Nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018) chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết với chủ đề tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập và vấn đề học tập suốt đời.
(Lời huấn thị của Hồ Chí Minh, ghi tại sổ vàng truyền thống trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương - Ảnh sưu tầm)
1. Dân tộc Việt Nam được ngợi ca là một dân tộc hiếu học
Tinh thần hiếu học (ham học hỏi và hiểu biết) thể hiện xuyên suốt trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Hồ Chí Minh có những đề cập thiết thực, cụ thể về sự học. Song bao trùm lên tất cả vẫn là tinh thần mới mẻ, nhân văn: học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Tinh thần đó được thể hiện trên mấy nét sau.
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc học tập giáo dục, xem đó là phương cách để kiến thiết Tổ quốc, mang lại đời sống tốt đẹp cho nhân dân.
Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên vai trò quan trọng của sự học và thế hệ trẻ đối với tiền đồ đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(1). Trong hoàn cảnh nước nhà đang thực hiện phong trào xóa nạn mù chữ (chống giặc dốt), Người đã viết bài “Chống nạn thất học”, trong đó đề cao vai trò của sự hiểu biết ở mọi người đối với việc xây dựng đất nước: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” (2). Sự học, trình độ học vấn liên quan đến vận mệnh dân tộc, thể hiện sự mạnh, yếu của một dân tộc: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (3). Nói chuyện tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Người đã nhấn mạnh lợi ích của việc đào tạo con người trên tinh thần một câu nói của người xưa “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trồng cây là một việc làm rất cụ thể, dễ dàng, còn trồng người là một sự nghiệp vinh quang và rất đỗi gian nan, có liên quan đến sự tồn vong và tương lai dân tộc.
Thấy được vai trò của giáo dục, đào tạo, của nhân tố con người, ngay trong buổi đầu mới giành được độc lập, một trong sáu vấn đề cấp bách cần làm ngay, thì vấn đề quan trọng thứ hai, Người đã đề cập là diệt giặc dốt. Người cho rằng, giặc dốt và giặc ngoại xâm đi liền với nhau, dựa vào nhau để nô dịch dân ta. Coi trọng sự học, giáo dục và đào tạo, trọn đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở vì sự nghiệp đào tạo thanh niên, đào tạo, bồi dưỡng con người. Trong Di chúc cuối đời, Người tha thiết dặn dò “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Hai là, mục đích của sự học theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân
Từ việc coi trọng tầm quan trọng của sự học đối với tiền đồ quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến coi mục đích của sự học là để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Trong lịch sử, mỗi một chế độ xã hội khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển và nhận thức, con người đề cao sự học không giống nhau. Dân tộc Việt Nam trong thời đại phong kiến đã từng bị ảnh hưởng bởi quan niệm “học nhi ưu tắc sĩ” (học để làm quan), cái học đó đã đào tạo ra một tầng lớp quan lại bằng con đường khoa bảng; xã hội nông nghiệp đề cao cái học để “vinh thân phì gia”, một người làm quan cả họ được nhờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức được lợi ích của việc học lớn hơn nhiều. Học để “phụng sự” tức là làm việc, là lãnh nhận sứ mệnh trước quốc dân, đồng bào, là cống hiến, đặt cái lợi nhân quần của Tổ quốc, nhân dân lên hết thảy. Đó là ý nghĩa đích thực của sự học theo quan điểm khoa học và cách mạng, tiến bộ và nhân văn. Ở cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, đi nhiều, hễ có dịp là Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói với nhân dân về lợi ích của sự học mới, về ý nghĩa của sự học cao cả ấy.
Trong lời ghi ở trang đầu Quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Người viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”…(4). Phát biểu trong Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, năm 1950, Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: học để làm gì? và Người đã nói nhiều về mục đích của sự học, song đúc kết lại vẫn là để làm việc, để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc (1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dạy và học phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”(5). Trong thư gửi các học sinh trường Sư phạm miền núi Trung ương nhân dịp khai giảng (1955), Người viết: “Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”(6). Trong thư gửi các cháu lưu học sinh Việt Nam học ở Mát-xcơ-va, Người căn dặn: “Các cháu học kỹ thuật và học tiếng Nga cần nhận rõ mình học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Học ngành nào cũng cần phải căn cứ vào nhu cầu của Tổ quốc, của nhân dân mà định, không thể tùy theo sở thích của riêng mình” (7). Trong một lần khác, nói chuyện tại Lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12-6-1956, Người nói: “Mục đích của giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc…” (7). Có thể thấy, xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh không có cái học nào hơn sự học để làm người, giúp đời, phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đó cũng chính là cái học của người cách mạng, của đạo đức xã hội chủ nghĩa, của những con người thấm đẫm trong mình lý tưởng cộng sản.
Vậy là, tiếp thu tinh thần hiếu học của cha, ông, song đến lượt mình, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, cái học của dân tộc Việt Nam, của người Việt Nam đã mang nội dung ý nghĩa mới, học không phải vì cái cá nhân chật hẹp “vinh thân phì gia”, mũ cao áo dài, cân đai võng lọng, mà học có một mục đích, ý nghĩa cao đẹp, tràn đầy lý tưởng nhân văn cao cả, để làm người, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm lợi cho dân, cho nước. Chính thấm nhuần lý tưởng học đó mà hàng vạn thanh niên trí thức dưới chế độ mới, kể cả những trí thức được đào tạo ở Pháp (chế độ thực dân cũ) đã ra sức phấn đấu học hỏi, nắm bắt khoa học, kỹ thuật phục vụ sự nghiệp kháng chiến và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nhiều người đã từ bỏ trời Tây hoa lệ, trở về sống đồng cam cộng khổ, cùng nhân dân phục vụ kháng chiến, kiến quốc, tiêu biểu như: bác sĩ Đặng Văn Ngữ, kỹ sư Phạm Quang Lễ (anh hùng Trần Đại Nghĩa) và nhiều trí thức dưới chế độ cũ đã sẵn sàng ra gánh vác việc nước, như: Tiến sĩ Nho học Huỳnh Thúc Kháng, nhân sĩ Vũ Đình Hòe…
Ba là, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về tự học, học để đạt được tri thức đúng đắn phụng sự công cuộc đấu tranh cách mạng, vì sự vẻ vang của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước từ buổi nhân dân, đất nước còn đắm chìm trong đêm đen nô lệ, Người không có điều kiện để được học hành trong các trường lớp chính thống. Người sớm dấn thân vào lao động và tranh đấu, nhưng bản thân đã có ý thức học tập từ rất sớm. Người đã từng kể lại: “…Vào trạc 13 tuổi, lần đầu tiên tôi đã được nghe những từ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái. Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Đó cũng là nguyên nhân Người đi về phía trời Tây để học hỏi, tìm con đường khả dĩ cứu nước, cứu dân.
Trong hoàn cảnh lao động kham khổ, thiếu thốn, có những lúc bị tù đày, Người luôn có ý thực tự học, tự bồi dưỡng, từ ngoại ngữ, đến các tri thức văn hóa, khoa học. Đi đến đâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều học và sử dụng được ngoại ngữ, thông hiểu văn hóa để hòa nhập và hoạt động. Không được đào tạo một cách bài bản, chính thống qua trường lớp, cấp học, nhưng những tri thức Người có được hết sức sâu sắc và toàn diện. Người còn căn dặn cán bộ phải học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân. Chính nhờ học qua sách báo, qua bè bạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó là vào năm 1920, ở Paris, Nguyễn Ái Quốc, được một người bạn cho xem “Luận cương Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa ” đăng trên báo Nhân đạo, đã giác ngộ: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, Người tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ Ba, vì đã chỉ ra cho Người con đường tranh đấu cho độc lập tự do của dân tộc mình.
Tinh hoa sự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thẩm thấu và tỏa ra ở cốt cách văn hóa thanh cao, lịch thiệp, trong trí thông minh xuất chúng, ở lối ứng xử tinh tế, hấp dẫn. Tất cả nhờ Người luôn ý thức tự học và hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm đắc câu nói của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi và chính Người cho rằng, học để tiến bộ mãi!
Nhờ học thấu đáo, năng lực tự học xuất chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ được những tinh túy văn hóa Đông, Tây, đem hết tài học, lực học, kiến thức phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của nhân dân. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc đã tôn vinh Người là: Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Người là biểu tượng đỉnh cao của đạo đức và trí tuệ Việt Nam ngời sáng.
2. Tinh thần học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân của Hồ Chí Minh trong trong giai đoạn cách mạng mới
Việt Nam có khoảng 86 triệu người, có hàng triệu trí thức và hàng vạn học sinh, sinh viên. Đó là một lực lượng đông đảo đang đi tiên phong trong học tập và nghiên cứu khoa học và công nghệ, là một nguồn sức mạnh cho đất nước phát triển, vươn xa. Tuy nhiên, trong thực tế, theo nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn, sự học hôm nay dưới ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường, đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan ngại như học thực dụng, học chỉ để du học, để tìm việc tốt, kiếm tiền nhiều, vị trí nhiều lợi ích…; sự học coi nhẹ về đạo đức, nhân văn (biểu hiện ở kết quả học và thi các môn: văn học, lịch sử, địa lý…); về lý luận, phương pháp luận… Không ít người có tư tưởng lệch lạc về sự học: nạn chạy bằng, mua điểm, những biểu hiện coi nhẹ đạo đức học đường, thiếu tôn sư, trọng đạo… đang gây nên những bức xúc trong nhân dân. Những biểu hiện đó ít nhiều làm băng hoại giá trị của sự học, đang bị cộng đồng xã hội lên án và dư luận đòi hỏi phải có những chấn chỉnh về mục đích, chương trình, phương pháp dạy và học.
Nghiên cứu và ngẫm lại tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học, về mục đích học tập trong bối cảnh hôm nay, nhiều quan điểm, luận điểm của Người vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự và khoa học mới mẻ, có thể giúp ích cho chúng ta xây dựng một xã hội học tập lành mạnh và tiến bộ. Trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta, việc học là một phương thức quan trọng để hội nhập, bởi chỉ có giáo dục, đào tạo có chất lượng mới tạo ra con người, đội ngũ có năng lực phục vụ sự hội nhập ấy. Nhiều chuyên gia giáo dục của thế giới khuyến cáo Việt Nam phải đầu tư và cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong giáo dục, chỉ có thắng trong giáo dục mới có thể thắng trong kinh tế. Tinh thần học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân chính là học để xây dựng đất nước, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, vươn lên văn minh hiện đại. Tinh thần đó cần được phát huy, khơi gợi trong cán bộ, học sinh và nhân dân sao cho biến xã hội ta thành một xã hội thực sự học tập, một cộng đồng luôn ham học hỏi và hiểu biết, có trí tuệ, tài năng và nhân cách.
Tinh thần học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều điểm trùng khớp với tinh thần của Unesco (Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên Hợp Quốc), khi Liên Hợp Quốc đề ra mục tiêu của học tập là học để hiểu biết, để chung sống, để làm việc và làm người. Tinh thần đó của Người đã bắt nhịp với thời đại và có dịp tỏa sáng cùng thời đại. Tư tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như vậy dẫn đến hệ quả tất yếu là, phải học thường xuyên, học suốt đời. Điều đó hoàn toàn thích ứng với một xã hội năng động và phát triển nhanh trong thế giới hôm nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập để phụng sự Tổ quốc và nhân dân hoàn toàn có khả năng khuyến khích sự học tiến bộ, đáp ứng yêu cầu của nền “kinh tế tri thức” đang phát triển, đòi hỏi thực học, trí tuệ, mà Việt Nam là một đất nước đang chuyển đổi và bước đầu tiếp cận với nền kinh tế ấy. Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tinh thần Hồ Chí Minh chỉ có thể phát huy trên cơ sở một thái độ học tập tích cực và sáng tạo, có phương pháp, tự nỗ lực không ngừng. Sự học đó khác xa với cái học nệ cổ của phong kiến, cái học siêu hình, không thực tế của lối học kinh viện; sự học đó cũng khác xa với cái học cá nhân, tự kiêu, tự mãn, tự phụ; sự học đó đối lập với cái học cá nhân chủ nghĩa không biết đến nhân quần xã hội.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta có thể học tập vô số điều, nhưng trong bối cảnh, vận hội mới của đất nước, cần phải học và thực hành tinh thần học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Chỉ với một thái độ học tập tích cực, đúng đắn và nhân văn như vậy, mỗi người Việt Nam mới có thể góp sức học và sức làm việc của mình để dân tộc có thể sánh vai các quốc gia, dân tộc khác, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t.4, tr.33.
(2), (3) Sđd, t.4, tr.36; tr.8.
(4) Sđd, t.5, tr.684.
(5), (7), (8) Sđd, t.8, tr.138; tr.25-26; tr.183.
(6) Sđd, t.7, tr.496.
Phạm Xuân Hoàng - Trường Đại học Lâm nghiệp
Nguồn:https://tennguoidepnhat.net/2012/03/03/t%C6%B0-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-h%E1%BB%93-chi-minh-v%E1%BB%81-v%E1%BA%A5n-d%E1%BB%81-h%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%ADp/
Thứ Tư, 12:30 16/05/2018
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội