[giaoduc] Tháo gỡ rào cản thể chế đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ
GDVN-Hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo, nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam.
Ngày 25/10, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Tháo gỡ rào cản thể chế đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ”.
Tham dự tọa đàm, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội; ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng ban Công tác Hội viên; ông Hoàng Dũng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số trực thuộc Hiệp hội.
Về phía câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cùng đại diện lãnh đạo của các trường đại học đã tự chủ trong cả nước.
Toàn cảnh tọa đàm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ cho biết, đây là hoạt động hằng năm theo kế hoạch của câu lạc bộ và năm 2024 tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ chia sẻ: “Tự chủ đại học là xu thế tất yếu của các trường đại học trên thế giới. Ở Việt Nam, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, những cải cách được thực hiện gần đây thể hiện một bước đi đúng hướng của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, đã mang lại nhiều giá trị tích cực cho phát triển đại học trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo; mở rộng hợp tác và nghiên cứu khoa học; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, kết quả còn chưa được như mong đợi, do có khoảng cách đáng kể giữa mục đích chính sách và việc triển khai thực tế của mỗi cơ sở giáo dục”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ phát biểu tại tọa đàm.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã tổng hợp các ý kiến của các trường tự chủ, về khó khăn, vướng mắc các cơ sở giáo dục đại học gặp phải trong quá trình triển khai tự chủ như vấn đề về thu hút giảng viên trình độ cao, nhất là giảng viên người nước ngoài; sử dụng, cho thuê tài sản công; định giá tài sản công; hợp tác công - tư, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài; cơ chế vay vốn ODA; vấn đề về chính sách thu thuế đối với cơ sở giáo dục; mở rộng tăng tín dụng cho sinh viên,…
Tại buổi tọa đàm, đã có rất nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi đến từ các nhà quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học, với những chia sẻ rất có giá trị. Theo đó, nhờ chính sách tự chủ, mà mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động. Hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số nút thắt, rào cản về thể chế cần được tháo gỡ để tự chủ mang lại giá trị thực chất.
Thực tế, hoạt động tự chủ đại học của các trường đại học công lập đang chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như: Luật Giáo dục; Luật Giáo dục đại học; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Xây dựng; Luật Đất đai; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Viên chức; các luật về thuế, tài chính và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.
Trong quá trình thực hiện, các trường đều nhận thấy rằng, dù đã có một số văn bản dưới luật “cởi trói” cho các trường được “thí điểm tự chủ”, nhưng do tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi luật, đặc biệt là Luật Giáo dục đại học; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… nên thực tế, các trường đại học tự chủ vẫn cho rằng, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường tự chủ; một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai.
Các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện tự chủ mong muốn, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, lấy ý kiến thực tiễn các trường để hoàn thiện, đồng bộ thể chế về giáo dục đào tạo, có cơ chế đầu tư cho giáo dục đại học.
Tiến sĩ Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm.
Nhiều đại biểu đồng thời nhấn mạnh, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về tự chủ đại học: “Tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư, mà là đầu tư theo các “kết quả đầu ra” mà cơ sở giáo dục cam kết với Nhà nước; đặc biệt là ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ với các ngành nghề khó xã hội hóa,…”.
Các đại biểu tham quan cơ sở 3 của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tại tỉnh Hà Nam.
Xem thêm một số hình ảnh về các đại biểu tại buổi tọa đàm:
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại toạ đàm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn (ở giữa) - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại toạ đàm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại phát biểu tại toạ đàm.
Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phát biểu tại toạ đàm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Giang - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại toạ đàm.
Nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam
Thứ Bảy, 07:19 26/10/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội