[baohaiduong] Dồn sức chạy nước rút chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực
Để tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học, nhiều học sinh ở Hải Dương đang dồn sức chạy nước rút chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra vào tháng 3/2025.
Em Nguyễn Minh Tiến, lớp 12 Trường THPT Thanh Miện đang dồn sức chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực
Học ngày, học đêm
Đặt mục tiêu cao nhất vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, em Nguyễn Minh Tiến, lớp 12 Trường THPT Thanh Miện đang chạy đua với 3 kỳ thi: tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực và đánh giá tư duy. Tiến sẽ sử dụng kết quả thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực để xét tuyển vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, còn thi đánh giá tư duy để xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cũng như có thêm cơ hội vào đại học, Tiến ngày đêm ôn luyện. Lịch học của em kín cả tuần và khá áp lực.
Em Tiến cho biết đầu lớp 12 bắt đầu tập trung ôn thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy. Tiến đang theo một khoá ôn thi đánh giá tư duy trên mạng internet với kinh phí khoảng 1 triệu đồng, thời lượng 2 buổi tối/tuần.
“Hiện em mới đạt khoảng 50 - 60/100 điểm ôn thi đánh giá tư duy, còn đánh giá năng lực được khoảng 80 - 90 điểm/150 điểm. Kết quả này rất thấp, em phải cố gắng hơn nhiều. Trước mắt, em tập trung cho đợt thi đánh giá năng lực vào tháng 3 tới, tiếp theo là đợt thi đánh giá tư duy. Sau đó em sẽ dành thời gian cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thời gian này em thường học đến 1 giờ sáng hôm sau”, Tiến nói.
Em Cao Quỳnh Anh, lớp 12 Trường THPT Ninh Giang trao đổi bài với bạn cùng thi đánh giá năng lực tại trường
Tương tự, em Cao Quỳnh Anh, lớp 12 Trường THPT Ninh Giang cũng đang dồn sức chạy nước rút để chinh phục đợt đầu tiên kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 3 tới. Hiện Quỳnh Anh mới đạt khoảng 80/150 điểm, để trúng tuyển vào Khoa Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân phải đạt khoảng 110 điểm.
Quỳnh Anh cho biết lịch học dày kín khiến em gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Em phải sắp xếp thời gian biểu khoa học để vừa ôn thi tốt nghiệp THPT vừa ôn thi đánh giá năng lực. Quỳnh Anh cũng sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào Khoa Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
“Hầu hết thời gian ở nhà, nhất là buổi tối em dành thời gian để luyện đề thi đánh giá năng lực. Em tích luỹ kiến thức ở nhiều môn như ngữ văn, lịch sử để có kết quả bài thi tốt hơn bởi thi đánh giá năng lực đòi hỏi kiến thức tổng hợp của nhiều môn học. Em thường học đến 12 giờ đêm”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Thầy cô hỗ trợ
Trường THPT Ninh Giang luôn đồng hành, hỗ trợ học sinh tham gia các kỳ thi riêng
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hải Dương, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, phần lớn học sinh lớp 12 ở Hải Dương chọn kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Những học sinh khác chọn kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, thi chứng chỉ ngoại ngữ… Những lựa chọn này đang có chiều hướng tăng dần trong những năm gần đây.
Ngoài ôn thi tốt nghiệp THPT, nhiều giáo viên cũng quan tâm hỗ trợ học sinh để theo kịp xu hướng trên. Mặc dù không tổ chức ôn tập cho học sinh thi đánh giá năng lực nhưng giáo viên luôn hỗ trợ tối đa các em tham gia các kỳ thi riêng.
Thầy giáo Trần Văn Ta, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện cho biết những năm gần đây, trường là một trong những đơn vị có số lượng học sinh thi đánh giá năng lực đông và đạt kết quả cao so với các trường trong tỉnh. Nắm bắt nhu cầu của các em, trường thường xuyên cung cấp thông tin về kỳ thi, mẫu đề tham khảo, lồng ghép trong môn học để hướng dẫn các em cách trả lời câu hỏi, tăng cường kiến thức thực tiễn. Trường luôn coi đây là một trong những nội dung quan trọng của công tác hướng nghiệp và là trách nhiệm của nhà trường đối với chất lượng đầu ra của học sinh lớp 12.
Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Miện
Tương tự, ngay từ đầu năm học, Trường THPT Ninh Giang cũng thông tin kỳ thi trong hội đồng giáo dục, các tổ chuyên môn. Từ đó cung cấp thông tin, tư vấn cho học sinh, phụ huynh để chuẩn bị cũng như có kế hoạch ôn luyện sớm.
Thầy Hà Huy Du, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Giang cho biết ngoài tư vấn, định hướng, một số giáo viên cũng chủ động tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực để hỗ trợ tìm kiếm các đề ôn luyện, lồng ghép các kiến thức thi trong giờ học trên lớp cho học sinh. Giáo viên sẵn sàng giải đáp bất kỳ câu hỏi nào của học sinh có liên quan đến các kỳ thi riêng. Ngoài ra, giáo viên cũng động viên các em phải học chắc, kỹ, sâu rộng để từ đó có kiến thức, năng lực suy luận làm bài tốt.
Nắm bắt nhu cầu của học sinh đối với các kỳ thi riêng, ngoài việc chỉ đạo các trường hỗ trợ các em, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã phối hợp Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy tại tỉnh.
Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết năm 2024, toàn tỉnh có hơn 5.000 lượt thí sinh thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, tăng gần 350 lượt em so với năm 2023. Điểm trung bình thi đánh giá năng lực của các thí sinh Hải Dương là 77,7 điểm, đứng thứ 5 trong các tỉnh, thành phố phía Bắc, tăng 1 bậc so với năm 2023. Năm 2025 là năm thứ hai Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức 2 kỳ thi riêng này tại Trường Đại học Sao Đỏ (Chí Linh). Việc tổ chức kỳ thi tại Hải Dương sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh trong tỉnh, tiết kiệm thời gian, chi phí…
Thứ Năm, 06:18 06/02/2025
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội