[toquoc] "Giải mã" các vấn đề liên quan tới đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch
(Tổ Quốc) - Ngày 14/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia "Vai trò của các bên liên quan trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch" dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong chủ trì buổi Hội thảo.
Hội thảo do Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) thực hiện với sự tham dự trực tiếp của 100 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ LĐTBXH, các Sở VHTTDL, Sở Du lịch, Sở VHTT; các cơ sở đào tạo về du lịch; các hội, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan đến hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; đại diện các cơ quan báo chí.
Quang cảnh buổi Hội thảo.
Du lịch là "đôi cánh" của văn hóa
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết, Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội hàm văn hóa sâu sắc, vì thế, phát triển du lịch cần sự phối hợp rất cao của các bên liên quan.
"Du lịch là ngành kinh tế mà linh hồn chính là văn hóa. Du lịch là đôi cánh của văn hóa, nhờ có đôi cánh đó thì những di tích, di sản trầm mặc, trầm tích ở những nơi xa xôi đã được du lịch đã đưa gần hơn đến du khách. Giúp văn hóa có đôi cánh để bảo tồn, phát triển, mang lại giá trị bền vững cho mai sau" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thep Thứ trưởng Hồ An Phong, du lịch đang trở lại một cách sôi động, ấn tượng. "Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 3 Hội nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc về lĩnh vực du lịch. Mới đây, Thủ tướng cũng dự một số sự kiện giới thiệu văn hóa-du lịch Việt Nam tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc...Sự quan tâm của Thủ tướng là thông điệp mạnh mẽ giúp du lịch phát triển" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Hồ An Phong, chúng ta đang đề cập đến vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì vậy du lịch cũng cần có cách làm mới để theo kịp thời đại. "Chúng ta đang hướng đến tổng kết 10 năm Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đánh giá về quá trình thực hiện Luật Du lịch. Trong các văn kiện thì nguồn nhân lực du lịch là vấn đề rất quan trọng" - Thứ trưởng nêu rõ.
Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu khai mạc Hội thảo
Thứ trưởng đánh giá cao nỗ lực của Vụ Đào tạo trong việc tổ chức Hội thảo này với thời gian chuẩn bị không dài. "Hội thảo hôm nay là sự khởi đầu của vấn đề khoa học, thực tiễn trong lĩnh vực du lịch và cần có sự giải mã, kết nối, giám sát của các bên. Các bên liên quan sẽ đặt ra vấn đề thống nhất giữa yêu cầu của nhà nước về định hướng phát triển và nhu cầu của doanh nghiệp", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đang rất cấp thiết và quan trọng khi chúng ta định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và cần được thảo luận, nghiên cứu nhiều hơn để giải mã được các vấn đề liên quan tới phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn Hội thảo sẽ bổ sung các hệ thống lý luận, khoa học và thực tiễn, nhằm phát triển một cách bền vững du lịch. Sau hội thảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp phải chắt lọc được các giá trị tinh túy, xác định rõ trách nhiệm của các bên.
Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trở thành một yêu cầu cấp thiết
Báo cáo đề dẫn Hội thảo do ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL trình bày nêu rõ, trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch (NNLDL) chất lượng cao trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 82/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch hiệu quả và bền vững, Hội thảo khoa học này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng và đề ra các giải pháp phát triển NNLDL, đồng thời làm rõ vai trò của các bên liên quan trong quá trình này.
Nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch như chuyên viên trong tổ chức chính phủ, chuyên viên trong các cơ quản quản lý nhà nước về du lich, cơ sở kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên du lịch… đóng vai trò quyết định tới sự hài lòng của khách du lịch tới chất lượng sản phẩm du lịch (Nickson, 2013).
Ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo.
Tại Việt Nam, nhân lực du lịch được phân chia như sau: Nhân lực trực tiếp và nhân lực gián tiếp. Nhân lực trực tiếp là nhóm lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Nhân lực gián tiếp là các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực khác có mối quan hệ hỗ trợ cho việc cung cấp dịch vụ du lịch. Trong nhóm nhân lực trực tiếp, cũng được chia thành 2 nhóm chính: Nhân lực gián tiếp và Nhân lực trực tiếp cung cấp dịch vụ.
Theo ông Lê Anh Tuấn, du lịch là một trong những ngành tham gia hội nhập quốc tế nhanh nhất, đồng thời cũng là ngành chịu tổn thương nhiều nhất trong đại dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022, do vậy yêu cầu đối với nhân lực du lịch được đào tạo trong bối cảnh hiện nay thể hiện ở những khía cạnh như: Đảm bảo về quy mô, hợp lý về cơ cấu và chất lượng cao; Chuyên môn, nghiệp vụ tinh thông và tính chuyên nghiệp cao; Năng lực ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp, vị trí việc làm và bối cảnh chuyển đổi số; Có năng lực giao tiếp, làm việc trong môi trường đa văn hóa; Tính nhạy cảm nghề nghiệp và năng lực thích ứng với môi trường, thế giới có nhiều biến động, thay đổi...
Theo ông Lê Anh Tuấn, thời gian qua, công tác đào tạo, phát triển nhân lực du lịch mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định. Về chương trình đào tạo, hiện nay các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo có 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và có liên quan đến du lịch.
Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo
Hội thảo tập trung vào 3 chuyên đề chính đó là: Đào tạo, phát triển NNLDL gắn với chuyển đổi số; Vai trò của các bên liên quan trong đào tạo, phát triển NNLDL; Đào tạo, phát triển NNLDL theo ngành, lĩnh vực.
PGS.TS Nguyễn Đức Thắng - Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á; Tổng Thư ký LCH Đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng, để phát triển NNLDL Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ số, chuyển đổi số cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, cần bắt đầu từ cơ sở đào tạo, phải đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt quan tâm đến ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thực tế, thực hành, thực tập. Ngoài ra, từ vấn đề nội tại, mỗi người lao động trong ngành cần tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ - đặc biệt là kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc, sẵn sàng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới phục vụ công việc của bản thân.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý du lịch các cấp, cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của đội ngũ người lao động, khách du lịch và cộng đồng về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch; tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch cũng là những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho lực lượng lao động toàn ngành.
Đồng thời, để phát triển du lịch bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, rất cần có sự rà soát, đánh giá lại, đầu tư, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, cũng có thể kỳ vọng khi du lịch từng bước phục hồi, các địa phương và doanh nghiệp cũng sẽ có các biện pháp thích hợp để dần dần khôi phục lại và phát triển nhân sự cho mình.
Đầu tư xây dựng các mô hình đào tạo chuyên sâu
PGS.TS Phạm Xuân Hậu - Khoa du lịch trường Đại học Văn Hiến cũng nhấn mạnh một số giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong đào tạo nhân lực du lịch.
Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp với vai trò quản lý và chỉ đạo toàn diện cần khẳng định rõ trách nhiệm quản lý vĩ mô để ban hành các chính sách đầu tư hợp lý, chính sách khuyến khích kịp thời, đồng bộ cả về tinh thần và vật chất.
Đảm bảo sự chỉ đạo trong việc gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động đào tạo (Đầu tư ngân sách; xây dựng chương trình, tham gia giảng dạy, đổi mới phương phá); đánh giá kết quả đào tạo; ký kết các thỏa thuận, hợp tác về đào tạo trong và ngoài nước.
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.
Đồng thời, đầu tư xây dựng các mô hình đào tạo chuyên sâu, chất lượng cao cho các cấp trình độ bằng các hình thức liên kết Quốc tế, hoặc dựa trên thế mạnh của các vùng lãnh thổ có điều kiện thực hiện, có thị trường sử dụng lao động lớn, điển hình để có thể nhân rộng thực hiện trong toàn ngành.
Bên cạnh đó, các hiệp hội, chi hội du lịch cần khẳng định rõ vai trò của mình và nâng cao trách nhiệm của tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm phát huy vai trò làm trung gian kết nối, mở rộng thị trường liên kết, hợp tác trong các công việc cụ thể của hoạt động đào tạo.
Cùng góp ý xây dựng kế hoạch chiến lược và chương trình hành động phát triển các cơ sở đào tạo về qui mô và chất lượng; cơ cấu các bậc trình độ đào tạo du lịch từ đào tạo nghề, cao đẳng, đại học, trên đại học.; các hình thức đào tạo (chính qui, vừa làm vừa học, từ xa...), để có thể chủ động cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp, tránh tình trạng thiếu hụt và mất cân đối giữa các lĩnh vực công việc....
Nhà trường - Doanh nghiệp du lịch cần thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững
TS. Nguyễn Phương Thảo - Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định vai trò quan trọng và không thể thiếu của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Sự tham gia của doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giúp sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật kiến thức mới và mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Các hình thức hợp tác đa dạng giữa nhà trường và doanh nghiệp, bao gồm chương trình thực tập, tham gia giảng dạy, đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo, tài trợ, tuyển dụng, đều góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, gắn kết nhà trường với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhà trường cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp thông qua việc chủ động tìm kiếm, thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững với các doanh nghiệp du lịch.
Đồng thời, nhà trường cần xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, cập nhật để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, tăng cường các học phần thực hành và thực tập tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp thông qua các buổi tham quan, kiến tập và giao lưu. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên bằng cách cử đội ngũ giảng viên tham gia các khóa đào tạo tại doanh nghiệp và mời chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy cũng rất quan trọng.
Về phía doanh nghiệp, họ cần chủ động tham gia vào quá trình đào tạo bằng cách tiếp nhận sinh viên thực tập, tham gia giảng dạy và đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo, đồng thời cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực và xu hướng phát triển của ngành để giúp nhà trường điều chỉnh chương trình phù hợp.
Đối với cơ quan quản lý, việc xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo thông qua hỗ trợ tài chính và cơ chế chính sách, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp bằng cách gỡ bỏ các rào cản, là vô cùng cần thiết. Thực hiện tốt các kiến nghị này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam./.
Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc
Thứ Năm, 13:41 14/11/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội