[tapchigiaochuc] Đầu tư mạnh mẽ vào 18 trường đại học để phát triển công nghệ bán dẫn
TCGCVN - 18 trường đại học sẽ được ưu tiên phân bổ ngân sách để thành lập và nâng cấp các phòng thí nghiệm bán dẫn, nhằm tăng cường năng lực đào tạo và phát triển lĩnh vực này.
Chính phủ đã thông qua Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhằm thúc đẩy năng lực đào tạo tại 18 trường đại học công lập. Ngân sách sẽ được đầu tư vào việc hiện đại hóa phòng thí nghiệm bán dẫn thông qua trang thiết bị và phần mềm bản quyền, với danh sách trường có thể điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế.
Chương trình cũng đặt mục tiêu đào tạo 1.300 giảng viên từ các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để nâng cao chuyên môn sâu về công nghiệp bán dẫn. Đến năm 2050, các trường đại học sẽ được trang bị đầy đủ khả năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp này.
Danh sách 18 trường, học viện dự kiến được ưu tiên đầu tư, gồm:
TT | Trường |
1 | Đại học Quốc gia Hà Nội (trường Đại học Khoa học Tự nhiên) |
2 | Đại học Quốc gia TP HCM (trường Đại học Công nghệ Thông tin) |
3 | Đại học Đà Nẵng |
4 | Đại học Bách khoa Hà Nội |
5 | Đại học Thái Nguyên |
6 | Đại học Huế |
7 | Học viện Kỹ thuật Quân sự |
8 | Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông |
9 | Đại học Giao thông Vận tải |
10 | Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội |
11 | Đại học Công nghiệp Hà Nội |
12 | Đại học Vinh |
13 | Đại học Cần Thơ |
14 | Đại học Công nghiệp TP HCM |
15 | Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM |
16 | Đại học Việt-Đức |
17 | Đại học Điện lực |
18 | Học viện Kỹ thuật Mật mã |
Các trường này sẽ được trang bị hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn
Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, tập trung vào các lĩnh vực thiết kế, đóng gói và kiểm thử vi mạch, cũng như dần nắm bắt công nghệ sản xuất bán dẫn. Đến năm 2050, đội ngũ nhân lực này sẽ đủ mạnh để gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh việc đầu tư cho 18 trường đại học, Chính phủ sẽ xây dựng 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung tại hai đại học quốc gia, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và TP Đà Nẵng.
Ngoài ra, 6 nhóm nhiệm vụ chiến lược được triển khai để đạt mục tiêu gồm: hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức đào tạo, huy động nguồn lực, xây dựng hệ sinh thái, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, cùng các hoạt động truyền thông.
Phòng thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống Cao tần, trường Đại học Bách khoa TP HCM. ( Ảnh: HCMUT)
Hiện Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng trong ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn, với nhu cầu 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Theo dự báo của Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5% mỗi năm.
Nguồn: Tạp chí điện tử Giáo chức Việt Nam
Thứ Ba, 10:53 24/09/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội