[truyenthongtre] Tiếp nối dòng chảy thư pháp Việt
Thư pháp là một môn nghệ thuật truyền thống mang trong mình vẻ đẹp tinh tế và ý nghĩa sâu sắc. Theo thời gian, thư pháp đã trở thành một phần trong mạch nguồn nghệ thuật dân tộc và ngày càng được nhiều bạn trẻ yêu thích, học hỏi.
Hấp dẫn các hoạt động sáng tạo thư pháp
Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức khai mạc Triển lãm Thư pháp Thăng Long - Hà Nội với chủ đề “Hương sắc Thăng Long”. Nhằm tôn vinh vẻ đẹp của đất và người cùng những giá trị văn hóa đặc sắc nơi Thủ đô nghìn năm văn hiến, Triển lãm Thư pháp Thăng Long - Hà Nội 2024 trưng bày nhiều tác phẩm là những áng thơ, áng văn bất hủ về Hà Nội. Tinh hoa của mảnh đất Thăng Long được khắc họa trong các sáng tác của Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Trần Bá Lãm, Bà Huyện Thanh Quan…
Những áng thơ văn bất hủ về Thăng Long - Hà Nội và tinh hoa đạo học của các tác giả nổi tiếng trong lịch sử được trưng bày triển lãm “Hương sắc Thăng Long”. (Ảnh: Hương Giang)
Bên cạnh đó, các cuộc thi viết thư pháp được tổ chức với sự đầu tư lớn thu hút đông đảo các thí sinh tham gia như: cuộc thi viết thư pháp 2024 - “Chân Thư” được tổ chức tại Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh; trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức chương trình “Nét chữ tài hoa” lần II năm 2024 với các hoạt động thi nét chữ tài hoa, trải nghiệm văn hóa xin chữ đầu năm,... ;hội thi viết thư pháp chữ Việt với chủ đề “Nét bút mừng xuân”, diễn ra tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM) thu hút gần 100 “ông đồ” tham gia tranh tài.
Các ông đồ, bà đồ tranh tài tại hội thi thư pháp chữ Việt tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM). (Ảnh: Ngọc Phượng)
Ngoài ra còn có các sự kiện đặc sắc về loại hình nghệ thuật này: bảo tàng TP.HCM tổ chức chương trình sinh hoạt chuyên đề “Thư pháp Việt - Tâm hồn Việt” chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2024; hay các hội nhóm, kênh dạy thư pháp trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok với hàng nghìn thành viên và lượt tương tác.
Một số câu lạc bộ và hội nhóm thư pháp trên nền tảng Facebook với số lượng hàng nghìn thành viên. (Ảnh: Chụp màn hình)
Hiện nay, tại Hà Nội cũng có nhiều câu lạc bộ và lớp dạy thư pháp chữ quốc ngữ dành cho người trẻ như: câu lạc bộ thư pháp Việt UNESCO, Bút Nam Hồn Việt… Những người học đều có mục đích khác nhau, song họ có điểm chung là đều yêu mến giá trị văn hóa truyền thống và muốn phát triển thư pháp Việt.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, thư pháp không chỉ là một hình thức ghi chép mà còn trở thành một loại nghệ thuật truyền thống, nét đẹp văn hóa của người Việt. Đây cũng là một thú chơi tao nhã đáng trân trọng, vừa thể hiện cái tâm, cái tài của người dụng bút, vừa là cách tạo nên “cái hồn” của câu chữ, tôn vinh giá trị của tiếng Việt.
Tác phẩm “Bạch Đằng giang phú” của nhà thư pháp Nguyễn Quang Duy tại triển lãm Thư pháp Thăng Long - Hà Nội: “Hương sắc Thăng Long”. (Ảnh: Hương Giang)
Tuy mới xuất hiện từ thập niên 1930 nhưng thư pháp Việt đã có sức sáng tạo lớn, tạo ra những hình ảnh, hình tượng để có thêm ý nghĩa cho con chữ. Đặc thù chữ Quốc ngữ là đơn nghĩa nên dễ cắt nét, tạo hình để tăng thêm ấn tượng cho chữ.
Thư pháp trong lòng thế hệ trẻ
Ngày nay, công nghệ phát triển đã tạo điều kiện cho nghệ thuật được đổi mới; trong khi đó, thư pháp lại chứa đựng cái hương hồn của văn hóa truyền thống, điều này vô tình làm cho vị trí của thư pháp dần mờ nhạt trong dòng chảy hiện đại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngày càng nhiều bạn trẻ yêu thích và gắn bó với thư pháp để rèn luyện bản thân từ cốt cách đến tinh thần. Hơn nữa, ý thức bảo tồn, giữ gìn văn hóa trong thế hệ trẻ ngày càng được nâng cao; từ đó củng cố thêm lòng yêu nước và và niềm tự hào về lịch sử, truyền thống ngàn đời của dân tộc. Đó là lý do giới trẻ đã tìm thấy ở thư pháp một niềm đam mê thực sự.
Bạn Thu Ngân, 21 tuổi, sinh viên Học viện Quản lý giáo dục cho biết: “Theo mình, một phần thế hệ trẻ hiện nay rất trân trọng nghệ thuật, lịch sử. Chúng mình thấy thư pháp là một nét đẹp hòa quyện giữa tình yêu ngôn ngữ dân tộc và tinh thần yêu nước nồng nàn, mình cũng muốn hiểu rõ hơn tại sao các cụ lại coi trọng chữ văn như thế.”
Trải nghiệm viết thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: Hương Giang)
"Các bạn trẻ quan tâm đến nghệ thuật thư pháp nhiều. Có nhiều lớp dạy thư pháp, viết chữ thảo ở Hà Nội và các nhóm chia sẻ về nó, quan trọng là cái cách họ quan tâm và truyền đạt thông tin đến mọi người. Mình cảm thấy thư pháp là một phần giá trị của lịch sử nước ta", anh Nguyễn Văn Dân, 30 tuổi cho biết.
Sự trỗi dậy của thư pháp trong thế hệ trẻ Việt Nam là một tín hiệu tích cực. Nó cho thấy sức sống bền bỉ của loại hình nghệ thuật này, đồng thời cho thấy ý thức trân trọng và nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa dân tộc của giới trẻ. Bằng sự đam mê và sáng tạo của mình, những người trẻ đang mang đến một làn gió mới cho thư pháp, giúp bộ môn nghệ thuật này tiếp tục phát triển và tỏa sáng trong thời đại hiện đại.
Để phát triển một nền thư pháp Việt ngữ, nhiều nhà thư pháp đã nỗ lực nghiên cứu và học hỏi những bậc tiền nhân đi trước để nâng cao bút lực, kỹ thuật lẫn thần khí. Thông qua việc dạy học, những người đam mê môn nghệ thuật này đã cố gắng đưa ra lý luận chung về thư pháp Việt, tạo tiền đề để thư pháp Quốc ngữ phát triển song song với thư pháp chữ Hán.
Nguồn: Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Thứ Bảy, 20:40 30/11/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội