PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Thắng
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nhân văn quân sự
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, với cách viết thiết thực, sâu sắc, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một phong trào thi đua yêu nước, từ mục đích, vai trò, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng, kết quả đến sức lan tỏa của phong trào thi đua ái quốc. Trong đó, Người chỉ rõ mục đích của Thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói. Diệt giặc dốt. Diệt giặc ngoại xâm”.
Từ sự phân tích, đánh giá sâu sắc về ba “nạn” - nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm - đang đe dọa sự sống còn của chính quyền công nông non trẻ ra đời sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và ở một đất nước vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi cả ba “nạn” đó đều là “giặc” và đề xuất ba nhiệm vụ cấp bách phải tập trung giải quyết là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm, để đảm bảo cho công cuộc đấu tranh giải phóng, sự tồn tại và phát triển của đất nước, của nhân dân và của chế độ xã hội mới.
Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra yêu cầu phải đạt đến, là “để gây: Hạnh phúc cho dân” và “Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là: Toàn dân đủ ăn, đủ mặc. Toàn dân biết đọc, biết viết. Toàn bộ bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt giặc ngoại xâm”.
Yêu cầu cần phải đạt đến của việc thực hiện mục đích thi đua diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc phải đáp ứng yêu cầu khách quan đảm bảo cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc giành thắng lợi, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Nếu không diệt được giặc ngoại xâm thì dân tộc không thể có được độc lập, tự do, nhân dân không thể thoát khỏi vòng nô lệ, sự áp bức, bóc lột của ngoại xâm. Nếu không diệt được giặc dốt thì không thể xóa được nạn mù chữ, không thể nâng cao được dân trí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu(1). “Dốt thì dại, dại thì hèn; vì không chịu dại, không chịu hèn cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới(2). Nếu không diệt được giặc đói, thì nhân dân không thể có đủ sức lực để thực hành công cuộc kháng chiến và kiến quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ quan hệ giữa việc thi đua diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm: “Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm. Địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực. Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa dân ta vào nơi mù quáng(3).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mục đích, yêu cầu của thi đua ái quốc: “Diệt giặc đói. Diệt giặc dốt. Diệt giặc ngoại xâm”, không những có giá trị, ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, kháng chiến và kiến quốc của nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng trước đây, mà vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự nóng hổi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Các điển hình tiên tiến trong thi đua yêu nước năm 2018 - Ảnh VOV
Trong giai đoạn hiện nay, vận dụng những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích, yêu cầu của thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói. Diệt giặc dốt. Diệt giặc ngoại xâm”, chúng ta phải tiếp tục phát động, động viên, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng cao, vùng xa, những địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập; triển khai phát động các phong trào thi đua yêu nước, thi đua thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhất là dưới sự tác động to lớn, toàn diện và mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; sự phát triển của kinh tế tri thức. Thực hiện các phong trào thi đua, không ngừng củng cố và tăng cường sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và mọi tình huống khác, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới./.
________________________________________-
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 4, tr.8
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 8, tr.64
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 5, tr. 379.
PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Thắng
Thứ Ba, 07:59 12/06/2018
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội