Đẩy mạnh các hoạt động thực hiện phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “học tập phong cách Hồ Chí Minh”, được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường Đại Học Công nghiệp Hà Nội, Chi bộ Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật đã tổ chức sinh hoạt thực tế bằng hoạt động xã hội từ thiện tại Trung tâm Nhi khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và thăm một số di tích, danh thắng ở tỉnh Thái Nguyên nhằm góp phần giáo dục lý tưởng chính trị, đạo đức cách mạng cho Đảng viên.
Ngày 07 tháng 01 năm 2018, Chi bộ Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật đã tổ chức sinh hoạt thực tế bằng chuyến về thăm tỉnh Thái Nguyên, vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Đoàn đi gồm Ban Chi ủy và hơn 20 đảng viên trong Chi bộ Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật.
Với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” các đảng viên thay mặt cho 40 cán bộ giảng viên Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật đã thăm và trao tặng 17 suất quà trị giá 400 nghìn đồng/suất cho các cháu mắc bệnh thiếu máu huyết tán có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh việ Đa khoa Trung ương Thái Nguyên; đồng thời Đoàn cũng đã thăm và tặng quà cho 80 em bệnh nhi đang điều trị tại Trung tâm Nhi khoa của Bệnh viện, mỗi phần quà trị giá khoảng 40 nghìn đồng. Món quà tuy không phải là lớn về vật chất nhưng đã thể hiện sự quan tâm chia sẻ, sự động viên đối với các cháu và gia đình, góp phần tiếp sức cho các cháu vượt qua nỗi đau về bệnh tật.
Một số hình ảnh của Đoàn tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên:
Sau khi làm công tác thiện nguyện, Đoàn đến thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở trung tâm Thành phố Thái Nguyên. Đây là một trong những bảo tàng văn hóa lớn bậc nhất ở nước ta. Bảo tàng có tổng diện tích khoảng 39.000m2, ở đây đang lưu giữ hơn 20.000 đơn vị tài liệu hiện vật gốc quý hiếm thuộc di sản văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam. Thông qua việc tham quan tìm hiểu về Bảo tàng, các đảng viên có dịp trau dồi thêm nhiều kiến thức về văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trên cơ sở đó vận dụng vào công tác giảng dạy.
Hình ảnh của Đoàn trước tòa nhà chính của Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam
Rời Bảo tàng, Đoàn tiếp tục di chuyển lên Hồ Núi Cốc, một danh thắng nổi tiếng và là công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên. Hồ Núi Cốc nguyên là một đoạn của sông Công, một trong các chi lưu của sông Cầu chảy vòng quanh một ngọn núi đất có tên là núi Cốc. Hồ Núi Cốc có diện tích mặt nước trung bình 25 km vuông, ở thời điểm lũ tối đa là 32 km vuông; độ sâu 46,2 m, thời điểm cường lũ tối đa là dung tích toàn bộ 175,5 triệu mét khối, dung tích hữu ích 168 triệu mét khối. Hồ-đập Núi Cốc cùng các công trình phụ trợ tạo thành hệ thống thủy lợi Núi Cốc có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 12 nghìn ha lúa thuộc bốn huyện, thành phố phía nam tỉnh Thái Nguyên và khu công nghiệp Thái nguyên với lưu lượng 30 mét khối/giây; cung cấp nước phục vụ đời sống dân sinh của cư dân thành phố Thái Nguyên với lưu lượng 7,2 mét khối/giây. Tổng lượng nước do Hồ Núi Cốc cung cấp cho Thái Nguyên đạt từ 40 triệu đến 70 triệu mét khối/năm. Trong một số năm hạn hán, Hồ Núi Cốc còn còn tiếp nước cho hệ thống thủy nông sông Cầu (Bắc Giang) khoảng 30 triệu đến 50 triệu mét khối/năm. Hệ thống thủy lợi Hồ Núi Cốc cũng có tác dụng cắt lũ cho vùng hạ lưu sông Công; chăn nuôi thủy sản và địa điểm du lịch.
Hình ảnh của Đoàn trên thuyền thăm Hồ Núi Cốc
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội