Hiện nay, Khoa có hơn 20 phòng thực hành/thí nghiệm được trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: phòng thực hành CAD/CAM-CNC, phòng thực hành đo lường chính xác, phòng thực hành máy tính, phòng thực hành cơ điện tử, phòng thực hành Rô bốt công nghiệp, phòng thí nghiệm nguyên lý cắt, phòng thí nghiệm máy cắt, phòng thí nghiệm công nghệ, phòng thí nghiệm vật liệu, phòng thí nghiệm sức bền vật liệu, phòng thí nghiệm nguyên lý – chi tiết máy, phòng thí nghiệm CNC, phòng thực hành Thủy Lực - Khí nén, phòng Thiết kế ngược và tạo mẫu nhanh, phòng thí nghiệm rung động, phòng thí nghiệm công nghệ phủ nano, phòng thí nghiệm MPS, Phòng thực hành CNC…Hàng năm, khoa có kế hoạch đầu tư bổ sung các phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại dần đáp ứng các yêu cầu của các phòng thí nghiệm trọng điểm...
1. Phòng thí nghiệm vật liệu học.
Phòng có diện tích khoảng 100m2, được trang bị các thiết bị hiện đại bao gồm: máy cắt mẫu tự động, máy mài và đánh bóng mẫu tự động, các kính hiển vi quang học được kết nối với máy tính có độ khuyếch đại 200 lần, kính hiển vi quang học chuyên dụng Olympus GX51 có độ khuyếch đại lên 1000 lần, máy đo độ cứng và các thiết bị hỗ trợ khác...để phục vụ quá trình chuẩn bị mẫu, kiểm tra độ cứng và đánh giá tổ chức tế vi của vật liệu. Phòng được sử dụng để phục vụ giảng dạy các học phần vật liệu học, công nghệ xử lí vật liệu cho hệ đại học, nghiên cứu cho các học viên SĐH, phục vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ...
2. Phòng thực hành dung sai và kĩ thuật đo.
Phòng có diện tích khoảng 114 m2. Phòng được nhà trường đầu tư các thiết bị, dụng cụ đo hiện đại, tin cậy của hãng Mitutoyo như: Các loại panme, thước cặp cơ và điện tử, bộ đo bánh răng, bộ đo độ đảo, các loại dưỡng đo cung và ren, bộ căn mẫu... Sử dụng để giảng dạy học phần dung sai và kĩ thuật đo các hệ cao đẳng và đại học của ngành cơ khí. Ngoài ra các dụng cụ đo trong phòng cũng được sử dụng để phục vụ quá trình ôn luyện học sinh giỏi nghề "Vẽ và thiết kế trên máy tính", nghiên cứu khoa học các cấp và đào tạo sau đại học...
3. Phòng thực hành đo lường cơ khí chính xác
Phòng có diện tích khoảng 100 m2, gồm các thiết bị đo hiện đại như: máy đo độ nhám, máy chiếu profile, thiết bị đo khoảng cách không dây, máy đo ba chiều, thiết bị đo khoảng cách bằng khí nén, bằng laser và nhiều thiết bị đo khác được nhà trường đầu tư. Phòng được sử dụng để giảng dạy các cấp trình độ ngành cơ khí trong các môn học dung sai, đo lường ...
Đo lường các sản phẩm trong sản xuất và phục vụ giảng dạy học phần hệ thống đo lường tự động trong chế tạo cơ khí, thực hiện các đề tài nghiên cứu của học viên cao học liên quan đến đo lường. Hoạt động trên cơ sở tri thức và công nghệ hiện đại nhằm triển khai các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng; nghiên cứu ứng dụng; phát triển và chuyển giao công nghệ; quy tụ, bồi dưỡng cán bộ khoa học và công nghệ trình độ cao trong môi trường học thuật và hợp tác nghiên cứu thuận lợi, đáp ứng có hiệu quả nhu cầu của các ngành công nghiệp và cộng đồng.
4. Phòng thực hành máy tính
Gồm 03 phòng CAD1, CAD2 và CAD/CAM với diện tích mỗi phòng 115m2, được trang bị trên 100 máy tính có cấu hình cao, cài đặt các phần mềm như AutoCAD, Solidworks, Inventor, Creo, MasterCAM, ... cùng nhiều trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập khác.
Phòng được sử dụng để phục vụ cho công tác giảng dạy và chuyển giao công nghệ các học phần như: CADD, CAD/CAE, CAD/CAM, CNC...Ngoài ra, các phòng cũng được sử dụng tổ chức các kỳ thi tay nghề cấp Bộ, cấp Quốc Gia; tổ chức thi cấp chứng chỉ CAD 3D cho các hãng Solidworks, Hiệp hội thúc đẩy kỹ năng sử dụng máy tính của Nhật bản – ASCP...
5. Phòng thí nghiệm nguyên lý máy
Phòng có diện tích 80m2, được sử dụng để thí nghiệm học phần: Nguyên lý máy hệ đại học, cao đẳng. Đồng thời phục vụ công tác hướng dẫn, nghiên cứu bậc sau đại học và công tác nghiên cứu khoa học cho các cá nhân và đơn vị trong và ngoài trường.
Các trang thiết bị chính bao gồm có các cơ cấu nguyên lý máy được lắp trên cùng một giá, có thể thay đổi các cơ cấu nhanh, thay đổi các mặt phẳng làm việc, kích thước động học các khâu. Các cơ cấu này được kết nối với máy tính nhờ các bộ điều khiển và phần mềm trên máy tính và điều khiển tốc độ bởi động cơ Servo. Tiến hành các bài thí nghiệm đo, tính toán động học và vẽ đồ thị trên máy tính với các cơ cấu phẳng gồm: cơ cấu 4 khâu, 6 khâu, cơ cấu Cam, Cơ cấu Malt, cơ cấu Cóc...
6. Phòng thí nghiệm Chi tiết máy
Phòng được sử dụng để phục vụ thí nghiệm các học phần: Chi tiết máy, Thiết kế hệ thống cơ khí... cho hệ đại học, cao đẳng. Đồng thời phục vụ công tác hướng dẫn, nghiên cứu bậc sau đại học và công tác nghiên cứu khoa học.
Các trang thiết bị gồm: Bộ thí nghiệm hệ số trượt của bộ truyền đai; Bộ lắp ráp kiểm tra sự ăn khớp của bánh răng; Các hộp giảm tốc thường dùng trong thực tế; Hộp biến tốc vô cấp...
7. Phòng thí nghiệm Sức bền vật liệu
Phòng được sử dụng để phục vụ thực hành các học phần: Sức bền vật liệu, Cơ học vật rắn biến dạng hệ đại học, cao đẳng; đồng thời phục vụ công tác hướng dẫn, nghiên cứu bậc sau đại học và công tác nghiên cứu khoa học, thử nghiệm vật liệu cho các cá nhân và đơn vị trong và ngoài trường. Phòng thí nghiệm Sức bền vật liệu được Nhà trường đầu tư vào năm 2012.
+ Các trang thiết bị chính:
- Máy kéo nén vạn năng BESTUTM 500HH: Là loại máy kéo nén vạn năng hiện đại được sản xuất ở Hàn Quốc với độ chính xác cao, điều khiển bằng phần mềm máy tính, có thể thực hiện được các thí nghiệm kéo – nén – uốn vật liệu với tải trọng tối đa lên tới 500 KN.
- Máy kéo nén vạn năng BESTUTM 050MD: Chức năng tương tự máy BESTUTM 500HH, tải trọng tối đa 50KN.
8. Phòng thí nghiệm nguyên lý cắt.
Với diện tích 100 m2. Các trang thiết bị được nhà trường đầu tư gồm: Máy tiện vạn năng FEL-1440 GWM, máy phay vạn năng đứng TF-OSS, máy mài sắc dụng cụ ACRA, bộ đo lực cắt và bộ đo nhiệt cắt cùng các trang thiết bị dụng cụ kèm theo. Mục đích sử dụng: Giảng dạy nội dung thực hành của học phần nguyên lý cắt các hệ cao đẳng, đại học; thực hiện nghiên cứu khoa học; triển khai các đề tài của học viên cao học và nghiên cứu sinh.
9. Phòng thí nghiệm máy cắt.
Với diện tích: 120 m2. Các trang thiết bị gồm: máy phay vạn năng đứng UVHM–127, máy tiện vạn năng FEL-1440GWM, máy phay vạn năng ngang ESZTERGOM, máy tiện vạn năng TAKISAWA, máy tiện vạn năng OKUMA, máy bào B560 cùng nhiều thiết bị kèm theo khác. Phòng được sử dụng với mục đích giảng dạy nội dung thực hành học phần máy cắt các hệ của ngành cơ khí; thực hiện nghiên cứu khoa học các cấp.
10. Phòng thực hành máy tự động
Diện tích phòng gần 100m2 . Được trang bị các bộ điều khiển CNC từ 2 đến 4 trục để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu cho các hệ đào ngành cơ khí nói chung, phục vụ cho quá trình đào tạo và nghiên cứu đối với học viên sau đại học với các hướng nghiên cứu mở về thiết kế máy và CNC controller
+ Các trang thiết bị chính:
- 02 bộ CNC controller 802S điều khiển 1 spindle + 3 axis hoặc 2 spindle + 2 axis
- 01 bộ CNC controller 802D-sl điều khiển 1 spindle+4 axis hoặc 2spindle +3 axis
- Các phụ kiện khác đầy đủ (driver, motor, handweel, power, I/O port,...) Để có thể lắp ráp hoàn chỉnh trên 1 nền cơ khí của máy mới. Tất cả các trang thiết bị trên đều của Siemens.
11. Phòng thí nghiệm CNC
Diện tích phòng 100 m2. Trang thiết bị gồm: Máy tiện CNC - PC TURN55, Máy phay CNC - PC MILL55 và Các trang bị công nghệ kèm theo máy...
Phục vụ đào tạo sinh viên cơ khí các hệ cao đẳng, đại học. Phục vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, các học viên sau đại học. Đào tạo, khai thác và chuyển giao công nghệ CNC. Cập nhật và phát triển công nghệ trong lĩnh vực CNC.
12. Phòng thí nghiệm công nghệ chế tạo máy
Diện tích phòng 160 m2. Các trang thiết bị gồm: Máy Phay 0SS/2VS, Máy Tiện F1-910 GSM, Máy tiện FEL-1440WM, Máy Mài phẳng APSG-820/2A, Máy Mài tròn MW1420, Bộ đo lực cắt trên máy mài tròn...Phòng sử dụng đào tạo sinh viên cơ khí các hệ cao đẳng, đại học. Phục vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, các học viên sau đại học. Đào tạo, khai thác và chuyển giao công nghệ tiện, phay, mài cho các doanh nghiệp.
13. Phòng thực hành Công nghệ tạo mẫu nhanh-Thiết kế ngược
Phòng có diện tích 100 m2, được trang bị hệ thống tạo mẫu nhanh MOJO 3D PRINTER, Hệ thống đo và scan 3D MCAx20- với độ chính xác cao. Phòng học thiết kế, chuyển giao công nghệ và xử lý dữ liệu máy tính chuyên dụng cấu hình cao trong thiết kế và gia công...
Phòng được sử dụng đào tạo đại học và sau đại học. Phục vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, các học viên sau đại học. Đào tạo và chuyển giao công nghệ thiết kế ngược, tạo mẫu nhanh, đo kiểm, scan 3D.
- Nghiên cứu, đào tạo và khai thác xử lý dữ liệu sau quá trình Scan đảm bảo độ tin cậy và chính xác cao.
- Nghiên cứu, cập nhật và phát triển công nghệ trong lĩnh vực thiết kế ngược tạo mẫu nhanh..
14. Phòng thực hành Cơ điện tử.
Phòng có diện tích 150 m2, được sử dụng để phục vụ thực hành các học phần: Lập trình PLC; Lý thuyết điều khiển tự động; Mô hình hoá và mô phỏng hệ thống cơ điện tử; Cảm biến và hệ thống đo; Kĩ thuật điều khiển chấp hành; Thực hành cơ điện tử; Chuyên đề cơ điện tử.
Các trang thiết bị chính: Bộ điều khiển PLC loại Siemen S7-200, S7-300 và phần mềm lập trình; Hệ thống phân loại sản phẩm có khả năng phân biệt màu sắc, lập trình PLC, chấp hành khí nén; Hệ thống điều khiển mực chất lỏng ứng dụng điều khiển PID bằng phần mềm chuyên dụng; Hệ thống điều khiển lưu lượng chất lỏng ứng dụng điều khiển PID bằng phần mềm chuyên dụng; Hệ thống điều khiển nhiệt độ ứng dụng điều khiển PID bằng phần mềm chuyên dụng; Hệ thống điều khiển áp suất ứng dụng điều khiển PID bằng phần mềm chuyên dụng; Hệ thống điều khiển tốc độ động cơ ứng dụng điều khiển PID bằng phần mềm chuyên dụng; Hệ thống điều khiển tuyến tính ứng dụng điều khiển PID bằng phần mềm chuyên dụng; Con lắc ngược một bậc tự do sử dụng điều khiển logic mờ; Bộ thực hành Lucass thực hiện các thí nghiệm về cảm biến, đo lường và điều khiển; Các phần mềm Matlab, Labview, Automation studio,... Các hạng mục chính do nhà trường đầu tư năm 2008.
15. Phòng thí nghiệm, thực hành Robot công nghiệp.
Với diện tích phòng 100 m2, được sử dụng phục vụ các mục đích nghiên cứu và thực hành cho các học phần Robot công nghiệp; Chuyên đề robot,....
Các trang thiết bị chính: Robot công nghiệp NACHI MC20 có 6 bậc tự do, khả năng nâng 20kg, tầm với 1,75m, độ chính xác vị trí 0,03mm, camera số giám sát chuyển động, có khả năng thay dao nhanh nhờ bộ thay dao tự động với các đầu gắp, đầu mài và đầu cắt, lập trình và kết nối máy tính; Máy phay CNC: Máy phay điều khiển số theo 3 trục kiểu PC base, bộ điều khiển mở, kết nối máy tính cho phép lập trình và gia công các chi tiết nhỏ, phạm vi dịch chuyển bàn máy: 200x200x150; Máy tiện CNC: Máy tiện điều khiển số kiểu PC base, bộ điều khiển mở, kết nối máy tính cho phép lập trình và gia công các chi tiết nhỏ, phạm vi dịch chuyển bàn máy: 200x100. Các hạng mục do nhà trường đầu tư vào năm 2011.
16. Phòng thực hành thủy khí.
Phòng có diện tích 150m2, phục vụ thực hành cho các học phần Hệ thống tự động thủy khí; Đồ án cơ điện tử,... và phục vụ nghiên cứu chuyên sâu các hệ thống điều khiển thủy lực, khí nén.
Phòng được trang bị các bộ thí nghiệm khí nén cơ bản TP 101; Bộ thiết bị thí nghiệm điện - khí nén cơ bản TP 201; Bộ thiết bị điện - khí nén trình độ nâng cao TP 202; Bộ thiết bị thí nghiệm thủy lực cơ bản TP 501; Bộ thiết bị thí nghiệm điện - thủy lực cơ bản TP 601. Các bộ thiết bị này được hãng Festo thiết kế cho phép thực hiện một hệ thống các bài thí nghiệm, bao gồm các loại van thủy lực, khí nén, van điện từ, các loại xy lanh tác động đơn, tác động kép, các bộ cảm biến trạng thái điện từ, cảm biến áp suất có hiển thị LCD,... có thể thực hiện việc lắp ráp trên các bàn di động Learline. Hệ thống các bài thực hành giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cấu tạo, nguyên lý hoạt động, chức năng và ứng dụng của các phần tử trong hệ thống tự động thủy khí. Bên cạnh đó, sinh viên có thể thực hiện thiết kế, tính toán lựa chọn các phần tử cho một hệ thống thủy khí, mô phỏng hệ thống trên các phần mềm Automation studio, FluidSIM,... và thực hành lắp ráp, vận hành thử nghiệm hệ thống đã được thiết kế. Phòng thí nghiệm, thực hành được nhà trường đầu tư vào năm 2013.
17. Phòng thí nghiệm, thực hành MPS
Phòng thực hành có diện tích 150m2, được sử dụng để thực hành các học phần Cơ điện tử; Kỹ thuật tự động hóa; Hệ thống tự động thủy khí; Kỹ thuật điều khiển chấp hành, Thực hành hệ thống cơ điện tử và phục vụ hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về các hệ thống điều khiển tự động.
Phòng được trang bị hệ thống sản xuất linh hoạt với 9 module (9 trạm MPS) do hãng Festo cung cấp bao gồm: Trạm cấp phôi; trạm kiểm tra; trạm gia công; trạm phân nhánh; trạm tay gắp; trạm phân loại; trạm gắp và đặt; trạm ép với xylanh đặc biệt; trạm kho. Các trạm MPS được thiết kế nhằm phục vụ các hoạt động đào tạo, nhưng dựa trên cơ sở của các hệ thống sản xuất thực tế trong công nghiệp, có tính chất thực tiễn cao. Sinh viên có thể thực hành cài đặt, lập trình, hiệu chỉnh, vận hành từng trạm hoặc tích hợp các trạm để thực hiện các quy trình sản xuất khác nhau. Bên cạnh đó, phòng được trang bị các bộ điều khiển PLC s7-300 CPU 313-2DP, các phần mềm Step7, WinCC, FluidSim, PLCsim,.. được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với các hệ thống sản xuất trong thực tiễn.
18. Phòng thí nghiệm công nghệ phủ Nano
Phòng có diện tích trên 70 m2, được trang bị các thiết bị hiện đại bao gồm: Thiết bị phún xạ Univex 400, tủ vi khí hậu điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm SDH-01, tủ bảo quản mẫu chống ẩm AD-250, bể làm sạch siêu âm S30H và các thiết bị hỗ trợ khác… Thiết bị Univex 400 do Đức sản xuất năm 2015, được trang bị 3 súng phún xạ theo công nghệ của Mỹ bao gồm: RF, Xung DC và DC do đo thể phủ được các màng từ đơn lớp đến đa lớp với chiều dầy từ vài nanomet đến vài chục micromet với các vật liệu phủ kim loai, phi kim (gồm cả gốm sứ).... Với đặc tính đó, thiết bị rất hiệu quả đề tạo các lớp phủ trên các sản phẩm dùng để trang trí, các mạch điện tử, tạo các lớp phủ quang học, các lớp phủ chịu nhiệt, tạo các lớp phủ siêu dẫn điện, và đặc biệt là tạo các lớp phủ cứng trên bề mặt khuôn mẫu, dụng cụ cắt để nâng cao tuổi thọ cho khuôn, dụng cụ cắt…Với những khả năng công nghệ đó phòng thí nghiệm này đủ khả năng để đào tạo đại học, sau đại học, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đặc biệt là dùng để nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực tạo phủ sử dụng phương pháp PVD.
19. Phòng thực nghiệm công nghệ CNC
Phòng có diện tích 80 m2. Trang thiết bị gồm: 01 Máy phay CNC 5 trục đồng thời DMU 50,Máy tính trang bị phần mềm đào tạo và phần mềm hỗ trợ lập trình gia công 5 trục...Phòng được sử dụng phục vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Phục vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, các học viên sau đại học; Phục vụ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; Đào tạo, khai thác và chuyển giao công nghệ thiết kế CAD/CAM 3 trục, 4trục, 5 trục và vận hành máy gia công CNC;Nghiên cứu các giải pháp công nghệ gia công sản phẩm thực tiễn với mục tiêu tối ưu hóa công nghệ gia công cho các Công ty, Doanh nghiệp gia công cơ khí; Nghiên cứu giải pháp tối ưu hóa quỹ đạo chuyển động của dao đảm bảo giảm thời gian gia công, tăng tuổi bền dụng cụ cắt khi gia công...
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội