“Cơn khát” nhân lực giúp tuyển sinh ngành Điện tử - Viễn thông được cải thiện
Là 1 trong những ngành có triển vọng lớn trong tương lai, ngành Điện tử - Viễn thông có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển trong thời đại kỹ thuật số.
Ngành có triển vọng trong tương lai, nhu cầu việc làm biến đổi như biểu đồ hình sin
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Kha, Trưởng Khoa Điện tử (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết, ngành Điện tử - Viễn thông là ngành trung gian, đóng vai trò trung tâm của nhiều ngành mũi nhọn như Cơ điện tử, Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính… và được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngành này đang có những thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kỷ nguyên số hiện đại.
Về giá trị thực tiễn ngành này mang lại cho xã hội, thầy Kha nhấn mạnh, ngành Điện tử - Viễn thông bao gồm hai lĩnh vực nền tảng quan trọng: Điện tử - với chức năng thiết kế các mạch điện tử, vi mạch, linh kiện điện tử, phát triển các hệ thống điện tử sử dụng trong mọi mặt của đời sống từ công nghiệp, hàng không, quân sự, y tế đến hệ thống dân dụng và Viễn thông - mang nhiệm vụ phát triển các hệ thống truyền thông để truyền thông tin trong môi trường truyền dẫn khác nhau.
Theo thầy Kha, nhu cầu về trao đổi thông tin trong xã hội tri thức ngày càng quan trọng, nhiều công việc phải giải quyết dựa trên quá trình trao đổi thông tin nhiều chiều, nhiều nguồn, từ hình thức trao đổi bằng giọng nói, đến dữ liệu, hình ảnh…
Chính vì vậy, thầy nhấn mạnh ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông là một trong những ngành rất có triển vọng tại Việt Nam trong tương lai.
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Kha, Trưởng Khoa Điện tử (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội). Ảnh: website trường.
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Kha thông tin thêm, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022, Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới, là nước đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất điện thoại và linh kiện. Bên cạnh đó, theo thông tin từ Bộ Tài chính công bố, lĩnh vực Điện tử thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI (Samsung, LG, Panasonic, Intel…) và chỉ tính riêng năm 2019 doanh thu của lĩnh vực này ước đạt 112 tỷ USD.
Cùng trao đổi với về ngành Điện tử - Viễn thông, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ân, Trưởng Khoa Điện - Điện tử và Công nghệ vật liệu (Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế) chia sẻ thêm: “Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2030, nhu cầu về nhân lực trong ngành công nghiệp cơ điện tử sẽ đạt khoảng 1,2 triệu người. Đây là một nhu cầu nhân lực cực kỳ lớn; vì thế mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp ngành Điện tử - Viễn thông”
Chia sẻ về thị trường viễn thông, Trưởng Khoa Điện tử (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng đã qua giai đoạn phát triển nóng tại Việt Nam về số thuê bao và các dịch vụ viễn thông, do đó nhu cầu về nhân lực có chiều hướng giảm so với trước đây.
Tuy nhiên, thầy Kha đánh giá: “Đây không phải dấu hiệu bão hòa của thị trường viễn thông.
Bởi yêu cầu hiện nay về chất lượng dịch vụ viễn thông đã tăng cao để đáp ứng đa dạng hoạt động đang nở rộ trên nền tảng số. Đặc biệt, các ứng dụng IoT đang được quan tâm và triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như quân sự, y tế, công nghiệp, nông nghiệp… Do vậy, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực viễn thông đang dịch chuyển theo hướng từ nhân lực lao động đơn giản sang nhân lực có trình độ cao về công nghệ kỹ thuật.
Nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông là rất lớn; đặc biệt, hiện nay các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã và đang chuyển dịch đầu tư phát triển vào Việt Nam như Intel, Samsung, Apple, LG,…. và sắp tới là các công ty lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Theo dự báo, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ là một trong những trung tâm chế tạo sản phẩm điện tử lớn trong khối các nước ASEAN; điều này cho thấy Điện tử - Viễn thông ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng và tay nghề cao.
Nói thêm về thị trường viễn thông, theo kinh nghiệm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ân đưa ra nhận định nhu cầu việc làm trong lĩnh vực viễn thông có xu hướng biến đổi theo biểu đồ hình sin.
“Năm 2004, khi các tập đoàn viễn thông lớn ở Việt Nam như Viettel, Vinaphone, Mobifone phát triển rầm rộ, khi đó gần 75% sinh viên ra trường của khoa Điện - Điện tử và Công nghệ vật liệu làm việc cho các tập đoàn viễn thông này.
Tuy nhiên, sau định hình công việc, số lượng kỹ sư có trình độ khá đã không được tuyển dụng, thay vào đó, các công ty này chỉ tuyển dụng những kỹ sư viễn thông có chuyên môn xuất sắc và giỏi.
Hiện nay, có khoảng 20% sinh viên tốt nghiệp ngành Điện tử - Viễn thông của khoa hàng năm được tuyển dụng vào làm trong các tập đoàn viễn thông trong nước và xuất khẩu sang các nước khác”, thầy Ân chia sẻ.
Thầy Ân thông tin, nhận thấy xu hướng thay đổi, khoa cũng đã có sự đổi mới gần như toàn bộ nội dung chương trình dạy học theo hướng tiếp cận với doanh nghiệp với mục tiêu sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tiếp cận ngay vào công việc của các công ty.
Khó khăn trong tuyển sinh và xu hướng và tiềm năng phát triển
Mặc dù ngành Điện tử - Viễn thông được cho là một ngành học hot, tuy nhiên thầy Kha cho biết Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vẫn gặp phải khó khăn trong công tác tuyển sinh do truyền thông còn chưa mạnh mẽ.
“Hiện tại, công tác truyền thông chưa đồng bộ và hiệu quả từ các cấp để cộng đồng hiểu rõ hơn về vai trò, tiềm năng, nội hàm của ngành Điện tử - Viễn thông. Do đó, nhiều người còn chưa hiểu đúng và đầy đủ về ngành này.
Ví dụ, nhiều người thường có ấn tượng rằng ngành Điện tử - Viễn thông sẽ chỉ gắn liền với các công việc chân tay thông qua các trải nghiệm hoặc thông tin họ quan sát được (công nhân làm việc trong các nhà máy lắp ráp, kỹ thuật viên lắp đặt hệ thống mạng internet…)”, Tiến sĩ Kha thông tin.
Trao đổi thêm về công tác tuyển sinh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ân cho hay, cách đây khoảng 3 năm, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ba nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là: Cách tiếp cận tuyển sinh chưa đổi mới phù hợp; Hướng nghiệp cho người học chưa được chú trọng và xu hướng chuyển dịch ngành học sang công nghệ thông tin tăng lên đột biến.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. Ảnh: website trường. |
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, công tác tuyển sinh được cải tiến nhờ sự đổi mới tiếp cận quảng bá tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh cấp trung học phổ thông được tốt hơn. Ngoài ra, nhu cầu giữa “cơn khát” nhân lực trong lĩnh vực điện tử đến từ thị trường lao động nên công tác tuyển sinh được cải thiện đáng kể.
Đánh giá về lợi thế và tiềm năng phát triển ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ân chia sẻ:
Thứ nhất, nhu cầu việc làm ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông ngày càng lớn: các thiết bị điện tử và hệ thống truyền thông ngày càng phổ biến và đa dạng trong cuộc sống và công việc. Do đó, các doanh nghiệp luôn cần đến những người có khả năng thiết kế, sản xuất, vận hành và bảo trì.
Thứ hai, thu nhập của kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông hấp dẫn. Theo khảo sát của VietnamWorks, mức lương trung bình của người làm việc trong ngành Điện tử - Viễn thông dao động từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác cùng trình độ.
Thứ ba, cơ hội phát triển bản thân trong công việc: Người học ngành Điện tử - Viễn thông sẽ được rèn luyện các kỹ năng quan trọng phục vụ cuộc sống và công việc, như tư duy logic, khả năng phân tích dữ liệu, giải quyết vấn đề, sáng tạo và cập nhật kiến thức liên tục.
Trưởng Khoa Điện - Điện tử và Công nghệ vật liệu (Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế) cũng nhấn mạnh, định hướng ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông trong thời gian tới sẽ tiếp tục đào tạo ra các kỹ sư gắn liền với doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp phải có kỹ năng và kiến thức tốt đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn. Ngoài ra, ngành này còn tiếp tục cập nhật chương trình đào tạo, bổ sung các nội dung chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch, công nghệ nhúng, công nghệ IoT,… đây là các lĩnh vực đang được quan tâm nhiều trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Để đáp ứng được xu hướng phát triển của ngành Điện tử - Viễn thông, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Kha cũng cho biết thêm, chương trình đào tạo ngành Điện tử - Viễn thông thường xuyên được cập nhật và nâng cấp để người học sau khi tốt nghiệp không chỉ đơn thuần làm các công việc liên quan đến triển khai các dịch vụ viễn thông mà phải có khả năng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Điện tử - Viễn thông là lĩnh vực rất rộng, do đó việc định hình nội dung đào tạo của các chương trình cũng khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu lao động của từng vùng lãnh thổ, từng quốc gia. Theo nhận định của tôi, trong thời gian tới đây, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện tử, viễn thông tại Việt Nam có thể cân nhắc tập trung vào một số nội dung như công nghệ mạng di động thế hệ mới 5G/6G, IoT, công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch”, thầy Kha chia sẻ.
Nguồn: Giáo dục Việt Nam
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội