[Dân Việt] Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nói về lý do mở thêm ngành "khát" nhân lực, chỉ có 1% trường đào tạo
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến một số điểm mới trong tuyển sinh đại học chính quy năm 2023.
Ngày 14/2, trao đổi với PV báo Dân Việt, TS. Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, năm 2023, trường dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 51 ngành/chương trình đào tạo (tăng 380 chỉ tiêu so với năm 2022).
Về phương thức tuyển sinh năm 2023, nhà trường giữ ổn định như 2022, gồm 6 phương thức: xét tuyển thẳng; xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế (chỉ tiêu dự kiến 5%); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (chỉ tiêu dự kiến 65%); xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học THPT (chỉ tiêu dự kiến 15%); xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2023 (chỉ tiêu dự kiến 5%) và xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2023 (chỉ tiêu dự kiến 10%).
Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong đề án tuyển sinh đại học năm 2023 (dự kiến trước 15/3).
Về học bổng, năm 2023, nhà trường tiếp tục cấp khoảng 10 tỷ đồng học bổng cho sinh viên có kết quả đầu vào xuất sắc và sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.
Năm nay, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tiếp tục mở mới các ngành/chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là các chương trình công nghệ, kỹ thuật: Năng lượng tái tạo; Kỹ thuật sản xuất thông minh; Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh; Kỹ thuật cơ khí động.
Chia sẻ về lý do mở thêm những ngành này, TS. Thân Thanh Sơn cho hay, chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo được mở nhằm đáp ứng nhu cầu cao về nguồn nhân lực. Cụ thể hiện năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27% cơ cấu nguồn điện của Việt Nam, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII và Nghị quyết 55-NQ/TW thời gian tới năng lượng tái tạo tiếp tục tăng trưởng cao. Do vậy nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực cho thị trường lao động cho lĩnh vực này.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh thêm một số ngành mới. Ảnh: NTCC
Trong khi đó, hiện nay việc đào tạo lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Với khoảng 460 trường đại học và cao đẳng nhưng những trường tham gia đào tạo nhân lực cho chuyên ngành năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1%. Sau khi tốt nghiệp, người học có khả năng làm việc các vị trí tại: Công ty truyền tải điện, đơn vị điều độ hệ thống điện; các đơn vị quản lý liên quan đến năng lượng, điện lực, đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công, giám sát trong ngành kỹ thuật điện và lĩnh vực Năng lượng tái tạo.
Tương tự như vậy, đối với chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh, việc mở thêm chương trình đào tạo mới này nhằm đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ của thực tiễn sản xuất. Kết quả khảo sát của Nhà trường cho thấy: "Các doanh nghiệp hiện đang có nhu cầu cao về nhân lực làm việc có chuyên môn về kỹ thuật sản xuất thông minh, với 90% các doanh nghiệp đều nhận định nguồn nhân lực về kỹ thuật sản xuất thông minh là rất cần thiết, 10% các doanh nghiệp cho rằng nhân lực kỹ thuật sản xuất thông minh là cần thiết".
Đối với chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh, sinh viên tốt nghiệp sẽ đảm nhiệm tốt được các công việc liên quan như: Thiết kế và tích hợp các thiết bị hiện trường, robot, các thiết bị đo, điều khiển thành hệ thống sản xuất tự động linh hoạt và thông minh (tích hợp hệ thống tự động); quản lý và vận hành quá trình sản xuất, quản lý vận hành hệ thống và quản lý thiết bị tự động trong các nhà máy; tư vấn thiết kế và giám sát các lắp đặt các hệ thống sản xuất thông minh; bảo trì các thiết bị, các hệ thống tự động và các robot trong nhà máy thông minh.
Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhu cầu nhân lực về các thiết kế, điều khiển, giám sát của các hệ thống điện tử thông minh và mạng internet rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế. Kết quả khảo sát từ doanh nghiệp, người học và chuyên gia cho thấy rằng hiện đang có nhu cầu nhân lực lĩnh vực điện tử y sinh lên đến 76,9%. Sinh viên tốt nghiệp, có thể đảm nhiệm các vị trí việc làm trong các tổ chức, doanh nghiệp: cán bộ tư vấn, giám sát, lập dự án, thiết kế, chế tạo phần cứng và phần mềm cho các sản phẩm điện tử, điện tử y sinh; cán bộ kỹ thuật lắp đặt, chuyển giao công nghệ, quản lý vận hành, sửa chữa, bảo trì, cải tiến các hệ thống điện tử, điện tử y sinh.
Nguồn: Báo Dân Việt
Thứ Ba, 15:45 14/02/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội