[Tự động hóa ngày nay] FS22: cơ hội để sinh viên tiếp cận và theo đuổi sự nghiệp trong ngành Năng lượng
Diễn đàn sinh viên nghiên cứu khoa học – SF22 được Khoa Điện và Khoa Điện tử Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đồng đăng cai tổ chức với chủ đề: “Năng lượng đối với sự phát triển bền vững” được khai mạc sáng ngày 25/12 tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Lần thứ 3 được tổ chức, diễn đàn nhằm tạo ra một ngày hội học thuật cho sinh viên các trường đại học kỹ thuật để trao đổi, thảo luận về các nghiên cứu có chủ đề liên quan đến các công nghệ Năng lượng và phát triển bền vững, đồng thời là cơ hội quý giá để sinh viên tiếp cận và theo đuổi sự nghiệp trong ngành Năng lượng.
Tham dự diễn đàn lần này có đại diện các trường đại học trong khối MOU, các thầy cô giáo, doanh nghiệp, các bạn sinh viên từ các trường và đặc biệt là hơn 200 sinh viên là tác giả của các công trình báo cáo. Ảnh Trà Giang
Ngoài 3 báo cáo mời (Keynote) được trình bày tại phiên toàn thể, có 93 bài báo cáo được chọn (trong số 130 bản báo được nộp) trình bày tại 8 tiểu ban chuyên môn của hội nghị. Các báo cáo đều xoay quanh chủ đề chung của diễn đàn, đặc biệt năm nay, nhiều báo cáo đề cập đến nhiều vấn đề chuyên sâu trong điều khiển các hệ thống năng lượng tái tạo, chẩn đoán sự cố trong các hệ thống, thu thập và truyền dữ liệu trong hệ thống năng lượng tái tạo (NLTT), điều khiển hệ thống lưu trữ năng lượng,…
Các báo cáo mời: Hướng tới lưới điện 100% năng lượng tái tạo (PGS.TS. Đỗ Đức Tôn – Nazarbayev University); Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo ơ Việt Nam (TS. Nguyễn Đức Hạnh – Bộ Công Thương); Công nghệ điện mặt trời và nhu cầu nhân lực trong hành trình tạo năng lượng xanh (ông Lưu Minh Tiến -CEO Công ty SEV).
Phát biểu khai mạc FS22, TS. Nguyễn Văn Thiện – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh, với tầm quan trọng của năng lượng tái tạo cũng như mục tiêu chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có xét đến 2050, phải đạt 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050, việc đào tạo nguồn nhân lực về NLTT ở các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và các trường đại học kỹ thuật khác góp phần tích cực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
“Hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây, ngoài việc thảo luận các vấn đề khoa học, sự kết nối giữa sinh viên, giảng viên các đơn vị thực sự có ý nghĩa rất to lớn”. Vì vậy, TS. Nguyễn Văn Thiện cũng đề nghị trong những năm tiếp theo, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) theo hướng hợp tác nhiều mặt, hình thành phát triển các nhóm nghiên cứu chung, thúc đẩy các công bố khoa học từ chính các bạn sinh viên tài năng và ươm mầm, đồng thời tăng cường các NCKH, gắn NCKH với đào tạo và phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo.
TS. Nguyễn Văn Thiện – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu khai mạc FS22. Ảnh Trà Giang
Đại diện cho đơn vị đồng tổ chức FS22, bà Vũ Chi Mai – Trưởng hợp phần Năng lượng Tái tạo, Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ cho biết, GIZ hợp tác với nhóm các trường đại học kỹ thuật đã ký MOU từ năm 2020, sau 2 năm cho thấy diễn đàn ngày càng nhận được nhiều sự đóng góp, chỉ dẫn của các thầy cô cũng như sự hưởng ứng của các bạn sinh viên. Từ COP 26 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đều phải nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phải chuyển dịch từ năng lượng phát thải nhiều các bon sang nền kinh tế sử dụng nhiều nguồn năng lượng xanh. Năm 2020 Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về tổng công suất lắp đặt điện mặt trời. Cơ hội phát triển NLTT cũng như cơ hội việc làm của các bạn sinh viên rất mở rộng. Ngay trong diễn đàn là cơ hội trao đổi với các thầy cô, doanh nghiệp. Bà Mai hy vọng, qua diễn đàn khơi dậy sự tò mò, khám phá, phản biện của sinh viên. Trên con đường đó các bạn sẽ có những nghiên cứu phù hợp và thích ứng với dòng chảy của xã hội và nền kinh tế.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Huy Phương mong muốn hoạt động này sẽ được lan tỏa nhân rộng ra nhiều trường kỹ thuật hơn nữa. Ảnh Trà Giang
PGS.TS. Nguyễn Huy Phương – Phó hiệu trưởng trường Điện – Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết FS là chương trình không chỉ có ý nghĩa thực tiễn cho riêng ĐH Bách khoa Hà Nội mà còn cho các cơ sở đào tạo về năng lượng. Chất lượng của diễn đàn đã ngày càng được nâng cao nên GS.TS. Nguyễn Huy Phương cũng hy vọng diễn đàn ngày càng lan tỏa, mở rộng ra nhiều trường hơn trong mạng lưới các trường có đào tạo về ngành năng lượng.
Sinh viên trình bày báo cáo tại FS22. Ảnh Trà Giang
Tham gia FS22, sinh viên Nguyễn Văn Tân, lớp Điện 4, khóa 14 cho rằng với mục tiêu Netzero bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của 147 quốc gia tại COP27 vừa qua, phát triển NLTT là xu thế tất yếu mà ngành năng lượng thế giới cần hướng tới. Việt Nam đang dẫn đầu Asean về năng lượng gió và mặt trời, việc học tập, nghiên cứu liên quan đến phát triển năng lượng bền vững là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên do hạn chế về nhiều mặt mà mức độ tiếp cận chuyên sâu của sinh viên về các chủ đề năng lượng còn ít. Diễn đàn FS22 mở ra nhiều cơ hội cho các sinh viên để trình bày, trao đổi, giao lưu các ý tưởng của mình trong cộng đồng sinh viên kỹ thuật.
Nguồn: Tạp chí điện tử Tự động hóa Ngày nay
Chủ Nhật, 14:00 25/12/2022
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội