[tienphong] Các tổ hợp xét tuyển 'lạ' xuất hiện trong mùa tuyển sinh đại học 2025
SVVN - Kỳ tuyển sinh năm 2025 đánh dấu bước chuyển đổi lớn khi các trường đại học điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều lựa chọn hơn cho thí sinh, đồng thời tăng tính phù hợp giữa nền tảng kiến thức phổ thông và yêu cầu đào tạo đại học.
Theo quy định mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ yêu cầu thí sinh hoàn thành 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng với 2 môn tự chọn từ 9 môn còn lại, bao gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học và Công nghệ. Với cách lựa chọn này, tổng cộng có thể tạo ra 36 tổ hợp môn, tạo điều kiện để các trường đại học áp dụng linh hoạt trong xét tuyển.
Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) dự kiến sử dụng bốn tổ hợp môn chung cho tất cả các ngành và phương thức xét tuyển, bao gồm: Toán - tiếng Anh - Ngữ văn; Toán - tiếng Anh - Vật lý; Toán - tiếng Anh - Tin học; và Toán - tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật.
So với các năm trước, trường loại bỏ hai tổ hợp truyền thống là Toán - Vật lý - Hóa học và Toán - tiếng Anh - Hóa học, thay bằng các tổ hợp mới như Toán - tiếng Anh - Tin học và Toán - tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật. Đại diện nhà trường cho biết sự điều chỉnh này dựa trên nghiên cứu xu hướng đăng ký của thí sinh cũng như sự thay đổi trong chương trình phổ thông mới.
Trường Đại học Công Thương TP.HCM cũng ghi nhận sự thay đổi đáng chú ý khi lần đầu tiên bổ sung các tổ hợp thuộc khối C (Văn - Sử - Địa), bao gồm C00, C01 (Văn - Toán - Lý), C02 (Văn - Toán - Hóa) và C14 (Toán - Văn - Giáo dục kinh tế và pháp luật). Những tổ hợp này áp dụng chủ yếu cho các ngành như Luật, Quản trị kinh doanh và Khách sạn.
Ngoài ra, trường cũng thêm tổ hợp Toán - Tin học - tiếng Anh, được thiết kế riêng cho các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Khoa học dữ liệu, tận dụng lợi thế từ môn Tin học trong chương trình phổ thông mới.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng không nằm ngoài xu thế này khi công bố các tổ hợp xét tuyển mới như A0C (Toán - Vật lý - Công nghệ), A0T (Toán - Vật lý - Tin học), B0C (Toán - Hóa học - Công nghệ), D0C (Toán - tiếng Anh - Công nghệ) và D0G (Toán - tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Các tổ hợp xét tuyển mới của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)
Một điểm mới đáng chú ý là trường sẽ kết hợp xét tuyển học bạ với các tiêu chí khác như điểm thi đánh giá năng lực, giải học sinh giỏi hoặc chứng chỉ quốc tế, thay vì chỉ dựa vào điểm học bạ độc lập như trước đây.
Trường Đại học Nha Trang bổ sung tổ hợp xét tuyển Toán - Ngữ văn - Tin học (Toán được nhân hệ số 2) cho các ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kế toán, và nhiều ngành kinh tế khác. Ngoài ra, trường còn tiến hành sơ tuyển dựa trên học bạ các môn yêu cầu, sau đó xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc thi đánh giá năng lực. Nếu thí sinh không học đủ các môn liên quan, trường sẽ đánh giá năng lực thông qua các môn khác và cung cấp khóa bổ trợ kiến thức trong học kỳ đầu tiên.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM duy trì các tổ hợp truyền thống nhưng bổ sung tổ hợp có môn Tin học và Công nghệ, phù hợp với định hướng chuyển đổi số và hiện đại hóa giáo dục. Trường cũng tiếp tục áp dụng các phương thức tuyển sinh đa dạng như ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi quốc gia, xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải thưởng lớn, và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Thứ Bảy, 11:05 21/12/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội