[Bộ Công Thương] Liên kết tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ
Trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, bài toán nguồn nhân lực càng trở nên cấp thiết.
Thiếu hụt nhân lực tay nghề cao
Ông Cao Văn Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, nguồn nhân lực hiện nay là yếu tố quan trọng đối với việc cải thiện chất lượng sản phẩm, do vậy, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề rất quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những doanh nghiệp cần đội ngũ có tay nghề cao, thì liên quan đến tuyển dụng nguồn nhân lực đang gặp một số khó khăn. “Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ thường tham gia vào việc thay đổi và cải tiến quy trình sản xuất và công nghệ, doanh nghiệp cần có những nguồn nhân lực có khả năng học hỏi và thích nghi với những thay đổi nhanh chóng. Việc tìm kiếm và duy trì những nguồn nhân lực như vậy có thể là một thách thức”- ông Cao Văn Bình chỉ ra.
Ông Lê Quý Thành - Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang cho biết, phải khẳng định, ngành công nghiệp hỗ trợ có tính chuỗi và tính hệ thống, tính chuyên nghiệp rất cao. Vì vậy các nhân sự làm việc trong ngành này ngoài những kiến thức chuyên môn thì cũng rất cần những am hiểu về hệ thống, về quy trình, từ những quy trình, tiêu chuẩn rất phổ biến hiện nay như ISO 9001, ISO 14001… Trong mỗi ngành sẽ có những tiêu chuẩn riêng mà yêu cầu mọi nhân sự trong hệ thống, trong doanh nghiệp phải có những nắm bắt nhất định về các tiêu chuẩn và hệ thống đó.
Chia sẻ vấn đề nêu trên, TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định, nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt có thể quyết định đến sự thành công của việc phát triển ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Do đó, để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ thì trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển không chỉ có những ưu tiên, các chính sách ưu đãi thuế… mà còn cần có những vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ.
Chủ động từ doanh nghiệp và nhà trường
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang từng bước ứng dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các doanh nghiệp không ngừng cải tiến quy trình, phương pháp quản lý, kiểm soát chất lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định, để thực hiện được điều này, nhân tố con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đầu tư vào nguồn nhân lực là một yếu tố phát triển bền vững đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt khi doanh nghiệp đang dần chuyển từ thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ.
Về phía Bộ Công Thương, hiện nay Cục Công nghiệp đã giao Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, như chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tạo ra một hệ thống chuyên gia nhằm giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Cụ thể Trung tâm phối hợp với các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia tổ chức một số chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cụ thể cho các ngành công nghệ lõi, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ. Trung tâm đang phối hợp với Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Giao thông vận tải trong xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển nguồn nhân lực chung cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
TS. Kiều Xuân Thực thông tin, nhà trường đang có 12 chương trình đào tạo theo nhu cầu và tuyển dụng trước khi tốt nghiệp với các đối tác doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay là Đài Loan (Trung Quốc), cụ thể như: Nissan, LG,… Có trên 1.000 sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội đang tham gia những chương trình này và các em đã được hưởng lương từ doanh nghiệp ngay từ đầu năm thứ ba hoặc đầu năm thứ tư.
“Với nhóm giải pháp như vậy, cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động từ cả hai phía doanh nghiệp và nhà trường thì chúng tôi cho rằng bài toán nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và việc xóa khoảng cách, xóa độ vênh giữa đào tạo với sử dụng chắc chắn sẽ được giải quyết”- TS. Kiều Xuân Thực chia sẻ.
Với những giải pháp chủ động từ phía doanh nghiệp hay nâng cao sự phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo cho thấy hiệu quả và hy vọng rằng sẽ tiếp tục phát huy trong phát triển nguồn nhân lực, đem lại những giá trị hữu ích cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.
Nguồn: Bộ Công Thương
Thứ Ba, 18:34 12/12/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội