Biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác đào tạo đại học. Trong thời gian qua, tập thể CBGV Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật rất tích cực trong việc tìm tòi, nghiên cứu để biên soạn ra các giáo trình, tài liệu tham khảo bổ ích, phù hợp với chương trình và chuyên ngành đào tạo tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hiện Khoa đã biên soạn được 04 giáo trình, nhiều tài liệu tham khảo.
1. Giáo trình Pháp luật đại cương do Bộ môn Pháp luật biên soạn, TS. Vũ Thị Hồng Vân làm chủ biên. Giáo trình được sử dụng làm tài liệu học tập và nghiên cứu chính cho toàn thể học sinh, sinh viên của các ngành trong Trường.
2. Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh do Bộ môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh biên soạn, ThS. Hoàng Thị Hương Thu làm chủ biên.
Trên cơ sở kế thừa những nội dung cơ bản từ giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh của Bộ Giáo dục đào tạo. Xuyên suốt nội dung giáo trình là hành trình tìm đường cứu nước, tiếp biến các giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại cũng như lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và đặt nền móng vững chắc cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, giáo trình còn được bổ sung những quan điểm của Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng công nghiệp phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Mặc dù còn nhiều nội dung cần hoàn thiện, phát triển. Song giáo trình là tài liệu bổ ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.
3. Cuốn sách Thực hiện pháp luật về giáo dục trong các trường đại học ở Việt Nam do TS. Vũ Thị Hồng Vân là tác giả.
Trên cơ sở lý luận thực hiện pháp luật về giáo dục, tác giả đã đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật về giáo dục trong các trường đại học ở nước ta. Từ đó, tác giả đưa ra quan điểm và giải pháp đảm bảo thực hiện pháp luật về giáo dục trong các trường đại học ở Việt Nam.
4. Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, do Bộ môn Các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin biên soạn, TS. Phùng Danh Cường làm chủ biên.
Quán triệt tinh thần trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới công tác giáo dục tư tưởng chính trị; sau gần sáu năm thực hiện Quyết định số 52/2008/QĐ-BGDĐT về chương trình môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; qua thực tế giảng dạy ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, tập thể tác giả Khoa lý luận Chính trị - Pháp luật của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã biên soạn cuốn giáo trình “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Giáo trình gồm có 3 phần với 10 chương nội dung: Phần 1. Bao gồm 4 chương, trình bày khái luận chung về triết học và những lý luận cơ bản về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của triết học Mác-Lênin; Phần 2. Bao gồm có 3 chương, trình bày lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, trong đó “hòn đá tảng” là Học thuyết giá trị thặng dư; Phần 3. Gồm 3 chương nội dung, trình bày lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội và tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Giáo trình là tài liệu bổ ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập không chỉ với giảng viên, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, mà còn với các nhà nghiên cứu, giảng dạy, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin khác.
5. Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tập thể tác giả do TS Nguyễn Thị Lan làm chủ biên đã biên soạn Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung của gáo trình đi sâu vào những vấn đề cơ bản trong quan điểm, đường lối, chủ trương, sự chỉ đạo của Đảng qua các thời kỳ lịch sử; phản ánh những sự kiện lịch sử tiêu biểu, điển hình; đồng thời giáo trình trình bày khái quát một số diễn biến lịch sử nhằm tăng tính hấp dẫn và thuận lợi cho việc học tập của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Về mặt cấu trúc, Giáo trình gồm phần Nhập môn và 7 chương nội dung. Giáo trình là tài liệu bổ ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam.
Thứ Năm, 15:20 03/05/2018
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội