[vov] Công nghiệp hỗ trợ đang bứt phá để có bước chuyển mình tích cực
VOV.VN - Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo từ đó tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Việt Nam những năm gần đây đã có bước chuyển mình tích cực, khi ngày càng gia tăng số DN có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tới nay, đã có khoảng 240 DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung; 1 DN Việt Nam cũng đã hợp tác để sản xuất và lắp ráp được những dòng xe cao cấp của Tập đoàn BMW (Đức) ngay tại Việt Nam.
Điểm đến của hàng loạt DN đầu chuỗi
Số liệu từ ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cung cấp hết sức đáng mừng, bởi hiện cả nước có khoảng 5.000 DN CNHT. Số lượng DN tham gia làm nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 DN; cung ứng cấp 2, cấp 3 là khoảng 700 DN.
“Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNHT của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua. Trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45-50%; cơ khí chế tạo đạt 15-20%; sản xuất, lắp ráp ô tô đạt 5-20% nhưng riêng đối với một số sản phẩm xe tải và xe khách, tỷ lệ này cao hơn. Các DN CNHT trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, từ đó tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Tuấn Anh cho biết.
Hiện cả nước có khoảng 5.000 DN CNHT, trong đó có nhiều DN là nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia
Với lợi thế nhất định về kinh tế - chính trị cũng như vị trí phù hợp, Việt Nam đang trở thành điểm đến của hàng loạt DN đầu chuỗi. Trong đó, làn sóng dịch chuyển này sẽ đổ vào công nghiệp công nghệ cao, chip bán dẫn... Song nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành CNHT Việt Nam cần phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu với quy mô lớn hơn, bao trùm hơn.
Đơn cử như ngành CNHT vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Hiện nay, các sản phẩm CNHT tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ và cơ khí, còn những sản phẩm CNHT mang hàm lượng công nghệ cao, tinh vi, phức tạp vẫn do các doanh nghiệp FDI nắm giữ.
Cùng với đó, phần nghiên cứu và phát triển tại các DN CNHT dù đã được quan tâm đến nhưng chưa thực sự đúng mức; nguồn nhân lực cho CNHT còn thiếu... Theo đánh giá thực tế của TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, hiện nay số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành CNHT rất hạn chế so với nhu cầu của ngành.
“Để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực cho lĩnh vực CNHT, cần có sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với DN và xã hội. Cần xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của DN CNHT trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp”, ông Thực nêu.
DN công nghiệp hỗ trợ lại rất cần hỗ trợ chính sách
Hiện nay, các DN CNHT trong nước phần lớn là những DN vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần được hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng... Do đó, để nâng cao năng lực cho CNHT, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội (Hansiba) – ông Nguyễn Vân cho rằng, các DN CNHT đang kỳ vọng nhiều vào trợ lực từ các cơ chế, chính sách, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt là dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT do Bộ Công Thương đang trình Chính phủ...
Hài lòng với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty CP Hanel Xốp nhựa tin tưởng, sẽ ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tìm đến, giúp DN CNHT Việt có cơ hội tiếp cận. Tuy nhiên ông Cường cũng khuyến nghị, bản thân các DN cũng phải nâng cao trình độ công nghệ, tăng mức độ sẵn sàng để sản xuất được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, từ đó giữ vị trí ổn định trong chuỗi cung ứng.
“Mức độ sẵn sàng của DN chính là uy tín và có đủ năng lực để khi đối tác chỉ cần đưa mẫu sản phẩm và nói ý tưởng, DN đáp ứng được ngay từ việc thiết kế cho đến sản xuất sản phẩm, ngay cả với các cụm linh kiện hết sức phức tạp”, ông Cường giải thích.
Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNHT của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể
Thông tin từ Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp rất chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ DN CNHT của Việt Nam nâng cao năng lực, đồng thời Bộ này có vai trò kết nối các DN trong chuỗi cung ứng với nhau.
Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài việc xúc tiến đầu tư, Cục Công nghiệp sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, để làm sao có DN đầu đàn đầu tư vào, kéo theo các doanh nghiệp CNHT, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi, hoàn thiện các chính sách pháp luật, nhất là xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp CNHT. Trong đó có việc sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT, với đề xuất việc cấp bù lãi suất cho các DN sản xuất sản phẩm CNHT; đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm CNHT cũng như hỗ trợ các DN CNHT với nhiều cơ chế ưu đãi.
Nguồn: VOV
Thứ Bảy, 09:10 28/10/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội