[laodong] Sai lầm của sĩ tử lớp 12 khi chọn ngành, nghề
Việc lựa chọn ngành học, trường học không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của mỗi học sinh. Để chọn đúng ngành học, trường học mình sẽ theo đuổi, học sinh cần xác định đúng đam mê, sở thích và năng lực thay vì chạy theo số đông hoặc chỉ nghe theo lời bạn bè...
Sinh viên một trường cao đẳng nghề tại Hà Nội. Ảnh: HẢI Nguyễn
1.001 lý do chọn ngành nghề của học sinh
Mùa tuyển sinh 2024 đang nóng dần lên. Các thí sinh dù bận rộn với việc ôn luyện kiến thức nhưng vẫn không khỏi trăn trở trong việc lựa chọn ngành học, trường học mình sẽ theo đuổi trong tương lai. Một số bạn xác định được ngành nghề theo sở thích, năng lực còn một số khác dự định chọn ngành theo định hướng của gia đình.
Phân vân giữa ngành tài chính của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và ngành Cảnh sát điều tra của Học viện Cảnh sát nhân dân, Trần Bằng Kiện (Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Tất Thành) quyết định nghe theo bố mẹ để lựa chọn nguyện vọng 1. "Dù chưa tới thời gian đăng ký nguyện vọng nhưng em nghĩ mình sẽ lựa chọn ngành theo định hướng của bố mẹ", Bằng Kiện cho biết.
Lê Anh Phương (Học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) cũng dự định lựa chọn trường theo định hướng của bố mẹ và anh trai: "Ở thời điểm hiện tại em đang dự định đăng ký ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Ngoại Thương. Trước hết là em dựa trên sở thích cũng như năng lực của bản thân. Tuy nhiên, em cũng có thêm sự định hướng của bố mẹ".
Còn Nguyễn Tấn Dũng (Học sinh lớp 12 Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) lựa chọn ngành nghề dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng của bản thân: "Em dự định đăng ký ngành Logistic cho nguyện vọng 1 của Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân. Theo tìm hiểu em thấy ngành này khá phù hợp với tính cách của em. Nói chung em chọn ngành theo sở thích kết hợp với sự tìm hiểu về xu hướng việc làm của ngành nghề đó".
Chọn ngành theo cảm tính là sai lầm
Với kinh nghiệm hướng nghiệp nhiều năm, thầy giáo Đinh Đức Hiền (Phó Hiệu Trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Bắc Giang) cho rằng, việc chọn sai ngành, nghề sẽ gây khó khăn trong quá trình học tập, thậm chí là gây lãng phí thời gian, tiền bạc công sức của các em và gia đình.
"Thực tế, hiện nay, các chương trình hướng nghiệp tại các trường THPT vẫn khá hạn chế. Tôi nghĩ một trong những sai lầm lớn nhất của các học sinh là để người khác quyết định tương lai nghề nghiệp của mình, không biết mình thích gì.
Tôi gặp không ít học sinh luôn hỏi bố mẹ, cô chú, thầy cô là mình phù hợp với ngành nghề gì. Bản chất của hướng nghiệp lại là tự hướng nghiệp, chỉ có các bạn mới hiểu bản thân mình nhất, rằng mình muốn làm gì, năng lực của mình như thế nào. Bên cạnh đó, những thông tin tuyển sinh bây giờ quá nhiều, tràn lan trên mạng xã hội cũng dễ khiến cho các học sinh khó chọn lọc và dẫn đến chọn sai.
Ngoài ra còn một số sai lầm khác cũng nhiều bạn mắc phải như chạy theo số đông, chọn trường chứ không chọn ngành...".
Theo TS. Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo của Đại học Công nghiệp Hà Nội, sai lầm phổ biến nhất của các học sinh khi lựa chọn ngành nghề là chạy theo ngành hot hoặc nghe theo bạn bè mà không phải ngành nghề phù hợp với sở trường và năng lực của bản thân.
TS Thân Thanh Sơn phân tích, học sinh khi quyết định đặt nguyện vọng nên dựa vào năng lực sở trường thông qua việc tự tìm hiểu bản thân hoặc hỏi ý kiến người thân để có thêm ý kiến tham khảo.
Bên cạnh đó, có thể dựa vào tính cách của bản thân để xác định xem phù hợp với công việc gì hoặc dựa vào tính chất, đặc thù của các ngành nghề cụ thể và các thông tin liên quan ngành nghề từ các trường đang đào tạo. Có thể tham khảo thêm về chương trình, chi phí học tập, điều kiện học tập của bản thân và gia đình...
“Việc chọn đúng ngành nghề có ý nghĩa rất quan trọng. Sinh viên chọn đúng ngành nghề yêu thích sẽ tích cực chủ động tìm trong việc nghiên cứu, tìm hiểu thông tin lên quan đến ngành nghề, có thêm quyết tâm và động lực để giành được kết quả học tập cao, có năng lực tốt để từ đó có lợi thế trong việc cạnh tranh vào vị trí việc làm phù hợp, môi trường làm việc tốt, thu nhập cao sau khi tốt nghiệp” - TS Thân Thanh Sơn nhắn nhủ.
Nguồn: Báo điện tử Lao Động
Thứ Hai, 10:31 06/05/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội