họ đang liên quan án của Công an đang điều tra như: buôn bán ma tuý, rửa tiền xuyên quốc gia,...và đã có Lệnh bắt của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại liên tục và đe doạ sẽ bắt tạm giam, yêu cầu bị hại phải chuyển tiền vào 01 tài khoản do chúng chỉ định để xác minh, kiểm tra rồi chiếm đoạt luôn số tiền đó.
2. Tặng quà trên mạng xã hội: Giả làm quân nhân, doanh nhân,...gửi quà từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó giả làm Hải quan yêu cầu đóng phí nhận hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
3.Giả làm nhân viên ngân hàng: Chủ động gọi điện cho nạn nhân, tự xưng là nhân viên ngân hàng hướng dẫn nâng cấp phần mềm để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
4. Vay tiền qua online và Apps: Các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn cho tiền lãi suất thấp qua app vay tiền online: Sau khi tiếp cận được người bị vay hại, các đối tượng sẽ gửi đường link tải app vay tiền về điện thoại để người bị hại cài đặt. Khi người bị hại đăng nhập vào app để nhập thông tin thì app sẽ báo lỗi các đối tượng tư vấn sẽ yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản chỉ định chứng thực, đóng phí giải ngân, người bị hại sẽ chuyển tiền nhiều lần để được vay cho đến khi không còn tiền nữa thì các đối tượng lừa đảo thông báo sẽ không được giải ngân và chiếm đoạt số tiền bị hại đã chuyển.
5. Tìm người làm việc tại nhà: Tuyên người làm các công việc tại nhà như lắp bút bixâu vòng,... muốn nhận việc phải đóng tiền cọc hoặc làm nhiệm vu. Sau khi đối tượng nhận tiền sẽ biến mất.
6. Mua hàng online: Muốn mua hàng trong nước hoặc nước ngoài phải chuyển tiền đặt cọc trước cho đối tượng, sau đó bị chiếm đoạt tiền cọc và không nhận được hàng.
7. Giả làm giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế: Thông báo con của bạn đang nhập viện cần chi phí phẫu thuật để bạn chuyển tiền rồi chiếm đoạt.
8. Đầu tư online: Quảng cáo hấp dẫn về lợi nhuận, thu hút người đầu tư, ban đầu nhận lãi sau khi nhận tiền với số lượng lớn thì sàn sập, người đầu tư không rút được tiền.
9. Lừa đảo cho số lô, số đề: Để nhận được số, người chơi phải đóng phí nếu không trúng thì mất phí, nếu trúng phải chia hoa hồng cho các đối tượng
10. Lừa nâng cấp sim 4G, giả làm nhân viên nhà mạng: Các đối tượng giả danh nhân viên của các nhà mạng viễn thông di động (Viettel, Vinaphone, Mobifone...) gọi điện thông báo số thuê bao của người bị hại đã trúng thưởng tài sản giá trị lớn, để nhận tài sản đó bị hại phải đóng tiền phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào điện thoại nạp vào các số tài khoản mà các đối tượng cung cấp, khi người bị hại nạp tiền xong chúng sẽ chặn liên hệ và chiếm đoạt số tiền.
11. Lừa đảo chuyển tiền từ thiện: Giả làm người nước ngoài, Việt kiều...muốn chuyển tiền hoặc tài sản về Việt Nam làm từ thiện, bạn được hưởng 30%-40%. sau đó giả làm hải quan bắt đóng phí.
13. Hack tài khoản mạng xã hội: Các đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo,...) của người dùng rồi nhắn tin cho người quen của chủ tài khoản mạng xã hội để hỏi vay tiền, sau đó chiếm đoạt luôn số tiền.
14. Giả chuyển khoản nhầm: Giả chuyển khoản nhầm rồi yêu cầu bạn trả lại vào tài khoản khác. Sau một thời gian bạn được thông báo đóng lãi vì đã vay tiền, nếu không sẽ bị kiện ra toà hoặc bị quấy rối.
15. Tuyển người mẫu nhí: Mạo danh các tổ chức tuyển người mẫu nhí. Bạn đăng ký và phải đóng phí làm hồ sơ. Các đối tượng chiếm đoạt số tiền trên.
Theo Công an quận Bắc Từ Liêm, biện pháp phòng tránh tốt nhất để không mắc bẫy của bọn lừa đảo là cần hết sức cảnh giác, nhất là trước những chiêu trò mời gọi hấp dẫn kiểu như “việc nhẹ, lương cao” “món hời dễ dàng” hoặc là tình huống nguy cấp của người thân...
Khi đối diện với những tình huống bất ngờ, cần hết sức bình tĩnh, dùng nhiều cách kiểm chứng lại thông tin, và khi có bất cứ một nghi ngờ nhỏ nào thì hãy thông tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn, tuyệt đối không nóng vội thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội