[giaoduc] Nhiều thuận lợi khi là trường ĐH đầu tiên đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh
GDVN - Việc tìm kiếm và đào tạo giảng viên, nhất là giảng viên giỏi đang là khó khăn đối với cơ sở duy nhất đào tạo ngành Kỹ thuật sản xuất thông minh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là cơ sở đầu tiên trong cả nước đào tạo ngành Kỹ thuật sản xuất thông minh. Chương trình đào tạo này được nhà trường đưa vào tuyển sinh từ năm 2023.
Bên cạnh những thuận lợi, việc chưa được nhiều người biết đến, khó khăn trong tuyển dụng giảng viên giỏi,... là những thách thức đối với chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Trọng Chưởng – Phó Trưởng khoa Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh thuộc ngành Điều khiển và tự động hóa, đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp sản xuất ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Bởi lẽ, một yêu cầu cấp thiết là sản phẩm phải được sản xuất nhanh và linh hoạt để tạo lợi thế cạnh tranh, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có hệ thống sản xuất thông minh và đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý kỹ thuật các hệ thống sản xuất cũng phải có đủ trình độ, kiến thức, kỹ năng cần thiết về các công nghệ hiện đại.
Học Kỹ thuật sản xuất thông minh có thể làm thiết kế, tích hợp hệ thống thông minh
Thầy Chưởng cho biết: "Trên thế giới, có nhiều trường đại học đào tạo về lĩnh vực công nghệ sản xuất thông minh. Còn ở Việt Nam, nhiều chương trình đào tạo trong một số trường cũng cập nhật những nội dung đáp ứng một phần liên quan đến sản xuất thông minh (ví dụ như: Điều khiển và tự động hóa, Cơ điện tử, Robot và trí tuệ nhân tạo,...). Tuy nhiên, chương trình đào tạo chuyên sâu về Kỹ thuật sản xuất thông minh của nhà trường là đầu tiên trong cả nước mang tính tích hợp và liên ngành.
Năm 2023, nhà trường bắt đầu tuyển sinh hệ đại học chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh với 40 chỉ tiêu (tỷ lệ tuyển sinh đạt 100%), điểm trúng tuyển là 20 điểm.
Năm 2024, nhà trường dự kiến sẽ tiếp tục tuyển sinh 50 chỉ tiêu đối với chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh".
Học sinh trung học phổ thông đến thăm quan Phòng điều khiển phân tán thuộc chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh. Ảnh: Thầy Chưởng cung cấp
Về chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh, thầy Chưởng cho biết, chương trình được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, mong muốn học của học sinh phổ thông, các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu.
Chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh ngoài cung cấp các kiến thức nền tảng như Toán học, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, tiếng Anh,… còn có kiến thức chuyên môn được chia thành 3 khối, gồm kiến thức cơ bản (về lĩnh vực kỹ thuật điện, cảm biến, điều khiển); kiến thức công nghệ cốt lõi (công nghệ về hệ thống sản xuất thông minh, công nghệ điều khiển, tích hợp, đặc biệt nhấn mạnh sự tích hợp hệ thống dựa trên các phần tử, các robot công nghiệp và tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định tích hợp); kiến thức và kỹ năng ứng dụng (xử lý dữ liệu thông minh, ứng dụng các phần mềm để thực hiện việc tích hợp hệ thống sản xuất thông minh, linh hoạt, quản trị các quá trình sản xuất,...). Nhờ đó, chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh có tính cập nhật cao, tính liên ngành và theo hướng ứng dụng.
Cũng theo Phó Trưởng khoa, sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo này có thể làm việc trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế, tích hợp các hệ thống thông minh, tích hợp hệ thống, quản lý vận hành, bảo trì và quản lý thiết bị thông minh trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất.
"Mức thu nhập khởi điểm của sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh có thể dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng (thường cao hơn so với một số ngành khác do tính chất chuyên sâu và ứng dụng của ngành). Tùy thuộc vào vị trí công việc, cấp bậc, kỹ năng và kinh nghiệm của mỗi cá nhân, mức thu nhập có thể dao động từ trung bình đến cao", thầy Chưởng thông tin.
Tuyển dụng giảng viên giỏi còn khó khăn
Là đơn vị đầu tiên của cả nước mở chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh, theo thầy Chưởng, chương trình có những thuận lợi nhất định.
Theo đó, hiện nay, nhu cầu nhân lực của lĩnh vực kỹ thuật sản xuất thông minh rất lớn, do đó, các doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ, tư vấn, tham gia xây dựng chương trình và đồng hành cùng nhà trường trong việc đào tạo, hỗ trợ sinh viên. Khoa có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại với nền tảng là trang thiết bị thực hành, thí nghiệm phục vụ đào tạo cơ bản và chuyên sâu của các ngành như: Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử; Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa,... sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu cho việc đào tạo nguồn nhân lực về kỹ thuật sản xuất thông minh.
Song, mặc dù chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển, nhưng cũng đòi hỏi sự đầu tư và nỗ lực để vượt qua những thách thức. Cụ thể, theo chia sẻ của thầy Chưởng, chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh đang phải đối mặt với một số khó khăn.
Thứ nhất, công tác tuyển sinh những năm đầu gặp khó khăn do chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh còn mới, chưa được nhiều thí sinh và phụ huynh biết đến.
Thứ hai, chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh thường phải đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ nên đòi hỏi phải cập nhật liên tục nội dung chương trình đào tạo để đảm bảo tính ứng dụng và sát với thực tiễn.
Thứ ba, khó khăn trong việc tìm kiếm và đào tạo giảng viên, nhất là giảng viên giỏi, có chuyên môn sâu về kỹ thuật sản xuất thông minh, bởi lĩnh vực này còn khá mới mẻ và đòi hỏi kiến thức chuyên sâu đối với người giảng dạy.
Cũng theo thầy Chưởng, hiện đội ngũ giảng viên của Khoa là các nhà khoa học có năng lực chuyên môn tốt, tâm huyết. Đặc biệt, giảng viên tham gia dạy chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh đã có nhiều nghiên cứu, công trình khoa học liên quan được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước; một số giảng viên có kinh nghiệm tham gia trực tiếp cung cấp giải pháp kỹ thuật cho các doanh nghiệp.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo của chương trình, trong thời gian qua, Khoa đã cử rất nhiều giảng viên tham gia khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ từ các hãng công nghệ lớn. Song song với việc nâng cao trình độ giảng viên, nhà trường cũng đang có chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công tác đào tạo.
"Muốn khắc phục những khó khăn, thu hút thí sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, theo tôi, điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần tập trung vào việc phát triển đội ngũ giảng viên và tăng cường cơ sở vật chất.
Trong đó, với công tác nhân sự phải đảm bảo rằng, giảng viên có kiến thức chuyên môn sâu và kỹ năng sư phạm tốt. Đồng thời, phải tạo cơ hội và nguồn lực để giảng viên tiếp tục nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức mới”, thầy Chưởng chia sẻ.
Ngoài tập trung tuyển dụng giảng viên, thầy Chưởng cho biết, việc xây dựng chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh cũng cần được linh hoạt và bám sát thực tế phát triển của ngành công nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động. Kết hợp giữa lý thuyết và thực hành/thí nghiệm để sinh viên áp dụng hiệu quả kiến thức vào thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thực hiện các hoạt động đánh giá định kỳ để đo lường chất lượng chương trình đào tạo. Dựa vào đó, Khoa có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh.
Nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam
Thứ Tư, 07:58 28/02/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội