Hội nghị Truyền thông và Văn hóa giáo dục đại học - Đổi mới & Phát triển
Sáng ngày 13/02/2019, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội nghị Truyền thông và Văn hóa giáo dục đại học - Đổi mới & Phát triển. Hội nghị mang đến cho cán bộ, giảng viên ĐHCNHN thông điệp năm mới với nhiều vấn đề mới và quan trọng trong giáo dục đại học thời hội nhập.
Hội nghị vinh dự chào đón ông Cao Quốc Hưng - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Lý Quốc Hùng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Công Thương; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội; bà Lê Thị Đức, Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cùng các đại biểu khách mời đến từ Bộ Công Thương, Đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội, Công đoàn Công Thương Việt Nam và một số cơ quan truyền thông, báo chí. Về phía trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, có sự tham dự của PGS.TS Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cùng hơn 400 Phó Giáo sư, tiến sĩ, cán bộ quản lý, cộng tác viên, giáo viên chủ nhiệm và chuyên viên khối hành chính của nhà trường. Hội nghị chào đón diễn giả, TS. Phan Tất Thứ - Chủ tịch, Chuyên gia trưởng tổ hợp KNV Group.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chúc mừng những thành công của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đạt được trong năm 2018. Thứ trưởng đánh giá cao sáng kiến và ý nghĩa của Hội nghị Truyền thông và Văn hóa giáo dục đại học mà ĐHCNHN là trường đi đầu trong số rất ít trường đại học tổ chức và triển khai nội dung này. Thứ trưởng khẳng định đẩy mạnh công tác truyền thông và văn hóa giáo dục là một trong những giải pháp quan trọng giúp nhà trường đạt được mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ trình độ cao, có bản lĩnh và đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước thời hội nhập.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị
Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ về tầm quan trọng của công tác truyền thông trong giáo dục đại học với các nội dung:
1. Truyền thông khối các trường đại học là một bộ phận của hoạt động quản trị đại học, là quá trình gắn kết với quản trị thương hiệu nhà trường. Hoạt động truyền thông hướng đến sự phát triển bền vững qua việc xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của nhà trường. Trong đó, chú trọng đến chất lượng đầu ra của sinh viên, chất lượng của hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác phát triển, tuyển sinh, việc làm cho sinh viên…Có thể thấy thương hiệu đã trở thành giá trị, là lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu của các trường đại học hiện nay. Và việc xây dựng và phát triển thương hiệu chắc chắn phải được thúc đẩy từ công tác truyền thông.
2. Để công tác truyền thông được thực hiện một cách toàn diện trong thời gian tới, các trường đại học nói chung và ĐHCNHN nói riêng cần xác định truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể, truyền thông trên mọi mặt, mọi vấn đề của giáo dục đại học và đặc biệt là Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
3. Tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng các tấm gương điển hình, các hoạt động đổi mới, sáng tạo, các kết quả tích cực trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, các hoạt động của sinh viên. Chủ động xây dựng các sản phẩm truyền thông quảng bá chất lượng của nhà trường. Xây dựng các mạng lưới truyền thông trong phối hợp truyền thông và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT.
4. Thay đổi nhận thức tích cực cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, người học hiểu rõ vai trò cũng như tầm quan trọng của công tác truyền thông, trách nhiệm của từng cá nhân trong môi trường đại học - nơi gắn bó, nơi làm việc và học tập. Các trường cùng nhau thúc đẩy sự cộng hưởng về truyền thông trong giáo dục đại học của các trường để tạo vị thế và thương hiệu về giáo dục đại học của Việt Nam trên trường quốc tế
PGS. TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội nghị
Về văn hóa giáo dục đại học, PGS.TS Trần Đức Quý, Hiệu trưởng nhà trường cũng có nhiều trao đổi sâu sắc tại hội nghị, trong đó thầy nhấn mạnh: Để xây dựng văn hóa học đường trong môi trường đại học hiện nay cần phải có sự tác động nhiều chiều, từ nhiều chủ thể khác nhau, trong đó giảng viên giữ vai trò quan trọng nhất, giảng viên phải là người mẫu mực về chuyên môn, nhân cách, đạo đức, lối sống thì mới làm tròn chức năng truyền tải tri thức, văn hóa, góp phần phát triển nhân cách sinh viên. Giảng viên phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giáo dục để phát huy tính tích cực của sinh viên trong quá trình học tập. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên không chỉ dừng lại ở trang bị, định hướng, gợi mở tri thức cho người học, mà còn phải truyền lửa, sự tâm huyết để kiến thức, văn hóa trở thành niềm tin, động lực thúc đẩy sinh viên điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của mình, khơi dậy ở họ ý chí vượt qua khó khăn, chiếm lĩnh tri thức khoa học, đóng góp trí tuệ cho công cuộc xây dựng đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị Truyền thông và Văn hóa giáo dục đại học
TS. Phan Tất Thứ - diễn giả chính tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Phan Tất Thứ - Chủ tịch và Chuyên gia trưởng KNV Group với vai trò diễn giả đã cung cấp hệ thống lý luận sâu rộng, những minh chứng thực tế về truyền thông, PR & Quan hệ báo chí; xử lý các sự cố & khủng hoảng truyền thông; truyền thông nội bộ & văn hóa trường đại học; xây dựng thương hiệu, nhận diện & danh tiếng. Theo TS.Phan Tất Thứ, truyền thông là một quá trình liên tục, có sự chuẩn bị kỹ càng, công phu và tạo sự tác động mạnh mẽ nhất trong công chúng. Các trường đại học cần nắm rõ nguyên lý truyền thông, xác định đối tượng truyền thông để đạt kết quả truyền thông một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TS. Phan Tất Thứ khuyến nghị các trường cần thực hiện truyền thông gắn với thương hiệu, quản trị và hệ thống; văn hóa, văn minh, thực hành và sự thật; nhân văn và bền vững; cầu thị và cấp tiến; chiến lược truyền thông phải rõ ràng, tránh rời rạc; gắn kết thương hiệu và văn hóa; xây dựng bộ quy tắc đạo đức và hành xử; làm tốt công tác truyền thông nội bộ; xây dựng thương hiệu và danh tiếng, văn hóa ĐHCNHN.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Cán bộ, giảng viên trao đổi và đặt câu hỏi tại phần tọa đàm
PGS. TS. Trần Đức Quý phát biểu tại phần Tọa đàm
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội