Ngày 12 và 13 tháng 10 năm 2018, Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh (VietTESOL) phối hợp cùng khoa Ngoại ngữ, Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Quốc tế 2018 (VietTESOL International Convention – VIC 2018) tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hội thảo đã thu hút hơn 460 giáo viên, giảng viên tiếng Anh đang giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học ở Việt Nam về tham dự, cùng với các học giả, chuyên gia đến từ Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan.
Hội thảo Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh Quốc tế VietTESOL là sự kiện học thuật thường niên do Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh trực thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức, với mục đích kết nối các giáo viên, giảng viên, chuyên gia và nhà nguyên cứu trong và ngoài nước để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thảo luận các thành quả nghiên cứu liên quan đến chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam và trên thế giới. Trong năm 2018, chủ đề của hội thảo là “Giảng dạy tiếng Anh trong Cách mạng Công nghiệp 4.0: đáp ứng nhu cầu của thi trường lao động đầy biến động”. Từ chủ đề chính này, nội dung hội thảo chia thành ba lĩnh vực chính, tương ứng với ba vấn đề cấp thiết nhất trong việc đào tạo tiếng Anh trong thế kỉ 21 - ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, phát triển các mô hình kiểm tra đánh giá đảm bảo đầu ra của quá trình đào tạo, và giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp cụ thể.
Trước thềm Hội thảo chính thức vào tháng 10, Ban Tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận hơn 370 đề cương nghiên cứu của các giáo viên, giảng viên và chuyên gia tiếng Anh. Trải qua hơn 800 lần nhận xét, chỉnh sửa của 90 đánh giá viên, 160 đề cương đã được lựa chọn trình bày trong các phiên song song của 2 ngày hội thảo, trong đó có 96 bài thuyết trình nghiên cứu, 21 chuyên mục kĩ năng và 38 bài thuyết trình áp phích. Lịch trình của Hội thảo còn bao gồm bốn bài phát biểu chủ đạo, hai bài thuyết trình đặc biệt của khách mời là các chuyên gia đầu ngành, cùng với gần 20 phiên tiểu mục kĩ năng và triển lãm công nghệ giáo dục.
TS. Bùi Thị Ngân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Ngày 12 tháng 10, Hội thảo bắt đầu với buổi lễ khai mạc ấn tượng tại Phòng Hội nghị tại nhà A11, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Giáo sư Nguyễn Hòa, Chủ tịch Phân hội VietTESOL kiêm Trưởng ban tổ chức VIC 2018, đã phát biểu khai mạc, nêu bật cơ sở lý luận, các khái niệm trọng tâm, chủ đề chính của Hội thảo và chào đón sự tham gia của các vị khách quý, các học giả và chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh. Tiếp sau lễ khai mạc là bài phát biểu của ông David Kertzner, người sáng lập Tổ chức ProActive English và chuyên gia hàng đầu về đào tạo nghiệp vụ tiếng Anh thương mại tại Hoa Kỳ. Trong bài thuyết trình của mình, ông Kertzner đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tái tạo bối cảnh giao tiếp tiếng Anh thực tế trong môi trường lớp học và xây dựng ý thức về tiếng Anh như ngôn ngữ chuyên ngành ở học viên khi giảng dạy tiếng Anh nghiệp vụ.
Giáo sư Nguyễn Hòa - Chủ tịch phân hội VietTESOL
Sau lễ khai mạc, rất nhiều hoạt động đã diễn ra sôi nổi tại Đại học Công nghiệp Hà Nội trong suốt hai ngày Hội thảo:
Các bài phát biểu nổi bật
Hội thảo có ba bài thuyết trình đặc biệt từ các giáo sư nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài. Các bài thuyết trình này được trình bày sau khi kết thúc các phiên song song, do đó hầu hết những người đến tham dự Hội thảo đều ở lại để lắng nghe. Các bài phát biểu đều nhằm mục đích tổng kết lại các vấn đề lớn đã được đưa ra trong suốt Hội thảo, từ đó kêu gọi đóng góp ý kiến mang tính xây dựng và thúc đẩy sự giao lưu tích cực giữa các khán giả.
Bài phát biểu đầu tiên của Tiến sĩ Joanna Motteram, chuyên gia tiếng Anh tại Singapore và cộng tác viên của Hội đồng Anh, nghiên cứu về cách duy trì tính hiệu quả của các hoạt động giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp trong thời đại máy tính.
Nghiên cứu thứ hai của Tiến sĩ Đặng Tấn Tín, Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đã đem đến một khám phá thú vị về tính tự chủ của người học trong kỷ nguyên số.
Bài thuyết trình thứ ba của Tiến sĩ Margaret Kettle, Phó giáo sư tại Khoa Giáo dục, Đại học Công nghệ Queensland (QUT), Brisbane, Australia, tập trung vào nhận xét chữa lỗi trong kĩ năng viết và ảnh hưởng của nó đối với việc nâng cao năng lực ngôn ngữ của sinh viên học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL). Trong bài thuyết trình, tiến sĩ Kettle đã tóm tắt một cách hiệu quả tất cả các vấn đề chính bao hàm trong mảng nhận xét chữa lỗi đối với kĩ năng viết tiếng Anh, và từ nghiên cứu can thiệp có quy mô rất nhỏ và rất cá nhân của cô, các giáo viên, giảng viên có thể rút ra bài học quan trọng rằng nghiên cứu khoa học là cách thức hết sức thông dụng và cần thiết để tìm giải pháp hợp lý cho các vấn đề giáo dục, cũng như giúp chúng ta thường xuyên trau dồi và phát triển kĩ năng giảng dạy tiếng Anh.
Các phiên thuyết trình song song và chuyên mục kĩ năng
Trong VIC 2018, các phiên thuyết trình song song của các giáo viên, nhà nghiên cứu và học giả có nội dung chủ yếu xoay quanh ba lĩnh vực sau:
1. ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH
2. GIẢNG DẠY VÀ ĐÁNH GIÁ TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH
3. GIẢNG DẠY TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH
Triển lãm và trình diễn công nghệ
Ngoài các cuộc thảo luận và thuyết trình, VIC 2018 đã tổ chức một hội chợ công nghệ đặc biệt dành cho các nhà tài trợ, nhà xuất bản và công ty dịch vụ để triển lãm những thành tựu mới nhất về phát triển tài liệu giáo dục, trang thiết bị dạy học và dịch vụ giáo dục. Có 18 gian hàng trình diễn công nghệ, bao gồm ba gian hàng của các tổ chức văn hóa - giáo dục là Hội đồng Anh, IIG Việt Nam, DTP Education Solutions và tám gian hàng của các nhà xuất bản nổi tiếng như Oxford University Press, National Geographic Learning, Pearson, Macmillan, MM Publishing và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Chiều ngày 13 tháng 10, Hội thảo Quốc tế VietTESOL khép lại với bài phát biểu của TS. Trần Thị Duyên, Giám đốc các dự án giảng dạy ngoại ngữ, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, và lễ bế mạc ghi nhận các thành tựu của Hội thảo và sự đóng góp của những người tham gia.
TS. Trần Thị Duyên - Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí - ĐHCN HN
Hội thảo kết thúc đầy ý nghĩa khi một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế và những ảnh hưởng lâu dài của nó đối với triển vọng nghề nghiệp và sở thích học tập của người học, từ đó khuyến khích các nghiên cứu sâu rộng hơn về đổi mới cách thức giảng dạy và thực hành tiếng Anh trong môi trường công nghệ, cũng như thu hẹp khoảng cách giữa tiếng Anh “trên lớp” và tiếng Anh “đi làm” trong thực tế.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội