[kinhtedothi] Các trường đại học chủ động điều chỉnh phương án tuyển sinh
Kinhtedothi – Mặc dù dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn trong giai đoạn góp ý trước khi chính thức ban hành nhưng nhiều cơ sở giáo dục đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025, trong đó có những điều chỉnh phù hợp với quy định tại dự thảo.
Bỏ xét tuyển học bạ, không xét tuyển sớm
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy dự kiến năm 2025.
Năm 2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ.
Năm 2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ.
Theo đó, nhà trường sử dụng 5 phương thức xét tuyển, gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT (không giới hạn chỉ tiêu); xét tuyển theo điểm chứng chỉ quốc tế/giải học sinh giỏi kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10, 11, 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 10%); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (chỉ tiêu dự kiến 80%); xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực năm 2025 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10, 11, 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 5%); xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy năm 2025 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10, 11, 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 5%).
Như vậy, so với năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bỏ phương thức xét tuyển chỉ dựa trên kết quả học tập ở bậc THPT, thay vào đó kết hợp kết quả học tập cả năm lớp 10, 11, 12 của các môn trong tổ hợp xét tuyển với điểm của các kỳ thi đánh giá khác.
Cùng với thay đổi trên, trường bổ sung một số tổ hợp xét tuyển có các môn mới theo chương trình giáo dục THPT 2018 như: A0C (toán, lý, công nghệ), A0T (toán, lý, tin), B0C (toán, hoá, công nghệ), D0C (toán, tiếng Anh, công nghệ), D0G (toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật).
Về tổ chức xét tuyển, nhà trường không xét tuyển sớm mà xét tuyển tất cả các phương thức theo kế hoạch xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm xét quy đổi tương đương, không phân biệt phương thức.
TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: nhà trường điều chỉnh phương thức tuyển sinh, bổ sung tổ hợp xét tuyển, tổ chức xét tuyển căn cứ vào 3 yếu tố: mục tiêu đào tạo của nhà trường, chương trình giáo dục THPT 2018 và dự thảo quy chế tuyển sinh 2025 của Bộ GD&ĐT.
Thay đổi này vừa có tính kế thừa các phương thức tuyển sinh đang sử dụng trong các năm gần đây, vừa sử dụng kết hợp được các kiến thức thí sinh đã tích lũy được theo chương trình giáo dục THPT 2018, đồng thời đáp ứng các điểm mới về tổ chức xét tuyển về phương thức và tổ hợp xét tuyển như dự thảo quy chế tuyển sinh 2025 của Bộ GD&ĐT.
Ngoài Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, năm 2025, nhiều cơ sở đào tạo cũng không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Y Hà Nội…
Cơ sở giáo dục và thí sinh cần chuẩn bị gì?
Tới đây, quy chế tuyển sinh chắc chắn sẽ có nhiều điều chỉnh; do đó, cơ sở đào tạo và thí sinh đều cần chủ động chuẩn bị, dự phòng các phương án cũng như tinh thần để thích ứng.
Học sinh lớp 12 nâng cao quyết tâm, hoàn thành tốt chương trình THPT.
Cô Nguyễn Ngọc Linh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: nhà trường và các thầy cô luôn căn dặn học sinh là phải tập trung học tốt đến hết lớp 12, nắm chắc kiến thức cơ bản để thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao nhất; tránh trường hợp chỉ mải ôn luyện IELTS hay các kỳ thi riêng mà sao nhãng chương trình chính khóa.
“Dù quy chế có thay đổi thế nào thì hiện kiến thức trong chương trình THPT vẫn có vai trò quyết định và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là nền tảng để có thể xét tuyển vào các trường đại học. Ngoài ra, nếu học sinh có mong muốn, dự định thi chứng chỉ hoặc tham dự kỳ thi riêng thì có thể chủ động sắp xếp thời gian để học và ôn luyện hiệu quả”, nhà giáo Nguyễn Ngọc Linh cho biết.
Về cơ bản, dự kiến phương án tuyển sinh 2025 của các nhà trường không có quá nhiều thay đổi đối với thí sinh. Các thí sinh vẫn sử dụng được các loại chứng chỉ, điểm đánh giá năng lực đã tích lũy được để xét tuyển. Tuy nhiều trường có xu hướng bỏ xét tuyển học bạ nhưng kết quả học tập 3 năm THPT vẫn rất có giá trị trong xét tuyển kết hợp (học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ; học bạ kết hợp kết quả kỳ thi riêng…). Rất có thể, kết quả xét tuyển sớm sẽ được công bố muộn hơn so với mọi năm, tức sau 31/5 nên việc tập trung học tốt đến hết lớp 12, thi tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đóng vai trò quyết định. Thí sinh cần ý thức rõ điều này để điều chỉnh tinh thần, kế hoạch, nâng cao quyết tâm học tập.
Tại dự thảo có quy định điểm xét tuyển của các phương thức phải quy đổi tương đương về một thang điểm thống nhất. Do vậy, các cơ sở giáo dục cần quan tâm cập nhật, nâng cấp hệ thống phần mềm đăng ký xét tuyển để thuận lợi cho thí sinh và đáp ứng đúng các quy định.
Theo Bộ GD&ĐT, dự thảo quy chế tuyển sinh chủ yếu tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay và được xây dựng trên cơ sở bảo đảm hài hoà giữa quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học. Những điều chỉnh trong dự thảo không hạn chế quyền tự chủ, đồng thời nâng cao chất lượng tuyển sinh và để giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
Nguồn: Báo điện tử Kinh tế & Đô thị
Thứ Năm, 12:31 19/12/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội