[khcncongthuong] Hội nghị Khoa học công nghệ HaUI lần thứ VIII: Gợi mở các nghiên cứu về kinh tế số và đổi mới sáng tạo
Năm 2023 - 2024 được đánh giá là giai đoạn có sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) có nhiều nghiên cứu xuất sắc, mang tính ứng dụng cao. Đây là tiền đề để HaUI phát triển hoạt động khoa học công nghệ ở một tầm cao hơn, đóng góp làm thay đổi sâu sắc nền sản xuất và kinh tế Việt Nam theo hướng thông minh, hiệu quả, tạo động lực quan trọng phát triển nền kinh tế số.
Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học
Những năm gần đầy, HaUI quan tâm chú trọng đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ với các điều kiện và cơ chế để thực hiện các đề tài, dự án, các công trình khoa học, các sáng chế, giải pháp,…với chất lượng cao hơn, mạng lại giá trị cả về học thuật và tài chính cho cá nhân, tập thể.
Sau 8 lần tổ chức Hội nghị Khoa học HaUI, đã có hơn 1.200 bài báo được công bố. Trong đó, có hàng trăm bài báo được đăng trên các tạp chí uy tín, nhiều bài báo uy tín được xếp hạng xuất sắc trong danh mục ISI/ Scopus.
Đại biểu tham dự Hội nghị Khoa học HaUI lần thứ VIII
PGS.TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh: Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và đang quan tâm đầu tư đặc biệt cho đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia,…trong lĩnh vực khoa học công nghệ; Nhà trường khuyến khích các đề tài có đầu tư từ doanh nghiệp, có chuyển giao công nghệ, có đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, liên kết với các cơ quan, tổ chức để nghiên cứu và công bố các công trình khoa học cả trong nước và quốc tế
Kinh tế số và đổi mới sáng tạo
Phân tích bức tranh kinh tế trên Thế giới và Việt Nam, GS.TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia đã chia sẻ nhiều nội dung về kinh tế số - kinh tế xanh - đổi mới sáng tạo.
GS.TS. Trần Thọ Đạt chia sẻ về “Kinh tế số - kinh tế xanh - đổi mới sáng tạo”
Sự xuất hiện của kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm thay đổi bộ mặt, phương thức nghiên cứu truyền thống. Tuy nhiên, dưới sự tác động của khoa học công nghệ, kỹ thuật số, những nội dung và phương pháp nghiên cứu truyền thống đang gặp phải những thách thức. Đây là bài toán để các nhà khoa học tìm hướng nghiên cứu mới, những chủ đề mới, tránh sự lỗi thời, lạc hậu trong quá trình nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, trên các diễn đàn khoa học, các chuyên gia hàng đầu đã cho rằng: Thế kỷ 21 là thế kỷ chứng kiến sự kết hợp chưa từng có giữa công nghệ và kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển kinh tế rất chủ đạo.
GS.TS. Trần Thọ Đạt cũng đã gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới, hướng đến xu hướng toàn cầu về kinh tế số, kinh tế số - kinh tế xanh, kinh tế số và vấn đề đổi mới sáng tạo.
Hội nghị Khoa học HaUI lần thứ VIII có 90 báo cáo toàn văn, các báo cáo có chất lượng tốt sẽ được lựa chọn đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hội nghị được chia làm 08 phân ban với nội dung phong phú ở nhiều lĩnh vực Cơ khí, Ô tô, Công nghệ Hóa, Công nghệ May, Kinh tế, Quản trị Du lịch, Ngôn ngữ Anh-Tiếng Việt, Ngôn ngữ Trung Quốc.
Phân ban Cơ khí – Ô tô trao đổi sôi nổi các vấn đề về thực nghiệm hàn thép cacbon thấp CT38 bằng phương pháp hàn TIG, mô hình tự động điều khiển điều hòa ô tôn theo phương pháp nhận diện hình ảnh bằng camera hay mô phỏng va chạm khung xe ô tô và đánh giá không gian an toàn người lái
Phân ban Công nghệ Hóa chia sẻ các hoạt chất kháng viêm và chống oxi hóa in vitro của cao chiết từ cây dẻ trùng khánh hay sự biến đổi hàm lượng vitamin C trong quá trình bảo quản và chế biến ớt chuông,...
Phân ban Công nghệ May trao đổi về nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ mũi may và sức căng chỉ kim đến độ giãn nứt đường may 514 trên vải dệt kim; nghiên cứu thiết kế trang phục nữ giới từ vật liệu tái chế,...
Phân ban Kinh tế 1 trao đổi các vấn đề liên quan đến thuế suất thuế thu nhập của doanh nghiệp, quan hệ giữa chuyển đổi số và hiệu quả bán hàng cá nhân, năng lực đổi mới sáng tạo đến ý định khởi nghiệp của sinh viên
Phân ban Kinh tế 2 bàn về thị trường cho thuê tài chính, nhận diện thương hiệu, cấu trúc kiểm soát nội bộ, trải nghiệm mua sắm qua thương mại điện tử,...
Phân ban Quản trị du lịch trao đổi về xu hướng phát triển du lịch thông minh, thực hành xanh tại khách sạn, du lịch năng lượng,...
Phân ban Ngôn ngữ Anh – Tiếng Việt trao đổi về các vấn đề thời sự như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển chương trình học, cho đến việc giảm thiểu sự lo lắng của sinh viên năm thứ nhất trong các giờ học nói tiếng Anh,...
Phân ban Ngôn ngữ Trung Quốc bàn về phương pháp giảng dạy tiếng Trung Thương mại, trải nghiệm tiếng Trung cho đến nghiên cứu cơ cấu kinh tế Trung Quốc,...
Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương
Thứ Năm, 10:00 04/07/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội