[thanhnien] Trường đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ lo thiếu nguồn tuyển
Năm 2025, dù có thêm môn tin học và công nghệ trong số các môn khoa học tự nhiên để lựa chọn thi tốt nghiệp THPT nhưng xu hướng học sinh chọn môn khoa học xã hội vẫn cao.
Điều này khiến các trường ĐH đào tạo ngành kỹ thuật công nghệ rơi vào nỗi lo thiếu nguồn tuyển nếu như không có giải pháp phù hợp.
LO NGẠI KHÔNG TUYỂN ĐỦ SINH VIÊN CHẤT LƯỢNG
PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhận định số lượng thí sinh (TS) chọn môn khoa học tự nhiên (KHTN) thấp đang đặt ra thách thức lớn đối với các ngành kỹ thuật và công nghệ, trong đó có các lĩnh vực là thế mạnh của trường như vận tải, logistics và hàng hải.
"Những ngành này đòi hỏi năng lực tư duy logic, khả năng phân tích và ứng dụng toán học, vật lý - những năng lực thường được phát triển qua việc học và thi các môn KHTN. Số lượng TS nhóm này giảm có thể dẫn đến khó khăn trong việc tuyển đủ sinh viên chất lượng, từ đó ảnh hưởng đến chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành mũi nhọn của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh VN đang đẩy mạnh phát triển logistics thông minh, giao thông vận tải hiện đại và ứng dụng công nghệ số vào quản lý chuỗi cung ứng", PGS-TS Tuấn cho hay.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có tới 2/3 tổng số ngành là kỹ thuật công nghệ, đòi hỏi thí sinh phải sử dụng môn KHTN để xét tuyển, với chỉ tiêu chiếm hơn 50%. Tương tự, các ngành công nghệ kỹ thuật của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chiếm phần lớn chỉ tiêu, khoảng 62% với 2 tổ hợp chính có sử dụng các môn KHTN là A00, A01. Tiến sĩ Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng nhà trường, cũng nhìn nhận việc ít TS chọn môn KHTN sẽ làm giảm nguồn tuyển sinh đối với các ngành lĩnh vực STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật, Mathematics - toán học).
Ngành kỹ thuật, công nghệ có nguy cơ giảm nguồn tuyển do xu hướng học sinh lựa chọn môn thi KHTN ngày càng giảm - ẢNH: MỸ QUYÊN
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, khẳng định: "Những năm qua nhiều trường có sự mất cân đối lớn trong các lĩnh vực/nhóm ngành tuyển sinh, đa số TS ưu tiên chọn khối ngành có tính sáng tạo, hoặc khoa học xã hội (KHXH), kinh doanh quản lý, báo chí truyền thông. Vì thế khối ngành kỹ thuật công nghệ tuyển sinh rất khó khăn. Tình hình lại càng khó khăn hơn nếu TS chọn môn thi thuộc KHTN tiếp tục giảm".
Nhìn nhận về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), cho rằng trong đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật thì chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố then chốt. Vì thế, tỷ lệ học sinh chọn môn thuộc KHTN thấp sẽ ảnh hưởng phần nào đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nói chung.
ĐIỀU CHỈNH TỔ HỢP, PHƯƠNG ÁN XÉT TUYỂN
Tiến sĩ Kiều Xuân Thực cho biết năm 2025, trường dự kiến bổ sung các tổ hợp xét tuyển mới có các môn phù hợp với những ngành kỹ thuật, công nghệ như tin học, công nghệ…
Theo PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, trong những năm qua Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã mở rộng tổ hợp môn xét tuyển để phù hợp với nguyện vọng của học sinh, đưa vào các tổ hợp xét tuyển kết hợp giữa môn KHTN và môn KHXH nhằm tạo sự linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo TS có năng lực cần thiết cho ngành học. Hiện nay các tổ hợp cho khối kỹ thuật công nghệ của trường gồm có A00, A01; B00; D01; D07, D14; D15.
"Trường tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức nền tảng đối với TS không học tổ hợp KHTN nhưng trúng tuyển vào các ngành kỹ thuật, với các khóa học bổ trợ về toán, vật lý và các môn cơ bản ngay từ năm đầu. Bên cạnh đó, trường tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng để không phụ thuộc hoàn toàn vào tổ hợp môn thi tốt nghiệp", PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, thông tin trường đang chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh tổ hợp xét tuyển nhằm thích ứng với các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và thích ứng với xu hướng TS giảm môn KHTN. Đồng thời, trường dự kiến tinh gọn các tổ hợp không còn phù hợp, bổ sung những tổ hợp mới, bao gồm các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học và công nghệ.
Đối với Trường ĐH Công thương TP.HCM, năm 2025 trường thêm tổ hợp C01 (ngữ văn, toán, lý) để xét tuyển các ngành kỹ thuật công nghệ như công nghệ thông tin, công nghệ dệt may, công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa... Ngoài ra, năm 2025 trường còn sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để có thêm nguồn tuyển.
Trong khi đó, Trường ĐH Văn Lang sẽ mở rộng thêm nhiều tổ hợp môn đối với khối kỹ thuật công nghệ. Ví dụ kết hợp giữa môn toán, các môn KHTN với các môn KHXH, bổ sung nhiều tổ hợp có các môn như công nghệ, tin học.
Học thông qua dự án cũng là cách giúp học sinh tìm hiểu về ngành nghề tương lai - ảnh: đào ngọc thạch
CẦN NÂNG CHUẨN ĐỀ THI, ĐẢM BẢO PHỔ ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG
Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp KHXH trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn áp đảo. Chẳng hạn năm 2024, toàn quốc là 63% KHXH và 37% KHTN, thậm chí có địa phương hai tỷ lệ này là 90% và 10%. Xu hướng này đã tác động đến việc học của học sinh, ngay từ những năm THCS, học sinh tập trung học ba môn toán, văn và ngoại ngữ để thi lớp 10 - THPT và học các môn xã hội để sau này thi tốt nghiệp THPT.
Nhiều nhận định cho rằng không ít TS chọn môn KHXH ngay từ năm lớp 10 và sau đó để thi tốt nghiệp THPT không hẳn vì căn cứ vào sở thích, năng lực và định hướng chọn ngành mà vì thấy những môn này dễ học, dễ đạt điểm cao hơn các môn KHTN. PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng có 3 cách để thay đổi điều này.
"Thứ nhất, Bộ GD-ĐT nên nâng chuẩn đề thi KHXH. Đề thi cần tập trung kiểm tra khả năng tư duy, phân tích và vận dụng kiến thức thay vì chỉ đánh giá khả năng ghi nhớ. Điều này sẽ khuyến khích học sinh học môn KHXH một cách nghiêm túc hơn, đồng thời giảm tâm lý chọn môn học vì cảm tính. Thứ hai là cân bằng phổ điểm, điều chỉnh phổ điểm các môn thi để đảm bảo tính công bằng giữa các môn KHTN và KHXH. Thứ ba là tăng cường giáo dục hướng nghiệp. Học sinh cần hiểu rõ tầm quan trọng của các môn KHTN đối với các ngành nghề liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, từ đó lựa chọn môn học phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp lâu dài", ông Nguyễn Anh Tuấn nêu giải pháp.
Tiến sĩ Kiều Xuân Thực cũng đề xuất cấu trúc đề thi các môn KHXH cần có sự phân hóa cao hơn và đảm bảo phổ điểm các môn thi KHTN và KHXH là tương đồng. "Về lâu dài để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có sự phân tích thấu đáo của cả nhà quản lý, nhà trường và gia đình, để hướng tới các em thực sự học vì sự đam mê, yêu thích, vì nhu cầu phát triển bản thân chứ không phải học vì điểm số", tiến sĩ Thực nhìn nhận.
Trường ĐH cần thông tin rõ ràng phương án xét tuyển cho học sinh
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho rằng đến lớp 12 học sinh chỉ được chọn môn thi tốt nghiệp THPT nằm trong các môn học đã chọn từ lớp 10, vì thế ngay khi vào THPT, các em đã phải tìm hiểu xem các ngành mình mong muốn học ở bậc ĐH yêu cầu xét tuyển các môn nào để lựa chọn tổ hợp môn phù hợp. Vì thế, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu nhấn mạnh các trường ĐH cần thông tin rõ ràng về phương án xét tuyển, chương trình đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ cho học sinh THCS, THPT để các em có căn cứ lựa chọn tổ hợp môn học khi vào lớp 10.
"Nước ta đang đẩy mạnh chiến lược, chương trình phát triển nguồn nhân lực quốc gia về các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số nói riêng và STEM nói chung. Học sinh từ bậc THCS nên được cung cấp thông tin về triển vọng nghề nghiệp, vai trò các ngành trong chuyển đổi số và công nghiệp 4.0. Các trường nên phối hợp với doanh nghiệp đưa học sinh tham quan các nhà máy, khu công nghiệp, và trung tâm công nghệ để các em hình dung được công việc trong tương lai", PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.
Thứ Năm, 08:26 12/12/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội