[suckhoedoisong] Nhiều trường đại học 'quay xe' với xét tuyển học bạ

SKĐS - Năm 2025, hàng loạt trường đại học chính thức bỏ phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (học bạ).

Thêm nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ từ năm 2025

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết sẽ bỏ phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT (xét học bạ) từ năm 2025. Năm nay, trường chỉ còn xét tuyển theo 3 phương thức gồm: xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội và Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực - SPT năm 2025.

Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh mới đây cũng đã công bố các thay đổi quan trọng trong dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025. Theo đó, trường sẽ không sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) trong xét tuyển và chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Nhà trường cho biết sẽ xét tuyển theo 4 phương thức gồm: xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10% - 20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt - dự kiến khoảng hơn 30 ngành sử dụng phương thức này (40% - 50% chỉ tiêu) và xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (20% - 40% chỉ tiêu cho các ngành có xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70% - 80% cho các ngành không xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt).

[suckhoedoisong] Nhiều trường đại học 'quay xe' với xét tuyển học bạ

Nhiều trường đại học chính thức bỏ phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT trong năm 2025. Ảnh minh hoạ

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) bỏ 2 phương thức sử dụng điểm học bạ để xét tuyển đầu vào năm nay. Theo đó, năm nay trường tuyển sinh theo các phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên; xét học sinh dự bị đại học; dùng kết quả tốt nghiệp hoặc kết hợp điểm thi này với thi năng khiếu thể dục - thể thao.

Trong khi đó, Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2025 thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và xét tuyển dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT. Đồng nghĩa từ năm 2025, phương thức ưu tiên xét tuyển của Đại học Quốc gia TP.HCM không còn.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng thông báo sẽ bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT độc lập. Năm ngoái nhà trường dành 15% chỉ tiêu cho phương thức này. Dự kiến từ năm 2025, thí sinh xét học bạ vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phải kết hợp điểm thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy, chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi.

Nhiều năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội không sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT trong năm 2025. Trường có 3 phương thức gồm xét tuyển tài năng (20%), xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy (40%) và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: Xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024). Từ năm 2024, đại học này đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ để giảm tỉ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.

Tương tự, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Trường Đại học Luật TPHCM... dự kiến vẫn không xét tuyển bằng học bạ THPT trong năm 2025 như các năm trước.

Việc không sử dụng xét tuyển bằng học bạ sẽ giảm thiểu gian lận

Lý giải về việc dự kiến bỏ phương án xét tuyển bằng kết quả học tập (học bạ) từ mùa tuyển sinh năm tới, ThS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TP.HCM cho rằng, điểm học bạ giữa các trường THPT có sự chênh lệch đáng kể, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chính xác năng lực thí sinh, việc sử dụng học bạ làm tiêu chí xét tuyển có thể gây ra sự thiếu công bằng giữa các thí sinh.

Việc không sử dụng xét tuyển bằng học bạ sẽ giảm thiểu gian lận và làm đẹp điểm số. Có nhiều trường đại học cho rằng việc sử dụng học bạ trong xét tuyển có thể dẫn đến tình trạng gian lận hoặc làm đẹp điểm số, ảnh hưởng đến tính minh bạch trong tuyển sinh.

Ngoài ra, theo ThS. Phạm Thái Sơn, việc xét tuyển bằng học bạ có thể khiến học sinh chủ quan, chểnh mảng trong học tập và ôn thi tốt nghiệp THPT, ảnh hưởng đến chất lượng. "Năm 2025, nhiều trường đại học đã chuyển sang các phương thức xét tuyển khác như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc kết hợp nhiều tiêu chí để đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh".

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nhiều trường đại học đang "quay xe" với tuyển sinh học bạ vì có nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất, tuyển sinh theo phương thức học bạ không đảm bảo được chất lượng đầu vào. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy có sự chênh lệch điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ khá lớn.

PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết, những nghiên cứu ban đầu của Trường Đại học Giáo dục cho thấy, điểm học bạ cao không tỉ lệ thuận với điểm học đại học và tỉ lệ cam kết theo đến cùng ngành học của xét học bạ rất thấp. "Việc xét tuyển bằng học bạ có thể làm cho chất lượng đầu vào đại học kém".

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, xin ý kiến đã đưa ra các quy định siết chặt vấn đề xét học bạ trong tuyển sinh. Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định nếu sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3 đến 5 kỳ học như trước đây.

Nguồn: Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống

Tin tiêu điểm