[laodong] Sinh viên IT tìm cách né làn sóng sa thải nhân sự công nghệ thông tin
Trước làn sóng sa thải nhân sự mạnh mẽ của ngành Công nghệ thông tin (IT), ngoài lo lắng, nhiều sinh viên theo học ngành IT buộc phải nâng cao kiến thức và học tập nhiều kỹ năng để đối mặt với sự biến động này.
Em Nguyễn Tiến Kiên - sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Thế Đại.
Sáng học tối đã lỗi thời
Theo báo cáo về lương và thị trường lao động 2024 được Navigos Group phát hành, tình hình thị trường lao động năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức. Những cú sốc và rủi ro toàn cầu như điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt; sức mua sụt giảm ở các thị trường xuất khẩu; xung đột chính trị; lạm phát; giá tăng…
Để đối phó với những thách thức trên, các giám đốc điều hành doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau đã sa thải gần nửa triệu nhân viên trên toàn thế giới; đặc biệt là ngành công nghệ thông tin có tỉ lệ sa thải lớn nhất, chiếm gần 1/3 tổng số nhân viên bị sa thải.
Trước làn sóng sa thải nhân sự ngành IT, em Nguyễn Tiến Kiên - sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, đào thải trong ngành công nghệ thông tin là do bản thân nhân sự không đáp ứng được mong muốn của nhà tuyển dụng.
“Một điều quan trọng là đặc thù kiến thức ngành công nghệ thông tin thay đổi liên tục. Có thể kiến thức học ở buổi sáng đến buổi tối đã lỗi thời. Do đó, việc cập nhật thông tin, kiến thức ứng dụng công nghệ mới, tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức ngày qua ngày là quan trọng nhất” - nam sinh chia sẻ.
Nguyễn Tiến Kiên cũng là thí sinh đạt giải nhất Nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin tại Kỳ thi Kỹ năng nghề TP. Hà Nội năm 2023. Trong vòng hơn 2 tháng đồng hành cùng các thầy cô vượt qua khó khăn trong kỳ thi, em đã nhận được kết quả xứng đáng.
Nam sinh tiết lộ, em phải thực hiện 4 phần thi liên tục. Yêu cầu chung của các phần thi là thiết kế ứng dụng phục vụ cho người dùng từ ứng dụng mobile và ứng dụng web... Trong mỗi ứng dụng, thí sinh cần áp dụng nhiều kiến thức trong mô hình phát triển và kết nối và quản lý cơ sở dữ liệu.
Nói về dự định tương lai, nam sinh cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi ngành công nghệ thông tin sau khi ra trường.
Nữ sinh Chu Thị Ngọc Thư – sinh viên lớp CD45 đồ hoạ 1, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Thế Đại.
Với nữ sinh Chu Thị Ngọc Thư – sinh viên lớp CD45 đồ hoạ 1, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, việc cập nhật kiến thức ngành IT càng khó khăn hơn nữa. Ngọc Thư phân tích, nam sinh theo học IT thường có tốc độ nhanh và chính xác hơn nữ sinh. Do đó, nếu việc thay đổi để thích nghi với ngành với nam sinh đã khó thì với nữ sinh càng khó hơn.
“Tương lai, ngành công nghệ thông tin là ngành không thể thiếu, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của con người. Do đó, tôi nghĩ rằng sinh viên ngành IT cần trau dồi bản thân ở nhiều kỹ năng khác nhau, không chỉ riêng ở ngành mình học và còn các kỹ năng liên quan khác trong ngành IT” - Ngọc Thư chia sẻ.
Thay đổi để thích nghi
Anh Nguyễn Đình Phong là Quản lý dự án của Công ty Cổ phần Phần mềm Đan Mạch. Anh từng làm hai công ty khởi nghiệp về lĩnh vực này trước khi đảm nhận vị trí hiện tại. Với kinh nghiệm trong ngành IT, anh Phong đã dự đoán trước được làn sóng sa thải nhân sự ngành này trong những năm gần đây.
Theo anh Phong, trước đây, các công ty khởi nghiệp ồ ạt tuyển dụng nhân sự để phục vụ cho những ý tưởng mới. Sau một thời gian, các doanh nghiệp này bắt đầu thoái trào, không chứng minh được giá trị sản phẩm. Một vài công ty nhận được khoản đầu tư lớn, nhưng sau đó phải chuyển đổi mô hình hoặc tiến hành chuyển nhượng.
Anh Phong cho hay, sau làn sóng sa thải, anh buộc phải học hỏi thêm để có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, sẵn sàng thay đổi tùy theo nhu cầu của nhà tuyển dụng. Công việc đòi hỏi sự linh hoạt, khả năng thay đổi, ứng biến theo từng dự án.
“Nhân sự ngành IT cần cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng thay đổi vị trí công việc. Mọi người nên chuẩn bị kỹ để sau làn sóng sa thải này, có thể tìm được cơ hội tốt và dễ dàng qua vòng phỏng vấn, xét tuyển của doanh nghiệp" - anh Phong chia sẻ.
Nguồn: Lao động
Thứ Bảy, 23:08 23/12/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội