HaUI ghi dấu ấn thành công với Hội thảo ICRMAT 2024
Hội thảo quốc tế Nghiên cứu về Quản lý và Đổi mới Công nghệ 2024 (International Conference on Research in Management & Technovation) – ICRMAT 2024 được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của hơn 600 tác giả đến từ 62 trường đại học, học viện, doanh nghiệp của 9 quốc gia như: Vương quốc Anh, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Pháp, Canada, Iran, Nhật Bản.
Hội thảo quốc tế ICRMAT lần thứ 5 diễn ra trong 2 ngày 09 – 10/8/2024, được đồng tổ chức bởi Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Tài chính, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Công nghệ Đông Á. Đây là lần thứ 3, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức với nhiều đổi mới và tạo hiệu ứng tốt trong giới học thuật.
Hội thảo quốc tế Nghiên cứu về Quản lý và Đổi mới Công nghệ 2024 – ICRMAT 2024 diễn ra tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Với các lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm như: Kế toán, kiểm toán và thuế; Quản trị nguồn nhân lực; Quản trị marketing; Quản trị vận hành; Quản trị tài chính; Khởi nghiệp & Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Quản trị truyền thông; Công nghệ thông tin…, hội thảo đã tạo ra một diễn đàn học thuật trao đổi, thảo luận về quản lý và đổi mới công nghệ trong chuyển đổi số.
Diễn đàn chia sẻ kiến thức, cầu nối giữa khoa học nghiên cứu và doanh nghiệp
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi liên tục, giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế. Đổi mới về quản lý và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bày tỏ vinh dự khi đăng cai tổ chức Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định: Việc tổ chức hội thảo ICRMAT 2024 không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội quý báu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Tài chính, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Công nghệ Đông Á tới các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
PGS.TS.Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo cũng đóng vai trò cầu nối cho các nhà khoa học trong việc trao đổi tri thức, học thuật và gắn kết, hợp tác nghiên cứu. Lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội kỳ vọng hội thảo sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học tăng cường trao đổi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong nước và quốc tế.
Hội thảo ICRMAT 2024 đóng vai trò là cầu nối cho các nhà khoa học trao đổi tri thức, học thuật và gắn kết trong nghiên cứu
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, diễn giả đặc biệt quan tâm tới nội dung trình bày của GS.TS. Nguyễn Đức Khương - Giám đốc Điều hành Trường Kinh doanh EMLV & Giám đốc Phát triển Quốc tế, Giáo dục Đại học De Vinci, Pháp với chủ đề: “Động lực chung của hàng hóa tương lai?”.
GS.TS. Nguyễn Đức Khương - Giám đốc Điều hành Trường Kinh doanh EMLV & Giám đốc Phát triển Quốc tế, Giáo dục, Đại học De Vinci, Pháp trình bày báo cáo: “Động lực chung của hàng hóa tương lai?”
GS.TS. Nguyễn Đức Khương trình bày các nội dung:Tổng quan toàn diện về các động lực lợi nhuận chung ở các mốc thời gian khác nhau; So sánh tác động của các động lực tiềm năng ở tần suất quan sát được của chúng với phương pháp tiếp cận tần suất hỗn hợp mới; Chứng minh mối quan hệ thay đổi theo thời gian của hợp đồng tương lai hàng hóa với các động lực lợi nhuận của chúng trong các giai đoạn tài chính hóa riêng biệt; Nghiên cứu vai trò của các nhà phòng ngừa tài chính (nhà đầu tư chỉ số hàng hóa) để giải thích khả năng dự đoán thay đổi theo thời gian của các động lực lợi nhuận chung…
PGS.TS Kanitsorn Terdpaopong, Đại học Rangsit, Thái Lan trình bày chủ đề “ESG - mô hình mới về định giá doanh nghiệp” và nhấn mạnh: Khi môi trường kinh doanh toàn cầu tiếp tục phát triển, việc tích hợp các nguyên tắc ESG là điều cần thiết để đạt được thành công và khả năng cạnh tranh lâu dài.
Mang đến Hội thảo một góc nhìn mới về “ESG – Mô hình mới về định giá doanh nghiệp”, PGS.TS Kanitsorn Terdpaopong, Đại học Rangsit, Thái Lan nhấn mạnh: Việc tích hợp các yếu tố ESG (ESG là viết tắt của Environment (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị); là bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng) vào chiến lược vận hành không chỉ là xu hướng mà còn là sự thay đổi căn bản trong cách doanh nghiệp vận hành và tạo ra giá trị. Nó giúp nâng cao hiệu quả tài chính, quản lý rủi ro, đáp ứng các yêu cầu quy định, thu hút đầu tư, đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng và nhân viên, đồng thời xây dựng mô hình kinh doanh bền vững và linh hoạt….
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Việt Nam với báo cáo “Chuyển đổi kép và ý nghĩa đối với quản trị”. Báo cáo nhận định: Chuyển đổi kép đòi hỏi sự linh hoạt, tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo, giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua thách thức mà còn nắm bắt được các cơ hội mới trong thị trường toàn cầu hóa. Chuyển đổi kép giúp tăng cường năng lực cạnh tranh, đổi mới trong quản lý, tối ưu hóa hiệu suất và khuyến khích tư duy sáng tạo, sự hợp tác nhiều bên.
GS.TS.Nguyễn Tâm, Đại học Nottingham Trent, Vương quốc Anh với báo cáo : “Cân bằng giữa hiệu suất và đạo đức: Định hướng áp dụng AI trong ngành kiểm toán”. GS. Nguyễn Tâm nhấn mạnh: Sự cân bằng giữa mối quan tâm về đạo đức và lợi ích hiệu suất này làm sáng tỏ sự hiểu biết về hành vi áp dụng AI, đặc biệt là trong các lĩnh vực được quản lý chặt chẽ và ràng buộc về mặt đạo đức, chẳng hạn như kiểm toán.
Một số hình ảnh tại Hội thảo ICRMAT 2024:
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội