[giaoduc] Nhiều GS, PGS sẽ nâng cao vị thế của trường đại học, cớ sao lại khống chế 20%

GDVN - Theo TS Phan Minh Đức nhà trường cần có quy định, chế tài trong trường hợp viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hạng đang giữ.

Thông tư 13/2022/TT-BNV và Công văn số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quy định:

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2):

Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4):

Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.

Nhiều ý kiến cho rằng việc giới hạn % chức danh nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học khiến các trường gặp khó khăn trong việc thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là giáo sư, phó giáo sư. Đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ lương của người lao động nếu đủ điều kiện xét thăng hạng nhưng vì đơn vị đã bổ nhiệm đủ % theo quy định nên không thể nâng hạng.

Tăng cường đánh giá viên chức hàng năm, trả lương theo vị trí việc làm

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc Bộ Nội vụ khống chế tỷ lệ chuyên viên cao cấp ở các đơn vị sự nghiệp công lập là điều hết sức bình thường, theo đúng quy định. Điều này cũng đảm bảo cân đối chung với quỹ lương toàn quốc. Với các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài các vị trí quản lý thì đội ngũ chuyên viên cao cấp không cần quá lớn.

Tuy nhiên, với trường đại học lại có những đặc thù riêng. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh nghề nghiệp trong trường đại học (tương đương hạng I). Trường đại học có nhiều giáo sư, phó giáo sư sẽ góp phần nâng cao uy tín của trường.

Sở hữu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đông đảo sẽ giúp các trường mở rộng quy mô đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhất là với trình độ sau đại học. Như vậy, việc giới hạn tỷ lệ % giảng viên chức danh nghề nghiệp hạng I khi áp dụng vào các trường đại học lại dẫn đến sự khập khiễng.

[giaoduc] Nhiều GS, PGS sẽ nâng cao vị thế của trường đại học, cớ sao lại khống chế 20%

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Các trường đại học đa phần đều hướng đến tự chủ tài chính, tự cân đối việc trả lương. Đồng thời mức lương cũng đi theo một con đường khác hoàn toàn, hướng tới trả lương theo vị trí việc làm mà không cần thiết phải bị khống chế bởi một tỷ lệ nào.

“Kể cả các trường có 100% giảng viên là giáo sư, phó giáo sư khi đã tự chủ tài chính thì vẫn phải cân đối trả lương như thế nào cho phù hợp tùy thuộc vào đóng góp của người lao động.

Do đó, Bộ nội vụ chỉ nên khống chế tỷ lệ 20% với công chức nhà nước và nên đưa ra phương án loại trừ với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu trong đó có các trường đại học.

Quan trọng nhất là trường đại học cần được quyền bổ nhiệm giáo sư và phó giáo sư theo nhu cầu. Nhu cầu ở đây là trên cơ sở phát triển ngành, phù hợp với quỹ lương của đơn vị và nhu cầu phát triển nghiên cứu khoa học của trường”, thầy Trung nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng đối với giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp được xếp chức danh nghề nghiệp hạng I. Trường hợp nhà trường đã bổ nhiệm đủ 20% giảng viên hạng I, đội ngũ này sẽ có bất lợi là không được xét thăng hạng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi về chế độ lương, mất động lực phấn đấu.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Minh Đức - Chủ tịch hội đồng đại học - Đại học Đà Nẵng bày tỏ:

Trong trường hợp nhà trường đã bổ nhiệm đủ 20% giảng viên hạng I, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư sẽ có bất lợi là không được xét thăng hạng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi về chế độ lương, mất động lực phấn đấu. Để đảm bảo công bằng đối với đội ngũ giảng viên, các cơ sở giáo dục cần:

“Thứ nhất, nhà trường cần tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư: “Nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là 5 năm. Kết thúc nhiệm kỳ, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học tổ chức rà soát, đánh giá theo các quy định về cơ cấu vị trí, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư để quyết định việc bổ nhiệm lại”; "Sau khi được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư được xem xét, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng I".

Hai là, nhà trường cần tăng cường đảm bảo công tác đánh giá viên chức hàng năm theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp đang giữ, cần có quy định, chế tài trong trường hợp viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hạng đang giữ. Việc này, sẽ tạo ra môi trường phấn đấu của cán bộ viên chức để giữ hạng, đồng thời những viên chức giữ hạng thấp cũng có cơ hội được thăng hạng cao hơn”, thầy Đức nêu quan điểm.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng: Trong xu hướng tự chủ đại học thì vấn đề quan trọng nhất là chi trả lương cho giảng viên. Mỗi trường cần căn cứ vào tình hình thực tiễn để đảm bảo phù hợp với quy định. Thực tế, trường nào càng có đông đội ngũ giáo sư, phó giáo sư thì càng khẳng định được uy tín và vị thế của mình. Nhưng hiện tại, đội ngũ này ở các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn khiêm tốn.

“Các trường hiện nay đa phần đều thiếu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư rất nhiều. Nhiều trường đại học tự chủ cũng chưa đáp ứng được đến ngưỡng 20%. Hiện cũng chỉ có một vài trường vượt được ngưỡng này còn lại đại đa số các trường vẫn phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được”, thầy Quân bày tỏ.

[giaoduc] Nhiều GS, PGS sẽ nâng cao vị thế của trường đại học, cớ sao lại khống chế 20%

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Tuy nhiên, theo thầy Quân, con số cụ thể như thế nào cũng phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng trường. Năng lực nghiên cứu của từng trường khác nhau. Ví dụ các trường đi theo hướng nghiên cứu thì số lượng giáo sư, phó giáo sư sẽ đông đảo hơn, còn những trường mới hoặc các trường chỉ đào tạo đại học, không đào tạo sau đại học thì chỉ số đó vẫn khiêm tốn và không bị ảnh hưởng bởi quy định khống chế 20% giảng viên.

Nên quy định chức danh nghề nghiệp tương đương với trình độ khoa học

Bên cạnh đó, hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp đều áp dụng chức danh nghề nghiệp hạng I có hệ số lương 6.2 - 8.0. Trong khi điều kiện, tiêu chuẩn để xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư tương đối khắt khe hơn so với thăng hạng lên giảng viên cao cấp. Nhiều thầy cô thay vì lựa chọn phấn đấu để được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư lại rẽ ngang phấn đấu trở thành giảng viên cao cấp để được hưởng cùng một ngạch lương.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: "Các trường tự chủ có quyền không bổ nhiệm giảng viên cao cấp. Nhưng nếu giảng viên có nhu cầu, nguyện vọng mà nhà trường không bổ nhiệm thì cũng rất khó khăn cho các trường đại học. Bởi nâng hạng chức danh nghề nghiệp còn liên quan trực tiếp đến chế độ lương.

Tiêu chuẩn trở thành giảng viên cao cấp thấp hơn phó giáo sư, giáo sư khá nhiều. Nhưng theo tôi không nên phấn đấu theo hướng đi tắt lên giảng viên cao cấp như vậy. Căn cứ vào tình hình thực tế, theo tôi nên quy định chức danh nghề nghiệp tương đương với trình độ khoa học.

Ví dụ, giảng viên nào đã là tiến sĩ thì cũng được công nhận là giảng viên chính. Tương tự, giáo sư, phó giáo sư sẽ được công nhận là giảng viên cao cấp. Như vậy ngạch của đại học sẽ là tiến sĩ tương đương với giảng viên chính; giáo sư, phó giáo sư tương đương với giảng viên cao cấp chứ không nên tổ chức kỳ thi để thạc sĩ là giảng viên chính hay tiến sĩ là giảng viên cao cấp. Điều này cũng đảm bảo sự phù hợp với thực tế học thuật.

Tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả thầy cô đều phấn đấu theo hướng được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tương đương với giảng viên cao cấp chứ không rẽ ngang phấn đấu lên làm giảng viên cao cấp để nâng ngạch”.

Cùng bàn về vấn đề này, Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bày tỏ: Việc giảng viên phấn đấu để đạt được chức danh giáo sư, phó giáo sư về chuyên môn tương đối khó khăn, nhiều người lại có xu hướng theo kiểu “sống lâu lên lão làng” bởi để phấn đấu đạt mức lương từ 6.2 trở lên không phải đơn giản nếu xét về chuyên môn.

“Theo quan điểm của tôi nên phấn đấu theo hướng làm khoa học thì vừa có lợi về khoa học cho đất nước, vừa được hưởng mức lương cao. Không chỉ trong nước mà còn tạo danh tiếng quốc tế với các bài báo khoa học. Bởi muốn làm giáo sư, phó giáo sư phải đáp ứng tiêu chuẩn bài báo quốc tế. Khi đó cũng nâng cao uy tín của nhà trường với quốc tế”, thầy Quân bày tỏ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Minh Đức cho rằng: “Mỗi người đều có lựa chọn cho mình hình thức phấn đấu phù hợp. Tại Đại học Đà Nẵng, phần lớn giảng viên cao cấp đều là giáo sư, phó giáo sư. Cụ thể, trường có 133 giảng viên cao cấp, trong đó có 126 giáo sư, phó giáo sư. Qua đó, có thể thấy đại đa số giảng viên được công nhận chức danh nghề nghiệp hạng I sau khi đã được công nhận giáo sư, phó giáo sư”, thầy Đức thông tin thêm.

[giaoduc] Nhiều GS, PGS sẽ nâng cao vị thế của trường đại học, cớ sao lại khống chế 20%

Tiến sĩ Phan Minh Đức - Chủ tịch hội đồng đại học - Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: website Đại học Đà Nẵng)

Ngoài ra, Chủ tịch hội đồng đại học, Đại học Đà Nẵng cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền cần có văn bản quy định cụ thể hơn về việc xét thăng hạng giảng viên để các cơ sở giáo dục đại học dễ triển khai thực hiện.

Nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

  • Thứ Năm, 07:23 07/03/2024

Tags:

Các bài đã đăng

[songtre] Nâng cao kỹ năng chụp tại Workshop 'Góc nhìn qua lăng kính máy ảnh'

[songtre] Nâng cao kỹ năng chụp tại Workshop 'Góc nhìn qua lăng kính máy ảnh'

Thứ Tư, 22:41 20/11/2024
[congthuong] Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Sẵn sàng đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

[congthuong] Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Sẵn sàng đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Thứ Tư, 14:43 20/11/2024
[giaoduc] ĐBQH kiến nghị giải pháp thu hút, phát triển nhân lực các ngành công nghệ cao

[giaoduc] ĐBQH kiến nghị giải pháp thu hút, phát triển nhân lực các ngành công nghệ cao

Thứ Ba, 09:11 19/11/2024
[qdnd] Những đường may “nối dài” ước mơ cho người khuyết tật

[qdnd] Những đường may “nối dài” ước mơ cho người khuyết tật

Thứ Hai, 18:29 18/11/2024
[doanhnghiepcuocsong] Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

[doanhnghiepcuocsong] Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Thứ Hai, 13:21 18/11/2024
[giaoducthoidai] Tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế: Để xứng với 'đồng tiền, bát gạo'?

[giaoducthoidai] Tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế: Để xứng với 'đồng tiền, bát gạo'?

Thứ Năm, 07:19 07/03/2024
[khcncongthuong] HaUI - Firi: Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và công nghệ sinh học.

[khcncongthuong] HaUI - Firi: Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và công nghệ sinh học.

Thứ Tư, 16:23 06/03/2024
[giaoducthoidai] Tuyển sinh 2024: Chủ động thông tin sớm

[giaoducthoidai] Tuyển sinh 2024: Chủ động thông tin sớm

Thứ Tư, 11:22 06/03/2024
[giaoduc] Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có cơ hội thăng tiến cao

[giaoduc] Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có cơ hội thăng tiến cao

Thứ Tư, 07:58 06/03/2024
[nguoiduatin] Theo học nhóm ngành kỹ thuật, sinh viên cần có những tố chất gì?

[nguoiduatin] Theo học nhóm ngành kỹ thuật, sinh viên cần có những tố chất gì?

Chủ Nhật, 12:38 03/03/2024

Tin tiêu điểm

Đoàn cán bộ Học viện Phát triển Giáo dục nghề CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường

Đoàn cán bộ Học viện Phát triển Giáo dục nghề CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường

Thứ Tư, 14:52 06/07/2022
Trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 đi đào tạo Sỹ quan dự bị

Trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 đi đào tạo Sỹ quan dự bị

Thứ Tư, 14:26 06/07/2022
Hội nghị Khoa học: Một số xu hướng mới về đào tạo, nghiên cứu trong kỹ thuật năng lượng, điện tử và tự động hóa

Hội nghị Khoa học: Một số xu hướng mới về đào tạo, nghiên cứu trong kỹ thuật năng lượng, điện tử và tự động hóa

Thứ Ba, 13:25 14/06/2022
[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Điện, Điện tử

[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Điện, Điện tử

Thứ Sáu, 19:15 03/06/2022
[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch & Khách sạn

[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch & Khách sạn

Thứ Năm, 19:20 02/06/2022