Hội Sinh viên Việt Nam qua các kỳ Đại hội

HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI

 

 

Đại hội lần thứ nhất

Ngày 11/2/1955, Đại biểu Hội sinh viên ĐH Hà Nội và Đại biểu của Đoàn sinh viên Việt Nam đã họp bàn về việc thống nhất lực lượng và hoạt động của sinh viên. Trong 3 ngày, từ ngày 29 đến 31/7/1955, Đại hội đã diễn ra tại Hà Nội để thống nhất tổ chức và phong trào sinh viên toàn quốc. Đại hội quyết định lấy tên mới của tổ chức sinh viên là “Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam”

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ: Đoàn kết mọi lực lượng sinh viên cùng với thanh niên và nhân dân trong cả nước đấu tranh cho hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc, đòi hiệp thương hai miền và tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước theo đúng tinh thần Hiệp định Gienerve. Mặt khác, thống nhất các tổ chức sinh viên trong Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam. Đại hội cũng đã thông qua bản điều lệ và lời kêu gọi sinh viên toàn quốc.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành trung ương Hội do đồng chí Lê Quang Toàn làm chủ tịch.

Đại hội lần thứ hai

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam đã tổ chức vào ngày 5/5/1958 tại thủ đô Hà Nội với 228 đại biểu chính thức.

Ngày 7/5/1958, Đại hội đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm và huấn thị. Bác đã dạy thanh niên trí thức cần phải đặt hai câu hỏi: “Học để làm gì?”, “Học để phục vụ ai?”, xây dựng CNXH cần phải có cả lao động tay chân và lao động trí óc. Do đó, sinh viên cần phải thực hiện lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động.

Đại hội xác định: Phong trào sinh viên phải hướng vào việc xây dựng phong cách học tập, xây dựng nếp sống mới: ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp, đảm bảo giờ giấc học tập, sinh hoạt, có cuộc sống vui tươi lành mạnh, đặc biệt là chú trọng chất lượng học tập.

Trong nhiệm kỳ này, nhiều phong trào đã diễn ra sôi nổi, tiêu biểu là: phong trào “Tiến quân vào khoa học kỹ thuật”, “Xung kích diệt dốt”,… Tại miền Bắc, sinh viên tham gia thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa. Trong thời gian này, tại miền Nam không ngày nào là không có máu chảy, đầu rơi, tù đày, chết chóc… Sinh viên miền Nam anh dũng đấu tranh trước sự khâm phục và cổ vũ của sinh viên cả nước và sinh viên quốc tế.

Trong thời gian này, số lượng hội viên cũng phát triển mạnh tại các trường trên phạm vi toàn quốc.

Đại hội đã bầu anh Lê Hùng Lâm làm tổng thư ký Trung ương Hội

Đại hội lần thứ ba

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam đã khai mạc vào ngày 3/3/1962 tại trường Kinh tế – Tài chính 500 đại biểu chính thức thay mặt cho hai vạn sinh viên Việt Nam.

Đại hội đã đề ra những nhiệm vụ sau:

1.Động viên sinh viên học tập, rèn luyện, không ngừng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

2.Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải thiện đời sống.

3.Đoàn kết lực lược sinh viên, tích cực đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh thống nhất đất nước.

4.Phát triển quan hệ hữu nghị với sinh viên và thanh niên các nước trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, bảo vệ hòa bình.

5.Cải tiến tổ chức và hoạt động của Hội

Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Quang làm chủ tịch Hội.

Trong thời gian này, đáp lời kêu gọi của Đoàn và Hội, nhiều sinh viên tốt nghiệp đã tình nguyện tham gia đội quân “Tây tiến” đi xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông … ở Tây Bắc, lập nhiều thành tích xuất sắc.

Đại hội lần thứ tư

Trong khí thế sôi nổi thi đua thành lập thành tích cao chào mừng Đảng ta 40 tuổi và thực hiện di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam đã họp trong hai ngày 6 và 7/1/1970 tại Hà Nội.

Đại hội đã ra Nghị quyết nêu rõ phương hướng và nhiệm vụ của sinh viên đại học là: Ra sức thi đua học tốt, xây dựng mục đích, động cơ và thái độ học tập đúng, xây dựng nề nếp học tập và rèn luyện tốt. Tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ và vai trò làm chủ của học sinh – sinh viên trong nhà trường XHCN; hăng hái tham gia lao động sản xuất; tăng cường đoàn kết với đồng bào miền Nam, kiên quyết đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tăng cường đoàn kết học sinh – sinh viên trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội

Trong nhiệm kỳ này, phong trào sinh viên phát triển mạnh mẽ trên mọi lãnh vực. “Thanh niên hăng hái tiến lên hàng đầu trong chiến đấu, học tập và xây dựng cuộc sống mới” – Đó là khẩu hiệu hành động của tuổi trẻ trong giai đoạn cách mạng mới.

Nhiều gương sinh viên, thanh niên đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại hội lần thứ năm

Từ đầu năm 1993, nhiều hoạt động, Hội nghị đã lần lượt diễn ra nhằm chuẩn bị cho Đại hội lần V. Công tác chuẩn bị được tiến hành chu đáo. Đại hội V Hội sinh viên Việt Nam đã được tổ chức trọng thể trong 3 ngày từ ngày 21 đến 23 tháng 11 năm 1993 tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh – Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đã thông qua 5 chương trình hành động sau:

  1. Người sinh viên – Nhà trí thức – Chuyên gia tương lai
  2. Hỗ trợ sinh viên học tập – nghiên cứu khoa học và phát triển tài năng
  3. Chăm lo đời sống, quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên
  4. Hoạt động văn hóa – thể thao và công tác xã hội
  5. Tiếp tục củng cố và phát triển Hội

Đại hội đã thảo luận và thông qua Điều lệ (sửa đổi) Hội sinh viên Việt Nam. Điều lệ sửa đổi nêu rõ: Hội sinh viên Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giới sinh viên Việt Nam, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp; pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và trong sự phối hợp chặt chẽ với vai trò nòng cốt của Đoàn TNCS HCM. Điều lệ cũng đã quy định lấy ngày 9/1 hàng năm là ngày truyền thống của Hội.

Thành công và những kết quả của Đại hội đã khẳng định vai trò, vị trí của Hội sinh viên Việt Nam trong sinh viên và trong xã hội, đồng thời tạo ra những khả năng và điều kiện phát triển mới cho phong trào sinh viên với tổ chức Hội sinh viên Việt Nam.

Đại hội lần thứ sáu

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ VI (1998 – 2003) đã xác định các phong trào cần thực hiện bằng những giải pháp chính sau:

  1. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện hoạt động Hội và phong trào sinh viên
  2. Khẩn trương nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách đối với sinh viên vàcông tác sinh viên để bồi dưỡng, giáo dục và phát huy lực lượng sinh viên
  3. Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động Hội và phong trào sinh viên
  4. Củng cố và phát triển tổ chức Hội sinh viên Việt Nam
  5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò nòng cốt của Đoàn TNCS HCM đối với các phong trào sinh viên và hoạt động Hội

Nhiệm kỳ VI đã tập trung vào các công tác sau:

·Tập trung phát triển chi Hội theo lớp. Khoa. Đa dạng các hình thức tập hợp sinh viên

·Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng trình độ năng lực cho cán bộ Hội

·Cải tiến lề lối làm việc, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả

Đại hội lần thứ bảy

Trong những ngày cuối năm 2003, sinh viên cả nước tích cực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần 7sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 29 đến 31/12/2003 tại thủ đô Hà Nội.

Đại hội sẽ tổng kết công tác Hội trong nhiệm kỳ IV, đánh giá tình hình sinh viên hiện nay để xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới hiệu quả và thiết thực, thảoluận thông qua điều lệ Hội sinh viên sửa đổi.

  • Thứ Ba, 10:35 15/01/2008

Tags: