Việc chọn nghề nên đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội: không cần phải là nghề nghiệp cao sang nhưng nên là những nghề cần thiết dễ có việc làm, phải phù hợp với sở thích, sở trường, sức khỏe và đồng thời phải thích nghi với hoàn cảnh kinh tế của mình.
Xác định rõ mục tiêu học tập
Nghề bạn định chọn có nhiều cơ hội trong tương lai không? Khả năng của bạn đủ đáp ứng không? Tính cách và sức khỏe có phù hợp không?
Qua các phương tiện truyền thông, các trang web, các bạn có thể tìm hiểu nghề của mình chọn đó sẽ phải làm gì, ở những vị trí như thế nào, công việc hàng ngày (khi đi làm) ra sao? Ngoài ra, các bạn cần biết các vị trí tuyển dụng trong các cơ quan, các yêu cầu về tính cách, giá trị và kỹ năng của từng vị trí nghề nghiệp (tìm hiểu các thông báo tuyển dụng).
Chọn trường, chọn ngành
Chọn được nghề rồi, bước thứ hai là xem nghề đó thuộc ngành gì (Khoa học, kỹ thuật, xã hội, kinh tế…), có ở những trường nào, đào tạo trình độ gì (ĐH, CĐ hay TC), điều kiện tuyển sinh ra sao, thời gian học là bao lâu, học phí bao nhiêu, xa hay gần nhà…
Tôi học ngành-nghề gì?
Nghĩa là bạn cần tự trả lời các câu hỏi như: Tại sao mình quan tâm đến nghề này? Sở thích nghề nghiệp của mình có đúng với nghề này không? Trong quá trình học tập thường mình khá nhất môn nào, thích những sinh hoạt gì? Thích khoa học hay kinh doanh? Thích làm việc ngoài trời hay trong văn phòng? Hoàn cảnh kinh tế gia đình có cho phép mình theo đuổi?
Đặc biệt, bạn không nên đua theo các ngành nghề “cao sang” mà nên chọn nghề phù hợp với mình. Vì có phù hợp với khả năng của mình thì mình mới có thể học giỏi. Vì có thích thì mới học tốt và hẳn nhiên cơ hội việc làm sau tốt nghiệp luôn dành cho những ai có kết quả học tập tốt nhất.
Thứ Tư, 08:30 04/04/2012
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội