[doanhnhantrevietnam] Phát triển công nghiệp bán dẫn: Cần phải đi đều chân
(DNTO) - Trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam mới đang tập trung vào thiết kế và phát triển IC vi mạch. Rất nhiều lĩnh vực khác như chế tạo linh kiện điện tử hay vật liệu bán dẫn rất tiềm năng, Việt Nam có thể làm được nhưng vẫn chưa được quan tâm.
Việt Nam cần tận dụng tối đa tiềm năng hiện có để phát triển công nghiệp bán dẫn thay vì bỏ lỡ như giai đoạn trước. Ảnh: T.L.
Không thể lỡ nhịp như 20 năm trước
Trong hội thảo về tiềm năng xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, các chuyên gia thừa nhận Việt Nam đã bỏ lỡ 2 làn sóng phát triển công nghiệp bán dẫn từ những năm 2000 cho tới nay. Vì vậy, với làn sóng công nghiệp bán dẫn hiện nay, chúng ta không thể tiếp tục bỏ lỡ.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, cố vấn trưởng tại PVA Tech; Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, trong phát triển công nghiệp bán dẫn có 4 thành tố: thiết kế và phát triển IC vi mạch (IC design), chế tạo linh kiện điện tử, chế tạo máy móc để sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất vật liệu bán dẫn.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới chỉ đang tập trung phát triển IC design. Việc chế tạo máy móc để sản xuất linh kiện điện tử khá khó và chỉ dành cho các nước có nền công nghiệp hiện đại, phát triển, điển hình như khối G7. Còn chế tạo linh kiện điện tử và sản xuất vật liệu bán dẫn là những thành tố Việt Nam có thể làm được thì chưa được đề cập. Trong khi đó, công đoạn này rất quan trọng để phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử, trong đó có công nghiệp bán dẫn.
Ông Bình cho rằng đã đến lúc phải bàn lại về công nghiệp điện tử, bởi ta có 100 triệu dân nhưng hầu hết các thiết bị điện tử toàn đi mua, đi nhập thì rất lãng phí. Chúng ta phải làm thế nào sản xuất được, thay thế được những thiết bị chúng ta đang dùng của nước ngoài.
Hay việc sản xuất vật liệu bán dẫn, Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về trữ lượng đất hiếm. Như vậy, muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phải đi từ vật liệu sản xuất đi lên. Còn hiện nay, chúng ta chỉ đi từ khâu nghiên cứu, thiết kế và phát triển IC vi mạch, đương nhiên cũng tốt nhưng chỉ là một phần trong công nghiệp bán dẫn
“Việt Nam cần lưu ý phát triển công nghiệp bán dẫn phải phát triển đủ các thành tố trên, trừ thành tố thứ 3. Chúng ta đã đi thì phải đi đều chân, không phải thấy làm IC design nhàn, không phải đầu tư nhiều, chỉ cần mấy công ty như Synopsys cho đơn hàng và tay không bắt giặc là không được. Đã nghĩ đến công nghiệp bán dẫn thì phải nghĩ rộng hơn là công nghiệp điện tử. Nếu không cứ làm ra đó chờ người ta thuê mình thì lỡ cơ hội”, ông Bình nhấn mạnh.
Có thể làm việc nhỏ nhưng phải làm ngay
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn, được coi là "át chủ bài" trong phát triển công nghiệp bán dẫn nên cần có chiến lược đẩy mạnh phát triển vật liệu bán dẫn. Ảnh: T.L.
Trước câu hỏi với tiềm lực hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được gì, tham gia được khâu nào trong ngành bán dẫn, TS.Nguyễn Tiến Kiệm, Trưởng bộ môn Điện tử công nghiệp, Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết nếu cứ nghĩ Việt Nam làm một con IC hết 7-8 USD sẽ không cạnh tranh với IC của các nước khác chỉ 1 USD thì chúng ta sẽ không làm được gì. Quan trọng là phải tìm đầu ra cho IC.
Với Nhật, Mỹ, Hàn hay Đài Loan, Trung Quốc, các IC sản xuất ra trước hết phục vụ cho các doanh nghiệp của họ. Ví dụ IC của Samsung phục vụ cho chính sản phẩm điện tử của Samsung. Do đó, đầu tiên phải nghĩ tới việc sản xuất phục vụ cho chính mình, khi sản xuất dư thừa hoặc đạt đến trình độ cao mới nghĩ đến cho bên ngoài. Từ đó sẽ có phương án lựa chọn phân khúc sản xuất nào, đầu ra ra sao, đâu là nơi hấp thụ các sản phẩm đó. Vấn đề này không chỉ nằm ở phía doanh nghiệp, mà còn nằm ở cả chính sách.
“Ví dụ như Vinfast sắp tới phát triển và cần IC gì thì ngành sản xuất cần tập trung vào phân khúc đó. Vấn đề này liên quan đến chính sách vì IC sản xuất ra phải có nơi hấp thụ vì bước đầu chập chững sản xuất IC chắc chắn không thể bán cho hãng lớn được. Chúng ta tập trung vào phân khúc nhỏ như IC phục vụ cho quạt, đèn, tivi, bếp từ hay các hãng sản xuất thiết bị dân dụng trong nước như Sunhouse... vì hiện tại các sản phẩm này đều phải nhập linh kiện Trung Quốc. Có thể ban đầu phải chấp nhận lỗ nhưng phải có bước đầu mới có những bước tiếp theo”, ông Kiệm nói.
Chia sẻ về “ngách” của thị trường mà doanh nghiệp Việt có thể tham gia, GS.TS Nguyễn Đức Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Vật liệu Đại học Bách khoa Hà Nội, lấy ví dụ từ Hà Lan, họ có một sáng kiến về buồng kín để chống nhiễm bụi phiến wafer bán dẫn khi chuyển từ điểm A sang điểm B. Họ bơm khí trơ vào đó và giữ cho phiến wafe có thể vận chuyển. Hiện nay hầu hết các nhà máy sản xuất đều phải dùng, đó là sáng chế nhỏ nhưng hữu ích.
“Chúng ta hãy nhìn những thứ có thể là phụ trợ, rất nhỏ nhưng có thể tham gia vào đó thì cơ hội cũng rất lớn. Khi các công ty nhỏ đủ lớn thì lúc đó có thể hình thành mạng lưới sản xuất”, ông Hòa gợi ý.
Nguồn: Tạp chí Doanh nhân trẻ
Thứ Tư, 17:17 31/07/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội