[daibieunhandan] Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát triển thành “Đại học” với vai trò dẫn dắt, có tầm ảnh hưởng
Chiến lược phát triển của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là phát triển thành đại học định hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam, theo mô hình tự chủ toàn diện, đi đầu trong xu thế chuyển đổi số và quản trị thông minh, có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế.
Đó là chia sẻ của TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ 2025.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Tinh gọn bộ máy
- Thưa ông Kiều Xuân Thực, Trường Đại học Công nghiệp đang hướng đến mục tiêu chuyển mình từ “Trường Đại học” trở thành "Đại học". Đây là một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển của trường. Ông có thể chia sẻ về tầm nhìn và định hướng của trường trong việc thực hiện mục tiêu này?
- Ngay từ năm 2017, khi Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được triển khai, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện các bước tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động, từ 41 đơn vị thuộc, trực thuộc, đến nay tinh gọn còn 31 đơn vị, giảm 10 đơn vị.
Việc thành lập các trường thuộc trường và phát triển thành đại học là một trong những mục tiêu quan trọng, bên cạnh phát huy nội lực, còn thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là phát triển thành đại học định hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam, theo mô hình tự chủ toàn diện, đi đầu trong xu thế chuyển đổi số và quản trị thông minh; Sản phẩm giáo dục đào tạo nằm trong top đầu Việt Nam về khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, được ghi nhận về năng lực sáng tạo và khởi nghiệp; Sản phẩm khoa học công nghệ được công nhận và ứng dụng rộng rãi trong nước, một số lĩnh vực đạt tầm khu vực và quốc tế.
Việc chuyển mình từ “Trường Đại học” trở thành "Đại học" là bước quan trọng để cụ thể hóa mục tiêu phát triển đó. Thông qua chuyển đổi mô hình từ “Trường Đại học” trở thành "Đại học", Nhà trường sẽ điều chỉnh cơ cấu tổ chức gắn liền với tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và thúc đẩy tự chủ, từ đó nâng cao chất lượng GDĐH, hoàn thiện mô hình quản trị đại học tiên tiến, bảo đảm phát triển thành một đại học với vai trò dẫn dắt, tạo dựng giá trị bền vững, qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực và ở phạm vi quốc tế.
TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
3 nguyên tắc khi trở thành “Đại học”
- Trong quá trình chuyển mình từ “Trường Đại học” thành “Đại học”, trường sẽ cần thay đổi gì về cơ cấu tổ chức, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và môi trường học tập để đáp ứng yêu cầu của một Đại học trong bối cảnh hiện nay?
- Để chuyển mình từ “Trường Đại học” thành “Đại học”, về việc điều chỉnh mô hình quản lý Nhà trường đã xác lập 3 nguyên tắc mang tính ràng buộc, đó là: Chỉ có 03 cấp quản lý (Đại học, Trường, Khoa); Các đơn vị tham mưu, hỗ trợ và dịch vụ của Đại học Công nghiệp Hà Nội và của các Trường trực thuộc được tích hợp chức năng để giảm tối đa số đầu mối trực thuộc; Tỷ lệ lao động gián tiếp (quản lý, hành chính) không quá 25%.
Đến tháng 1.2025, Nhà trường đạt đủ các điều kiện để chuyển thành Đại học theo quy định pháp luật, cụ thể: Đã thành lập được 5 Trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; đảm bảo quy mô đào tạo của Nhà trường luôn duy trì khoảng 32.000 học viên, sinh viên; Phát triển đa dạng hóa các ngành/CTĐT ở các cấp trình độ của giáo dục đại học, trong đó có 11 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
Để tiếp tục duy trì đà phát triển của Nhà trường, cũng như thực hiện sứ mệnh của một đại học, Nhà trường tiếp tục thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng môi trường học tập và mở rộng không gian học thuật nhằm xây dựng một hệ sinh thái đào tạo và nghiên cứu mang tính tích hợp liên ngành, đa lĩnh vực, từ đó tạo đà để phát triển ở tầm quốc gia, khu vực, quốc tế, có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia và có thể tham gia vào các bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới để nâng cao uy tín của giáo dục đại học Việt Nam.
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp trong giờ thực hành
Phù hợp với Nghị quyết 57-NQ/TW
- Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trường Đại học Công nghiệp đã có những hành động cụ thể nào để thực hiện các mục tiêu này, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học?
- Như đã trao đổi, với mục tiêu trở thành đại học định hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam, theo mô hình tự chủ toàn diện, đi đầu trong xu thế chuyển đổi số và quản trị thông minh. Sản phẩm giáo dục đào tạo nằm trong top đầu Việt Nam về khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, được ghi nhận về năng lực sáng tạo và khởi nghiệp; Sản phẩm khoa học công nghệ được công nhận và ứng dụng rộng rãi trong nước, một số lĩnh vực đạt tầm khu vực và quốc tế.
Trong thời gian qua, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu này. Thực tiễn cho thấy hướng đi này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 22/12/2024, về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đối với chuyển đổi số trong đào tạo: Nhà trường đã áp dụng các nền tảng học tập trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập để tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi cho người học.
Về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo: Nhà trường đã đạt được nhiều thành công trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Nhà trường chú trọng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu gắn với đào tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn từ doanh nghiệp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Hướng tới mô hình đại học thông minh: Nhà trường đang hướng tới mô hình "Đại học thông minh" thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị, trong tổ chức hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Điều này bao gồm việc xây dựng hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn và hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu của Nghị quyết 57-NQ/TW.
Những nỗ lực này của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thể hiện cam kết và hành động trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đội tuyển của Đại học Công nghiệp Hà Nội giành chức vô địch Robocon Việt Nam năm 2023
- Vậy trong chiến lược phát triển dài hạn, Trường Đại học Công nghiệp sẽ tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn nào để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ?
- Trong chiến lược phát triển dài hạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn sau đây để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, và phát triển công nghệ:
Thứ nhất: Phát triển chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và chuyển đổi số: Phát triển các chương trình đào tạo về Vi mạch bán dẫn; Trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing) và an ninh mạng; Ứng dụng công nghệ số trong quản trị, giáo dục và công nghiệp sản xuất.
Công nghệ sản xuất tiên tiến, thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu về tự động hóa, rô-bốt, in 3D và công nghệ nano. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ trong sản xuất thông minh và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Năng lượng tái tạo và môi trường, nghiên cứu và phát triển các giải pháp năng lượng xanh, sạch như năng lượng mặt trời, gió và sinh khối. Tập trung vào các dự án giảm phát thải, quản lý tài nguyên bền vững, và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thực phẩm và y học.
Kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho sinh viên và giảng viên. Phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số.
Thứ hai: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo sinh viên có khả năng thích nghi với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp, với yêu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Đẩy mạnh các chương trình đào tạo liên ngành, chú trọng vào kỹ năng thực hành và nghiên cứu ứng dụng.
Thứ ba: Tăng cường hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, thành lập được các nhóm nghiên cứu mạnh; Tăng cường quan hệ đối tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp quốc tế; Hỗ trợ các chương trình chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên.
Những định hướng này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học mà còn tăng cường vị thế của trường trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia và quốc tế.
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp trong lễ tốt nghiệp
Xây dựng thành một “Đại học” có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế
- Ông có thể chia sẻ về tầm nhìn của Trường Đại học Công nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt là trong việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW và hướng tới xây dựng trường thành một "Đại học" mạnh mẽ, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế?
- Tầm nhìn của Trường Đại học Công nghiệp trong thời gian tới có thể tập trung vào các mục tiêu chính sau đây, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW và hướng tới xây dựng trường thành một “Đại học” mạnh mẽ, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế.
Thứ nhất: Phát triển thành một đại học với vai trò dẫn dắt
Với bề dày lịch sử 127 năm hình thành và phát triển, triết lý “Giáo dục toàn diện, vì sự phát triển bền vững và hội nhập”, chiến lược phát triển của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng, phát triển theo mô hình đại học thông minh, đạt chuẩn quốc tế trong một số lĩnh vực then chốt và là sự lựa chọn hàng đầu của người học, cộng đồng và doanh nghiệp. Nhà trường đã và đang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và chuyển giao tri thức, công nghệ tới xã hội và cộng đồng đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp, phục vụ xã hội và đất nước.
Để thực hiện chiến lược này, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ vào nâng cao chất lượng đào tạo và trở thành địa chỉ uy tín, được người học và xã hội tin tưởng lựa chọn.
Từ năm học 2017-2018, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được thực hiện tự chủ theo Quyết định số 945/QĐ-TTg ngày 04/07/2017 của Thủ tướng chính phủ. Từ năm 2019 với cơ chế hoạt động tự chủ, Nhà trường từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại học và điều này cũng phù hợp với chủ trương của nhà nước theo Quyết định 69/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng chính phủ đã ký. Kết quả, những năm qua, quy mô đào tạo của Nhà trường luôn duy trì khoảng 32.000 sinh viên.
Về quy mô chương trình đào tạo (CTĐT), Nhà trường đã phát triển đa dạng hóa các ngành/CTĐT ở các cấp trình độ của giáo dục đại học (58 ngành/chương trình đào tạo hệ đại học chính quy bao gồm CTĐT đại trà, liên kết đào tạo và kỹ sư, 14 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 11 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ). Ngoài ra, Nhà trường đang triển khai 10 chương trình dạy học bằng tiếng Anh, xây dựng 15 CTĐT bằng tiếng Anh. Tất cả các CTĐT đều xây dựng theo định hướng kiểm định theo chuẩn Quốc gia và quốc tế uy tín (ABET, FIBAA).
Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 Thủ tướng đã ký, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong 18 trường đại học được lựa chọn đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở. Vì vậy, trong năm 2025 Nhà trường dự kiến mở mới CTĐT “Vi mạch bán dẫn” nhằm phục vụ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu xã hội.
Phòng thực hành của sinh viên được trang bị máy móc hiện đại
Trong “Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045” của Bộ giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng là 1 trong 28 cơ sở đào tạo được ưu tiên đề xuất đầu tư và triển khai chương trình đào tạo tài năng về các nhóm ngành trọng điểm STEM như Kỹ thuật cơ khí và Cơ học kỹ thuật. Điều này khẳng định thêm uy tín cho Nhà trường trong hệ thống giáo dục Việt Nam định hướng phát triển thành một đại học với vai trò dẫn dắt.
Trong thời gian tới, để phát triển thành một đại học với vai trò dẫn dắt, Nhà trường tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Phát triển chương trình đào tạo phù hợp với nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đặc biệt là các ngành lĩnh vực STEM đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chuyển đổi số quốc gia, nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
Phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, liên lĩnh vực, chuyển đổi số và phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế, trong đó một số ngành tham gia đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao có vai trò định hướng, dẫn dắt chung ở phạm vi quốc gia; Thiết kế các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nhằm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo;
Phát triển các phương thức đào tạo trên nền tảng dạy và học trực tuyến; Tổ chức dạy học theo hướng cá thể hóa người học; Thúc đẩy tinh thần tự học; hình thành năng lực khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của người học; Phát triển học liệu học tập, không gian học tập và môi trường học tập thuận lợi cho người học.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ thực hiện kiểm định chất lượng CTĐT theo các chuẩn quốc tế uy tín như ABET, FIBAA
Thứ hai: Tạo dựng giá trị bền vững để mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên phạm vi quốc tế. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ có chuyên môn sâu về lĩnh vực được đào tạo, năng lực phát hiện và giải quyết được các vấn đề phức tạp thuộc lĩnh vực chuyên môn, mà còn có năng lực tư duy sáng tạo, khả năng điều chỉnh, thích nghi với môi trường toàn cầu hóa.
Kiểm định chất lượng CTĐT theo các chuẩn quốc tế uy tín như ABET, FIBAA; Tham gia các bảng xếp hạng đại học uy tín trong và ngoài nước.
Xây dựng quan hệ đối tác với các trường đại học hàng đầu trên thế giới, tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên. Tăng cường thu hút sinh viên quốc tế thông qua các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.
Thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ các dự án nghiên cứu và đổi mới của giảng viên, sinh viên.
Tăng cường vai trò của nhà trường trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững.
Thứ ba: Triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW, đổi mới quản trị đại học, thực hiện cơ chế tự chủ trong các hoạt động tài chính, quản lý nhân sự và hợp tác quốc tế theo tinh thần của nghị quyết. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, gắn liền với các nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội.
Tăng cường mối liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với chiến lược đúng đắn và cam kết thực hiện mạnh mẽ, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có thể trở thành một sơ sở giáo dục và nghiên cứu hàng đầu, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước, đồng thời khẳng định vị thế trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân
Thứ Bảy, 10:36 01/02/2025
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội