[danviet] Ngành học hot không bao giờ sợ bị thất sủng, lương hấp dẫn, lại có cơ hội thăng tiến cao
Ngôn ngữ học là ngành không bao giờ bị thất sủng bởi công nghệ không thể thay thế được ngành này. Nhiều thí sinh quan tâm tới ngành học hot này với mức lương hấp dẫn, cơ hội việc làm và thăng tiến cao.
Ngành Ngôn ngữ học: Cơ hội việc làm cao
Theo thông tin từ Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, PGS.TS. Lê Thị Lan Anh, Trưởng Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Trường Ngoại ngữ - Du lịch cho biết, sinh viên ngành Ngôn ngữ học ngoài những môn học kiến thức giáo dục đại cương sinh viên sẽ được học, nghiên cứu những kiến thức cơ sở khối ngành, cơ sở ngành và chuyên ngành liên quan tới Ngôn ngữ học theo định hướng ứng dụng như: Nhập môn Ngôn ngữ học ứng dụng, Ngôn ngữ truyền thông và tiếp thị; Ngôn ngữ học Ngữ liệu, Ngôn ngữ học và thực hành báo chí, Âm ngữ trị liệu…
Hiện nay, một số sinh viên đang nhầm lẫn ngành Ngôn ngữ học với các ngành ngôn ngữ khác như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Nhật. Tuy nhiên, Ngôn ngữ học là ngành học khái quát, với hệ thống các khái niệm, các phương pháp nghiên cứu và ứng dụng tập trung vào đối tượng tiếng Việt, một số ngôn ngữ khác có thể được dẫn ra để so sánh, đối chiếu, làm rõ tính riêng biệt hay phổ quát của khái niệm, hiện tượng. Còn các ngành học như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Nhật sinh viên sẽ được học chuyên sâu về ngôn ngữ và văn hóa của đất nước đó.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng - Trưởng khoa Ngôn ngữ ứng dụng, Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, Ngôn ngữ không phải bây giờ mới "hot" mà "hot" từ ngày xưa.
"Nếu không có ngôn ngữ thì sao? Ngôn ngữ để giao tiếp với nhau, giao tiếp với cộng đồng, thậm chí giao tiếp với chính mình. Một con người sống được là nhờ ngôn ngữ. Chính vì vậy, ngôn ngữ là vô cùng quan trọng…", TS Nguyễn Việt Hùng cho hay.
Một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều học sinh lựa chọn đăng ký theo học ngành Ngôn ngữ đó chính là cơ hội việc làm cao. Những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đang tăng cường đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhờ đó mà học ngành này có nhiều lợi thế hơn các ngành khác.
Trường ĐH KHXHNV TP.HCM tham gia tư vấn tuyển sinh cho thí sinh tại Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn/hcmussh
Mức lương ngành Ngôn ngữ học
Theo thông tin từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để có thể làm việc ở nhiều cơ quan, tổ chức trong các lĩnh vực công việc như:
Lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học: Cử nhân Ngôn ngữ học có thể học lên bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học để trở thành nhà nghiên cứu chuyên ngành hay liên ngành ở các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông đại chúng: Biên tập báo, biên tập website; viết tin, bài; xây dựng kịch bản truyền hình; làm phóng sự truyền hình; viết nội dung phim tài liệu; sáng tác kịch bản phim; chuyển thể kịch bản phim; viết lời thoại; dẫn chương trình…
Lĩnh vực biên tập, xuất bản, dịch thuật: Biên tập sách, báo, tạp chí; làm các công tác xuất bản; công tác biên phiên dịch; tham gia các hoạt động biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo.
Lĩnh vực quản lý hành chính văn phòng: Kiến thức ngôn ngữ học có thể tạo điều kiện cho sinh viên ra trường tham gia làm các công việc hành chính, quản trị văn phòng, quản lý hệ thống văn bản.
Lĩnh vực phê bình, sáng tác văn học, nghệ thuật: Kiến thức ngôn ngữ học và văn học giúp sinh viên ra trường có thể hoàn toàn độc lập trong sáng tác văn chương, sáng tác ca từ nhạc; phê bình văn học; phê bình nghệ thuật; tham gia hoạt động liên quan đến sáng tạo nghệ thuật ngôn từ.
Lĩnh vực lưu trữ, thư viện, trung tâm từ điển: Sinh viên ra trường có thể làm việc tại các trung tâm lưu trữ thông tin, dữ liệu; làm việc tại các thư viện, các trung tâm xử lý thông tin ngôn ngữ, tham gia biên soạn từ điển và kim từ điển.
Lĩnh vực giảng dạy, đào tạo: Kiến thức nền tảng về ngôn ngữ học và các kiến thức giáo dục học bổ sung là cơ sở vững chắc cho sinh viên ngành Ngôn ngữ học sau khi ra trường có thể tham gia vào công việc giảng dạy và đào tạo ngành Ngữ văn tại các trường và trung tâm đào tạo.
Ngoài ra, nếu kết hợp được với các kiến thức bổ sung cộng với kỹ năng nghề nghiệp, cử nhân Ngôn ngữ học có thể tham gia hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực như:
Lĩnh vực quan hệ công chúng, ngoại giao: Làm các công việc liên quan đến quảng cáo, tiếp thị, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện; công tác đối ngoại, ngoại giao.
Lĩnh vực bệnh lý liên quan đến tâm lý ngôn ngữ: Tham gia vào công tác nghiên cứu và điều trị các bệnh lý về năng lực ngôn ngữ hay tâm lý ngôn ngữ
Lĩnh vực công nghệ thông tin liên quan đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên: Tham gia vào các dự án xử lý ngôn ngữ tự nhiên như dịch tự động; xây dựng lời nói nhân tạo; phân tích văn bản tự động; sửa lỗi chính tả tự động; phân tích ngôn ngữ tội phạm.
Lĩnh vực quản lý nhà nước: Kiến thức vĩ mô về ngôn ngữ học cung cấp cho người học những nền tảng trong các công việc quản lý nhà nước liên quan đến xây dựng chính sách ngôn ngữ, chính sách dân tộc, phát triển văn hoá xã hội; bảo tồn văn hoá phi vật chất, bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá dân tộc.
Theo thông tin từ Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau với mức lương khởi điểm từ 10 triệu đồng hoặc có thể cao hơn khi làm việc tại các cơ quan/doanh nghiệp ứng dụng ngôn ngữ học.
Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên ngành Ngôn ngữ học đã được gặp gỡ, tiếp xúc, tích lũy kinh nghiệm với các diễn giả khách mời tới từ Nhà xuất bản, tòa soạn báo chí, trung tâm Công nghệ thông tin, trung tâm trị liệu ngôn ngữ, các Viện nghiên cứu về ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam…); Sở khoa học công Nghệ, Sở Văn hoá Thông tin ở các địa phương; cơ sở giáo dục các cấp,... để hiểu rõ hơn vai trò cũng như cơ hội thực tập, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến sau khi tốt nghiệp.
Nguồn: Báo điện tử Dân Việt
Thứ Năm, 10:13 16/05/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội