[vovgiaothong] Gỡ 'nút thắt' để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp
Phát triển kinh tế số ngành Công Thương nói chung cũng như số hóa các lĩnh vực công nghiệp một cách bền vững hiện vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, rào cản.
Đây là bài toán của các nhà sản xuất cần sự chung tay vào cuộc của nhiều thành phần với nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương
Chia sẻ tại Tọa đàm “Số hóa trong lĩnh vực công nghiệp – Bài toán cho các nhà sản xuất” ngày 4/12, ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trong đó "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".
"Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý, doanh nghiệp phải đối mặt với việc đưa ra quyết định chuyển đổi như thế nào trước thời kỳ bùng nổ công nghệ, với sự gia tăng các lựa chọn tích hợp, nhưng phải gắn kèm với điều kiện sản xuất, kinh doanh và phù hợp với nguồn lực", ông Sơn nhận định.
Theo ông Sơn, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp hiện tại khá thấp. Mô hình quản trị và các quy trình đi kèm của nhiều doanh nghiệp hiện còn lạc hậu. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận với những dây chuyền, công nghệ tiên tiến nhất để thực hiện quá trình chuyển đổi số.
"Hoạt động chuyển đổi số đến thời điểm hiện tại vẫn còn đang tập trung vào những doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt doanh nghiệp FDI có sẵn nguồn lực, công nghệ để ứng dụng được các giải pháp công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình", ông Nguyễn An Sơn nhìn nhận.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là xu hướng tất yếu - Ảnh minh họa Dangcongsan.vn
Để đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất trước xu hướng chuyển đổi số, TS. Đặng Trọng Hợp, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, nhà nước cần có các chính sách để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Có thể chọn những trường đại học lớn để hình thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ số từ đó dẫn dắt các cái cơ sở khác.
Bên cạnh đó, cần có chính sách để thu hút nguồn nhân lực, chuyên gia giỏi từ các nước phát triển về, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài.
"Công nghệ số thay đổi mô hình kinh doanh và vận hành nên nó cũng đòi hỏi chúng ta có rất nhiều cái mới mà các quy định trước đây chưa chưa áp dụng được. Thế thì cũng cần có các cơ chế để thử nghiệm hoặc là có các chính sách đặc thù trong việc thương mại hóa các sản phẩm số", TS. Hợp nêu quan điểm.
Tọa đàm “Số hóa trong lĩnh vực công nghiệp – Bài toán cho các nhà sản xuất”
Còn nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, TS.Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors cho rằng, nhận thức là cái quan trọng nhất.
"Ý chí của người đứng đầu và nhận thức của họ nhìn nhận, đánh giá đúng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp và có những lộ trình để mà chuyển đổi một cách phù hợp. Để có sự chuyển đổi đấy thì tôi nghĩ là ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, đơn vị đào tạo có thể có nhiều thêm các hoạt động đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp để họ nhận thức được vai trò của chuyển đổi số. Tôi nghĩ đó là cái mấu chốt", ông Nguyên nhận định.
Nguồn: VOV Giao thông
Thứ Tư, 21:43 04/12/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội