[khcncongthuong] Đại học Công nghiệp Hà Nội tạo dấu ấn mạnh mẽ với Hội thảo ICRMAT 2024
Ngày 09 – 10/8/2024, tại Đại học Công nghiệp Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Hội thảo quốc tế Nghiên cứu về Quản lý và Đổi mới công nghệ 2024 (ICRMAT 2024).
Hội thảo ICRMAT là diễn đàn thảo luận các nghiên cứu, đề án và ý tưởng trong những lĩnh vực quản lý và công nghệ như quản lý Marketing sáng tạo, quản trị chuyển đổi, chuyển đổi số doanh nghiệp, quản trị tài chính số, điều hành chuỗi cung ứng trong thời kỳ “bình thường mới,” truyền thông trong thời đại số.
Toàn cảnh Hội thảo ICRMAT 2024 (Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)
Năm 2024, Hội thảo được đồng tổ chức bởi Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Tài chính, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Công nghệ Đông Á. Đây là lần thứ 3, Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức với nhiều đổi mới và tạo hiệu ứng tốt trong giới học thuật, nhận được sự quan tâm của hơn 600 tác giả đến từ 62 trường đại học, học viện, doanh nghiệp của 9 quốc gia như: Vương quốc Anh, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Pháp, Canada, Iran, Nhật Bản.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi liên tục, giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế. Đổi mới về quản lý và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã bày tỏ vinh dự khi đăng cai tổ chức Hội thảo và gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhóm tác giả vì đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và công bố kết quả tại Hội thảo lần này.
PGS.TS.Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Đại học Công nghiệp Hà Nội)
PGS. TS Phạm Văn Đông cũng nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo ICRMAT 2024 không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là một cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh của Đại học Công Hà Nội, Học viện Tài chính, Trường Đại học Điện lực và Trường Đại học Công nghệ Đông Á đến với các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hội thảo đóng vai trò là cầu nối cho các nhà khoa học trong việc trao đổi tri thức và học thuật, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu. Lãnh đạo Đại học Công nghiệp Hà Nội kỳ vọng rằng hội thảo sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn để các cơ sở giáo dục đại học mở rộng hợp tác quốc tế và trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra nhiều diễn đàn thảo luận xoay quanh các đề án và ý tưởng trong lĩnh vực quản lý và công nghệ. Những phần tham luận đến từ các diễn giả uy tín trong lĩnh vực kinh tế và quản lý, cũng như các nhà khoa học từ các cơ sở đào tạo và chuyên gia/lãnh đạo từ doanh nghiệp trong và ngoài nước đã góp phần làm phong phú thêm nội dung hội thảo.
Hội thảo là cầu nối cho các nhà khoa học trao đổi tri thức, học thuật và gắn kết trong nghiên cứu (Ảnh: Đại học Công nghiệp Hà Nội)
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, diễn giả đặc biệt quan tâm tới nội dung trình bày của GS.TS. Nguyễn Đức Khương - Giám đốc Điều hành Trường Kinh doanh EMLV & Giám đốc Phát triển Quốc tế, Giáo dục Đại học De Vinci, Pháp với chủ đề: “Động lực chung của hàng hóa tương lai?”.
Bên cạnh đó, một số chủ đề diễn đàn nổi bật có thể kế đến như chủ đề “ESG - mô hình mới về định giá doanh nghiệp” của PGS.TS Kanitsorn Terdpaopong, Đại học Rangsit, Thái Lan; báo cáo “Chuyển đổi kép và ý nghĩa đối với quản trị” của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Việt Nam; chủ đề “Cân bằng giữa hiệu suất và đạo đức: Định hướng áp dụng AI trong ngành kiểm toán” của GS.TS.Nguyễn Tâm, Đại học Nottingham Trent, Vương quốc Anh.
Sau khi nghe xong phần trình bày của các diễn giả, các nhà nghiên cứu, các đại biểu đã tích cực tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến cho các đề tài nghiên cứu, từ đó giúp các tác giả có thể đi đến kết luận sâu hơn cho nghiên cứu.
Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương
Thứ Ba, 09:12 13/08/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội